01:11 19/01/2012

Một thời ngóng Tết thần tiên

Dẫu Tết đến là nỗi vất vả, bao lo toan của người lớn, song với bất cứ ai thì, quãng đời tuổi thơ ngóng Tết thần tiên với sự háo hức, niềm vui khôn tả luôn là kỷ niệm đẹp đọng lại trong tiềm thức của mỗi người...

Quãng đời tuổi thơ tôi luôn đầy ắp những kỷ niệm và hương vị Tết của một miền ngoại thành mến yêu, mà ở đó sự nghèo nàn, vất vả, lam lũ và những cái Tết… nghèo tới mức đạm bạc vẫn còn đọng lại trong tiềm thức. Và những kỷ niệm về những cái Tết nghèo ấy sao mà đẹp, mà thơ đến vậy!

Sinh ra trong một gia đình nghèo nên bố mẹ tôi dẫu bươn chải quanh năm vẫn không đủ lo cho gia đình một cái Tết tươm tất. Nhà đông con nên việc chi tiêu cho anh chị em tôi ăn học đã là một gánh nặng. Tết đến, trong nhà chỉ có bánh chưng, vài cân thịt lợn ăn đụng bên nhà hàng xóm, mấy đĩa chè kho mẹ nấu lấy cho đỡ tốn tiền. Ngay cả mâm ngũ quả và gói mứt Tết đơn xơ để cúng ông bà tiên tổ cũng luôn không… to bằng nhà hàng xóm khiến tâm hồn con trẻ như tôi chạnh lòng với con bé nhà bên. Có lần thấy Tết nhà tôi “bé tí”, con bé chê: “Tết nhà mày bé quá còn lâu mới bằng nhà tao! Nhà tao có nhiều bánh chưng này, có nhiều mứt, bánh kẹo này! Rồi cả bao nhiêu là bóng bay nữa…”. Đem chuyện con bé hàng xóm chê Tết nhà mình, tôi mách mẹ thì mẹ cười và an ủi: “Nhà mình nghèo nên Tết thế này là cũng to rồi con ạ! Nay mai bố mẹ giàu sẽ làm Tết to hơn nhà bạn ấy…”.

Thế nhưng, dẫu Tết nghèo, Tết “bé tí” là vậy mà niềm háo hức chờ, ngóng Tết trong tôi chẳng khi nào vơi đi. Có năm, mới chỉ là đầu tháng Chạp, khi làng tôi bước vào mùa cấy hái mẹ đã động viên: “Con ạ, cố làm lụng đi, Tết này mẹ cho đi chợ sắm Tết và mẹ sẽ mua cho một bộ quần áo mới!” Thấy mẹ hứa vậy tôi mừng quýnh lên và càng mong ngóng cho Tết tới thật nhanh. Những ngày sau đấy, bất cứ công việc nào mẹ giao phó tôi đều làm rất nhiệt tình và chẳng bao giờ dám trái lời vì sợ mẹ “phạt” không cho đi chợ Tết, không mua cho quần áo mới… Tết đó rồi cũng tới và mẹ giữ đúng lời hứa! Tôi được mẹ mua cho cái quần kaki màu đen và cái áo kẻ ca rô phin nõn! Tôi còn nhớ như in, năm đó mẹ còn phát vốn cho 5 hào để đi chơi Tết cùng bạn bè… Nhưng nhiều năm do bố mẹ túng quá nên chị em chúng tôi toàn phải diện Tết bằng các bộ quần áo cũ sờn. Dẫu vậy, Tết nào cũng vậy, tôi đều ngóng Tết tới thật nhanh và cầu cho nó lâu qua đi bởi trong mấy ngày Tết đó, trẻ con như chúng tôi được cưng chiều hơn, được ăn ngon hơn ngày thường, được nghỉ học và đi chơi…

Với tôi, không khí Tết đến với làng quê sớm hơn thành phố dẫu có nhiều gia đình tới tận chiều 30 Tết vẫn phải ra đồng làm việc. Nhà nào cũng gói bánh chưng, mà cứ có mùi vị bánh chưng là có Tết. Nhà tôi thường gói bánh vào ngày 27 hoặc 28 để kịp có bánh cúng Tất niên. Mẹ thường gói bánh tày (loại bánh dài) và mấy cặp bánh vuông để cúng. Tôi và thằng em út rất thích bánh chưng nhỏ nên bao giờ cũng ngồi bên chầu trực bảo mẹ bớt lại chút gạo, đỗ để gói cho hai chị em mỗi đứa một cặp bánh nhỏ bằng bàn tay. Khi bánh chín, chưa kịp để nguội hai đứa tôi đã bóc ăn một cách ngon lành…

Dẫu Tết đến là nỗi vất vả, bao lo toan của người lớn, song với bất cứ ai thì, quãng đời tuổi thơ ngóng Tết thần tiên với sự háo hức, niềm vui khôn tả luôn là kỷ niệm đẹp đọng lại trong tiềm thức của mỗi người mỗi khi Tết sắp tới, xuân sắp về…

Nguyễn Long