09:08 06/09/2011

Một tuần đầy thách thức của châu Âu

Tuần này, châu Âu sẽ phải đối mặt với một loạt thách thức về pháp lý và chính trị. Những thách thức này có khả năng làm tổn hại tới nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng nợ quốc gia hiện nay và làm tăng áp lực buộc các chính phủ phải tìm ra nhiều giải pháp triệt để hơn cho cuộc khủng hoảng.

Tuần này, châu Âu sẽ phải đối mặt với một loạt thách thức về pháp lý và chính trị. Những thách thức này có khả năng làm tổn hại tới nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng nợ quốc gia hiện nay và làm tăng áp lực buộc các chính phủ phải tìm ra nhiều giải pháp triệt để hơn cho cuộc khủng hoảng.

Ngày 7/9, Tòa án Hiến pháp Liên bang Đức sẽ đưa ra một phán quyết có thể làm giảm quyền tự quyết của chính phủ Đức trong việc cung cấp tài chính nhằm cứu trợ các nước bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng nợ, ví dụ như Hy Lạp. Đức hiện là nước có đóng góp lớn nhất cho quỹ cứu trợ kinh tế của khu vực đồng euro.

Ngày 8/9, theo dự kiến, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) - mà nội bộ đang bị chia rẽ về vấn đề can thiệp vào thị trường trái phiếu nhằm bảo vệ Italia - sẽ xem xét lại chương trình này.

Ngày 9/9, Hy Lạp sẽ biết được mức độ thành công của đất nước này trong việc thuyết phục các nhà đầu tư tư nhân tham gia hoạt động trao đổi trái phiếu nhằm cắt giảm “núi nợ” đã lên tới 340 tỷ euro của nước này.

Có vẻ như không có thách thức nào trong số những thách thức kể trên có khả năng phá hỏng các nỗ lực mạnh mẽ của giới hoạch định chính sách nhằm giải quyết vấn đề nợ của các quốc gia đang mắc nợ thuộc khu vực đồng euro, trong khi họ vẫn đang cố gắng giành lại lòng tin của các thị trường tài chính. Tuy nhiên, những sự kiện diễn ra trong tuần này có thể sẽ nêu bật một thực tế là các nỗ lực này rất dễ bị tác động bởi những diễn biến chính trị hiện ngày càng tồi tệ hơn ở khu vực đồng euro, và khối gồm 17 quốc gia này còn lâu mới tìm ra một giải pháp lâu dài cho cuộc khủng hoảng nợ hiện nay.

Theo một cuộc thăm dò ý kiến được công bố hồi tuần trước, 2/3 dân chúng Đức cho rằng quốc hội Đức không nên phê chuẩn thêm tiền cho quỹ cứu trợ kinh tế. Việc người dân Đức không ủng hộ cung cấp thêm viện trợ cho châu Âu có thể dẫn tới một sự sụt giảm lớn trong ngân sách của quỹ cứu trợ kinh tế châu Âu, đồng thời làm chậm và gây rắc rối cho những phản ứng của Béclin đối với cuộc khủng hoảng nợ hiện nay.

Ngày 4/9, người đứng đầu một đảng nhỏ hơn trong liên minh cầm quyền ở Xlôvakia nói rằng quốc hội Xlôvakia sẽ không thông qua việc tăng ngân sách cho Quỹ Ổn định Tài chính châu Âu (EFSF). Các quan chức khu vực đồng euro đang hi vọng cơ quan lập pháp của các nước trong khối sẽ hoàn tất việc thông qua hoạt động cải tổ EFSF vào tháng 10 tới. Lời đe dọa trên của Xlôvakia có thể không phải là thảm họa vì áp lực ngoại giao sẽ khiến Bratixlava nhanh chóng phê chuẩn vấn đề này, song nó cho thấy các kế hoạch giải quyết khủng hoảng của khối này được đặt trên một nền tảng chính trị thiếu vững chắc.

Hoạt động chính trị tại một số quốc gia thuộc khu vực đồng euro đang cần cứu trợ cũng trở nên tồi tệ. Ngày 8/9, cuộc họp hàng tháng bàn về chính sách của ECB sẽ thảo luận cách giải quyết vấn đề của Italia. Đầu tháng trước, Hội đồng Điều hành gồm 23 thành viên của ECB đã quyết định bắt đầu mua trái phiếu chính phủ của Italia. Sự can thiệp này của ECB được thực hiện dựa trên quan điểm rằng Italia có thể sẽ nhanh chóng thông qua một kế hoạch thắt chặt tài chính nhằm giành lại lòng tin của thị trường.

Tuy nhiên, những nỗ lực của chính phủ đang ở thế bị động của Thủ tướng Silvio Berlusconi nhằm thực hiện chính sách này lại bị những nhân vật bất đồng chính kiến và các cuộc tranh cãi trong nội các cản trở. ECB sẽ phải quyết định xem có tiếp tục mua trái phiếu hay không, hay việc mua trái phiếu đó có thực sự khiến cho tình hình trở nên tồi tệ hơn không vì làm như vậy cũng đồng nghĩa với việc giảm áp lực đối với Italia trong việc cải tổ hệ thống tài chính.

Trong khi đó, Hy Lạp đã đưa ra hạn chót là chiều ngày 9/9 để các ngân hàng châu Âu trả lời có tham gia vào việc trao đổi trái phiếu của Hy Lạp hay không. Các ngân hàng này được yêu cầu phải thực hiện lời cam kết vào giữa tháng 10. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng ngay cả khi việc trao đổi nợ được thực hiện đầy đủ, cùng với các biện pháp đã được lên kế hoạch khác, tỷ lệ nợ của Hy Lạp so với GDP chỉ giảm từ mức 150% hiện nay xuống mức 120% hoặc 130% trong vài năm tới. Do đó, việc tái cấu trúc nợ một cách mạnh mẽ hơn là điều không thể tránh khỏi đối với Hy Lạp.

Điều này giúp giải thích tại sao các nhà đầu tư dường như sẽ không phản ứng một cách lạc quan cho dù các sự kiện sẽ diễn ra trong tuần này đem lại kết quả tích cực, đồng thời giải thích lý do ngày càng nhiều các nhà hoạch định chính sách kêu gọi phải tìm ra các biện pháp để giải quyết triệt để cuộc khủng hoảng nợ hiện nay.

Ngày 4/9, Bộ trưởng Kinh tế Italia Giulio Tremonti nhắc lại lời kêu gọi các chính phủ khu vực đồng euro thông qua việc phát hành trái phiếu chung và nói rằng biện pháp này là vô cùng cần thiết để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ. Cùng ngày, cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder cũng kêu gọi thành lập “Hợp chủng quốc châu Âu”, nói rằng khối này cần một chính phủ chung với một chính sách tài chính thống nhất nhằm tránh những cuộc khủng hoảng kinh tế trong tương lai. Ông Schroeder cho rằng các nước thành viên của Liên minh châu Âu cần quay trở lại bàn đàm phán và thông qua một hiệp ước. Còn Steen Jakobsen - nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng đầu tư Saxo Bank - nói rằng các chính phủ có một ý chí chính trị lớn nhằm bảo vệ khu vực đồng euro và cuối cùng sẽ thực hiện những hành động quyết liệt để ngăn chặn những thảm họa có thể xảy ra, ví dụ như việc Italia rút khỏi khu vực đồng euro.

TTK