06:01 08/06/2012

Mùa hè, gia tăng trẻ bị bỏng

Năm nào cũng vậy, cứ đến dịp học sinh được nghỉ hè là số bệnh nhi bị bỏng lại tăng đáng kể. Có tình trạng này là do trẻ được nghỉ hè nhưng người lớn lại thiếu sự quan tâm, quản lý trẻ sát sao, thậm chí để trẻ em tự quản, đứa lớn trông đứa bé...

Năm nào cũng vậy, cứ đến dịp học sinh được nghỉ hè là số bệnh nhi bị bỏng lại tăng đáng kể. Có tình trạng này là do trẻ được nghỉ hè nhưng người lớn lại thiếu sự quan tâm, quản lý trẻ sát sao, thậm chí để trẻ em tự quản, đứa lớn trông đứa bé...

 

101 nguyên nhân gây bỏng


Nhập viện từ 30/5 do bị bỏng nến, đến nay, cháu Nguyễn Trung Ng. (11 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) đã qua cơn nguy kịch dù cả người vẫn quấn băng trắng toát, mặt sưng phồng, biến dạng. Ths. Nguyễn Thống, trưởng khoa Bỏng BV Xanh Pôn cho biết: Ng. nhập viện trong tình trạng nặng, diện tích bỏng lên tới 40%. Theo lời người nhà, hôm đó do mất điện nên cháu châm nến (loại nến to có xuất xứ từ Trung Quốc) để đọc sách. Không may, cây nến phát nổ, lửa bám vào quần áo nhiều nilon bùng cháy khiến cháu bị bỏng nặng. Điều đáng tiếc là khi con bị bỏng, người nhà lại vội vàng cởi quần áo cháu ra khiến nhiều chỗ da bị bong ra theo. Vùng bỏng của cháu không còn giữ được nguyên hiện trạng gây khó khăn không nhỏ cho bác sĩ xác định mức độ bỏng. Hiện giờ, cháu đã qua giai đoạn sốc, nhưng sẽ mất thời gian dài để có thể hồi phục.


Theo Ths. Thống, tai nạn bỏng trẻ em đặc biệt gia tăng về mùa hè, cả về số lượng và mức độ bỏng. Từ cuối tháng 5 đến nay, trung bình mỗi ngày bệnh viện khám và điều trị từ 15- 17 cháu bị bỏng, trong đó có tới 2/3 bệnh nhi phải nhập viện. Số bệnh nhi bỏng luôn chiếm từ 40 - 60% bệnh nhân điều trị tại khoa.


Tình trạng này cũng diễn ra tương tự tại Viện Bỏng Quốc gia, bác sỹ Nguyễn Văn Vân, Khoa chữa bỏng trẻ em cho biết: Theo thống kê của Viện Bỏng Quốc gia, mỗi năm, viện tiếp nhận gần 4.000 bệnh nhân bỏng, trong đó, hơn một nửa là trẻ em. Cao điểm là trong dịp hè, số trẻ điều trị tại Viện lên tới gần 100 trường hợp. Hiện tại, khoa đang điều trị cho hơn 40 trẻ bị bỏng, tăng 3 lần so với bình thường nhưng theo quy luật hàng năm thì thời điểm này vẫn chưa phải đỉnh điểm.


Các bác sỹ cũng cảnh báo, trời càng nóng, thì số ca tai nạn bỏng đến viện càng tăng. Lý giải tình trạng này, Ths. Thống cho rằng, thời tiết nóng bức, khiến cha mẹ (hay gặp ở những gia đình người ngoại tỉnh di cư lên thành phố) đi làm về mệt mỏi nên để trẻ tự chơi, trong khi nhà thuê trọ đường điện, bếp nấu tạm bợ... Vì thế, không ít trường hợp trẻ bị bỏng ngay khi ở nhà với cả bố và mẹ. Ngoài ra, cũng có những trường hợp trẻ bị bỏng trong thời tiết nóng nực là do được gia đình cho đi ăn hàng, chỉ sơ sểnh là trẻ có thể thò tay vào nồi lẩu hay bát canh nóng… Theo thống kê, các dạng bỏng chủ yếu gặp ở trẻ thời gian này là bỏng nước sôi, bỏng nước canh nóng, thường gặp nhiều ở trẻ từ 1 - 3 tuổi, có trường hợp bỏng điện, bỏng cồn ở những trẻ lớn hơn do người lớn bất cẩn, không chăm sóc và quản lý trẻ sát sao hay để trẻ tự quản, để trẻ lớn trông trẻ bé.

 

Có thể phòng ngừa


Ths. Thống cho rằng, tai nạn bỏng ở trẻ em nguy hiểm hơn người lớn rất nhiều, bởi sức đề kháng của trẻ còn kém, dễ bội nhiễm. Sơ cứu ban đầu ở nhà khi trẻ bị bỏng là một trong những yếu tố quan trọng giúp cho vết thương không bị ăn sâu vào bên trong và tránh tình trạng bội nhiễm.


Dù được các chuyên gia cảnh báo rất nhiều, nhưng nhiều bậc phụ huynh vẫn không đưa con đến viện chữa bỏng mà chỉ chữa ở những thầy lang gần nhà. Mới đây nhất, tại Viện Bỏng Quốc gia đã tiếp nhận một trường hợp như thế. Theo bác sĩ Ngọc Minh, Khoa Hồi sức cấp cứu, Viện Bỏng Quốc gia, bệnh nhi quê ở Cao Lộc, Lạng Sơn bị bỏng nước sôi nhưng gia đình không đưa con đến viện mà đắp thuốc của một thầy lang gần nhà. Sau 2 tháng, bệnh tình của con không thuyên giảm, ngày 4/6 bé được nhập Viện Bỏng Quốc gia trong tình trạng suy kiệt, cơ thể rất yếu, diện tích bỏng khoảng 15% ở lưng. Đến ngày hôm sau thì bé rơi vào tình trạng hôn mê và tử vong do tình trạng quá nặng.


Các bác sỹ chuyên khoa bỏng cảnh báo, tai nạn bỏng có thể đe dọa đến tính mạng trẻ do mất nước, mất điện giải, sốc bỏng, nhiễm khuẩn vết thương, nhiễm khuẩn máu, suy giảm miễn dịch... Sau khi điều trị, trẻ còn có thể gặp một số di chứng về tâm thần và thể chất. Khả năng học tập, tiếp thu bài học của trẻ có thể bị chậm hơn so với các bạn và với chính bản thân mình trước đó. Về thể chất, nếu không được tư vấn và điều trị thì các di chứng ở trẻ sau bỏng sẽ nặng nề hơn so với người lớn do cơ thể trẻ đang trong giai đoạn phát triển. Những di chứng thường gặp sau bỏng là rối loạn sắc tố, ngứa, viêm da, sẹo. Nếu trẻ có sẹo co kéo ở ngực sẽ khiến ngực không phát triển làm cho lồng ngực bị hẹp lại, thể tích phổi không phát triển được. Nếu trẻ bị sẹo co kéo ở khớp thì không chỉ bị ảnh hưởng về vận động mà còn có thể bị biến dạng xương. Những vết sẹo ở cổ do bị bỏng có thể gây co kéo cổ làm lệch cột sống.

Biện pháp sơ cứu ban đầu rất đơn giản là nhanh chóng cởi bỏ quần áo trẻ. Nếu quần áo đã bị cháy dính vào da thì dùng kéo cắt nhẹ nhàng, tuyệt đối không thao tác mạnh dễ lột da trẻ. Sau đó khẩn trương làm lạnh bằng cách ngâm vùng bỏng vào nước lạnh, nước máy, nước sạch ở nhiệt độ từ 8- 250C càng sớm càng tốt trong thời gian khoảng 30 phút. Lưu ý, với các bậc phụ huynh là không được xối mạnh vì có thể làm trợt da trẻ gây đau đớn. Sau đó, che phủ vùng bỏng bằng gạc vô khuẩn hoặc vải sạch rồi khẩn trương đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất. Tuyệt đối không được dùng nước mắm, giấm, kem đánh răng, mẻ,… hoặc các loại thuốc mỡ bôi để đắp lên vết bỏng.


Châu Anh