01:11 20/01/2012

Mùa xuân - Mùa lễ hội của đồng bào các dân tộc

Mùa xuân, khi các loài hoa đua nhau khoe sắc thắm khắp núi rừng, cũng là lúc đồng bào các dân tộc bước vào mùa lễ hội đầu xuân. Lễ hội đã góp phần tạo nên bản sắc văn hóa riêng của mỗi dân tộc.

Mùa xuân, khi các loài hoa đua nhau khoe sắc thắm khắp núi rừng, cũng là lúc đồng bào các dân tộc bước vào mùa lễ hội đầu xuân. Lễ hội đã góp phần tạo nên bản sắc văn hóa riêng của mỗi dân tộc. Các dân tộc trong cộng đồng 54 dân tộc anh em đều có những lễ hội mùa xuân độc đáo của riêng mình. Tin Tức xin giới thiệu một số lễ hội mùa xuân đặc trưng của đồng bào các dân tộc.

1. Lễ hội Mùa xuân của các dân tộc Tây Nguyên

Lễ hội Mùa xuân, còn gọi là Lễ hội mừng lúa mới được đồng bào các dân tộc Tây Nguyên (Êđê, Giarai, Bana, Xơđăng, M’Nông) tổ chức sau mùa gặt hái, đón năm mới (thường bắt đầu từ cuối tháng 12 năm cũ đến tháng 3 năm mới). Theo tục lệ, hàng năm vào dịp kết thúc một mùa rẫy là đồng bào các dân tộc nơi đây cùng tổ chức lễ hội đón năm mới (gọi là mùa ăn năm, uống tháng). Sau lễ ăn cơm mới, các buôn làng tổ chức lễ cúng bến nước, để cầu mong mưa thuận, gió hòa, mọi người khỏe mạnh, nhà nhà nhiều lúa, bắp, trâu, bò, heo, gà… Cũng trong những ngày đầu xuân này, các buôn làng còn tổ chức lễ kết nghĩa anh em, lễ cưới, lễ trưởng thành, lễ cúng sức khỏe cho mọi thành viên trong cộng đồng.

Cuối cùng, khi mùa xuân sắp kết thúc, người ta làm lễ cúng cầu mưa, cúng thần gió, cầu một năm mưa thuận gió hòa, làm ăn phát đạt, nhà nhà no ấm, hạnh phúc. Trong suốt thời gian diễn ra lễ hội, đồng bào cùng nhau uống rượu cần, cùng nắm tay nhau nhảy múa trong tiếng cồng tiếng chiêng rộn rã…

2. Hội mừng nhà mới đầu xuân của dân tộc Lô Lô

Người Lô Lô sống tập trung chủ yếu ở 2 tỉnh Hà Giang, Cao Bằng. Trong sinh hoạt cộng đồng của người Lô Lô, lễ hội vui nhất là Hội mừng nhà mới đầu xuân. Theo phong tục của người Lô Lô, khi xây dựng gia đình, đôi vợ chồng mới cưới phải tự đi tìm đất làm nhà, làm nương, chuẩn bị cho một cuộc sống lâu dài, đồng thời lo tổ chức mừng nhà mới vào ngày đầu xuân.

Ngày hoàn thành ngôi nhà được coi là ngày hội, cả bản kéo đến dự. Nam thì mang rượu, thịt, nữ thì mang xôi, bánh để mừng. Thầy cúng được mời đến cúng khấn báo thần linh, hát cầu cho người trong nhà mới gặp may mắn và khỏe mạnh. Sau đó, chủ nhà bê ra một quả bầu to để mọi người đập vỡ, rồi mang đi nấu chín để mọi người cùng ăn. Tiệc xong, các nghệ nhân mang kèn, sáo tới hòa tấu thâu đêm suốt sáng. Các cụ già ngồi chúc tụng, trò chuyện, các đôi nam, nữ thanh niên hát đối đáp, giao duyên...

3. Lễ hội Gầu Tào của dân tộc Mông

Nghi lễ cúng cầu tự trong ngày hội Gầu Tào. Ảnh: Xuân Trường - TTXVN


Gầu Tào trong tiếng Mông có nghĩa là chơi ngoài trời, còn gọi là đạp núi, là hội chơi đồi hay hội chơi núi mùa xuân. Gầu Tào là lễ hội truyền thống của người Mông được tổ chức theo hình thức luân phiên. Hàng năm, người Mông họp và chọn một gia đình trong cộng đồng chịu trách nhiệm đứng ra tổ chức. Lễ hội thường được tổ chức sau ngày mùng 2 Tết, kéo dài 1-3 ngày. Ngày khai hội, gia chủ chuẩn bị đầy đủ lễ vật để thầy cúng cúng tạ ơn trời đất ban cho con cái và sức khỏe, đại diện các khách dự hội cầu chúc gia chủ, dân làng người yên, vật thịnh. Nghi lễ khai hội là điệu múa khèn, tiếp theo là cảnh hát hội do ông chủ hội (một người có uy tín trong làng) và một vài ông già hát dẫn lời. Sau đó, nhiều hoạt động sôi nổi diễn ra khắp quả đồi rộng: Chỗ này là đám thi bắn nỏ, quay cù, chỗ kia là từng tốp các chàng trai, cô gái chơi đánh yến, ném quả pao, hát gầu plềnh…

4. Lễ hội nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn

Người Pà Thẻn (sinh sống chủ yếu ở tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang) có khá nhiều lễ Tết trong một năm nhưng đáng chú ý nhất là Lễ nhảy lửa, lễ hội thể hiện sức mạnh phi thường của người Pà Thẻn muốn chinh phục thiên nhiên, làm chủ cuộc sống. Sau khi ăn Tết xong, người Pà Thẻn thường tổ chức Lễ nhảy lửa để cầu cho mưa thuận gió hòa, nhà nhà hạnh phúc, mùa màng bội thu. Lễ hội còn có ý nghĩa tín ngưỡng với ngọn lửa thiêng rực cháy sẽ xua đi tà ma, mang lại cho bản làng, gia đình, dòng tộc cuộc sống hiền hòa, sung túc. Theo quan niệm của người Pà Thẻn, lửa như là vị thần linh thiêng, cứu rỗi con người thoát khỏi khổ ải, chiến thắng sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Với người Pà Thẻn thì nhảy lửa là một tục lệ mang tính chất cộng đồng, là dịp để mọi người cùng nhau vui vẻ, thư giãn.

5. Lễ hội Xuân Ba Bể

Lễ hội Xuân Ba Bể được tổ chức tại xã Nam Mẫu huyện Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn) vào ngày mùng 10 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Vào những ngày này, bà con vừa ăn Tết, vừa chuẩn bị cho ngày hội. Sáng mùng mười, lễ hội chính thức khai mạc. Mở đầu là màn dâng lễ của 16 xã. Lễ vật của các xã chỉ đơn giản có xôi, gà, nải chuối, bánh khảo và một chai rượu ngô. Mười sáu mâm lễ này được các thôn nữ kính cẩn dâng lên thần núi, thần sông, thần hồ để cầu một năm bình an với mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, vạn vật sinh sôi nảy nở. Phần hội có nhiều trò chơi hấp dẫn như: Đua thuyền độc mộc, ném còn, đấu võ dân tộc, bắn cung và biểu diễn múa, hát truyền thống của các dân tộc…, thu hút nhiều bà con các dân tộc trong vùng đến vui. Sôi động nhất là đua thuyền trên hồ Ba Bể, người xem vòng trong, vòng ngoài reo hò cổ vũ cho người làng mình, bản mình.

6. Lễ hội H’Tend - Tết đầu năm của dân tộc Hre

Lễ hội H’Tend của người Hre (sống chủ yếu ở Quảng Ngãi, Bình Định, và Kon Tum) diễn ra vào khoảng tháng 2, tháng 3 âm lịch của người Kinh. Để đón hội H’Tend, người Hre chuẩn bị lễ vật, thức ăn đồ uống, dọn dẹp nhà cửa, đường làng, dựng cây nêu, chỉnh sửa cồng chiêng, nhạc cụ, sửa soạn áo váy... Ngày Tết thứ nhất bắt đầu bằng nghi lễ dọn nhà, đuổi tà ma, điều xấu; rước điều tốt, niềm vui. Tiếp đến là các lễ cúng rước thần linh, tổ tiên về ăn Tết cùng người sống và phù hộ cho mọi người. Sau hai lễ thức trên, mọi người gói bánh nếp, thịt lợn, gà… để chuẩn bị cho lễ cúng trâu ngày hôm sau. Lễ cúng trâu được tổ chức ngay trước cửa chuồng trâu vào tảng sáng, với mục đích cầu mong cho con trâu được mạnh khỏe và biết nghe lời người. Sau đó chủ nhà dọn cơm, thịt, rượu… mời mọi người cùng ăn uống. Bên các ché rượu cần, mọi người tâm tình, trò chuyện, đánh cồng, nhảy múa, chơi các trò chơi truyền thống… Ngày cuối cùng của Tết H’Tend, nhà cửa được dọn dẹp sạch sẽ để đón khách đến thăm. Chủ nhà và khách chúc nhau “Cái ốm bỏ đi, làm gì được nấy”, “Người khỏe, thóc đầy”…

7. Lễ hội Khai hạ Mường Bi

Khai hạ là lễ hội khởi đầu cho năm mới của đồng bào Mường Bi (Hòa Bình). Theo quy định trước đây của lang Mường Bi, sau lễ Khai hạ, người dân mới được vào rừng lấy măng, củi, săn bắn... nên lễ hội này còn được gọi là lễ xuống đồng và mở cửa rừng. Nét độc đáo của lễ hội Khai hạ Mường Bi là tục tu sửa mương Lò, con mương đảm nhiệm tưới tiêu cho toàn vùng. Theo quy định, mỗi gia đình trong vùng đều cử một người tham gia vào việc nạo vét lòng mương, khơi thông dòng chảy. Khi con mương được tu sửa xong, mọi người cùng dùng cơm và thịt tế được chia, say sưa với men rượu cần. Sau đó cùng tham gia những trò chơi dân gian như bắn nỏ, kéo co, đánh cù, đánh mảng, thi xắc bùa, hát đối...

8. Lễ hội Xên bản, Xên Mường của dân tộc Thái

Vào khoảng tháng 2 âm lịch hàng năm, đồng bào người Thái lại tổ chức Lễ hội Xên bản Xên Mường. Đây là một trong những lễ hội lớn nhất trong năm của dân tộc Thái, tưởng nhớ đến các bậc tiền nhân đã khai khẩn đất đai, lập ra đất Mường và cầu mong cho người Thái được ấm no, hạnh phúc, có cuộc sống bình an.

Lễ hội mở đầu bằng đám rước từ nhà tạo mường ra đình, tiếp theo là lễ hiến sinh cúng thần. Sau khi thầy mo cúng xong, lệnh cho dắt con trâu mộng đi mổ thịt làm lễ hiến sinh, thì các trò vui của nam nữ thanh niên bắt đầu. Họ tổ chức múa xòe, thi bắn cung, nỏ, ném còn, ca hát, thổi kèn, sáo, thi chim hót, thi trâu béo, thi hát giao duyên. Sau đó là một số ngày kiêng kỵ. Nhà nào nhà nấy đều đóng kín cửa, cài cành lá xanh, người trong nhà nghỉ đi rừng, đi rẫy và không tiếp khách lạ.

9. Lễ hội Roóng Poọc của dân tộc Giáy

Hàng năm vào ngày Thìn tháng Giêng âm lịch, người Giáy ở Tả Van (Sa Pa - Lào Cai) lại mở Hội Roóng Poọc để cầu mùa màng bội thu, người yên vật thịnh, mưa thuận, gió hòa.

Sau khi sắm đầy đủ lễ vật theo quy định, thầy cúng khấn xin thần bản phù hộ cho dân bản một mùa bội thu, gia súc đầy chuồng, có của ăn của để. Lễ cúng xong, thầy cúng sẽ đưa quả còn cho những người già uy tín trong bản ném vòng Nhật Nguyệt. Khi vòng Nhật Nguyệt được ném thủng, từng gia đình đến bàn thờ chính để thắp hương vái lạy thần linh, cầu may mắn cho gia đình và làng bản.

Tham gia lễ hội là tất cả già trẻ, lớn bé trong bản, họ cũng sẵn sàng đón tiếp bạn bè các dân tộc anh em đến xem và chung vui. Sau phần cúng tế là đến phần hội với nhiều trò chơi dân gian độc đáo như ném còn, kéo co... và đặc biệt là có cuộc thi tài cày ruộng của những chàng trai trong bản.

10. Thác Côn - Lễ hội độc đáo của dân tộc Khmer Sóc Trăng

Lễ hội Thác Côn tại An Trạch, thị trấn Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng còn được gọi là lễ hội Cúng Dừa, vì thức cúng chủ yếu trong lễ hội này là hàng ngàn trái dừa tươi. Lễ hội diễn theo Phật lịch của người Khmer, tương ứng với rằm tháng ba âm lịch. Vào những ngày diễn ra lễ hội, dân làng thu xếp việc nhà, sắm sửa trang phục để trẩy hội cầu phước, gặp gỡ bè bạn, người thân… Lễ Cúng Dừa kéo dài ba ngày. Vào ngày kết thúc lễ hội, các bà lão và các thiếu nữ trong làng An Trạch lấy những hạt giống ngũ cốc trên bệ thờ, một ít tro, nhang từ những lư hương trong ngôi miếu thiêng đem ra đồng. Họ rải những hạt giống lấy từ miếu Thác Côn lên các cánh đồng, rắc tro, nhang lên bờ ruộng để cầu mong những hạt giống ấy, những tro, nhang ấy trả về một mùa màng bội thu, cho cái chu kỳ bất tận của trời đất, nắng mưa luôn mang tới no ấm, hạnh phúc cho mọi người, mọi gia đình.

11. Lễ vào năm mới của dân tộc Khmer Nam bộ

Chôl Chnam Thmây còn gọi là Lễ vào năm mới, là lễ hội lớn nhất trong năm của người Khmer. Lễ hội thường diễn ra vào khoảng giữa tháng 4 dương lịch, vào những ngày cuối mùa khô và đầu mùa mưa.

Lễ hội diễn ra trong ba ngày. Ngày thứ nhất đoàn người mang nhang đèn, hoa quả cùng nhau rước Đại Nông lịch quanh chánh điện rồi vào lễ Phật, đọc kinh mừng năm mới. Ngày thứ hai, mọi người làm lễ dâng cơm và đắp núi cát để cầu mưa, cầu phúc. Ngày thứ ba, ngày cuối cùng của Tết, mọi người làm lễ tắm tượng Phật, tắm cho sư và tắm cho mình. Trong những ngày Tết, khi những người lớn tuổi nghe thuyết pháp trong chùa, thì trong khuôn viên chùa nam nữ thanh niên tổ chức nhiều trò chơi tập thể như đá cầu, bịt mắt bắt dê, ném chung (giống ném còn của người Thái), hát đối, kéo co…

Mỗi dân tộc có lễ hội riêng của mình gắn với phong tục, tập quán, tín ngưỡng và lao động sản xuất. Lễ hội đã làm cho không khí các làng, bản, phum, sóc tưng bừng sống động, đồng bào các dân tộc phấn khởi nô nức tham gia các hoạt động văn hóa, nâng cao ý thức cộng đồng.

Phương Hà (sưu tầm)