12:17 24/12/2014

Một số nhà xe tại TP.HCM giảm giá cước

Đã có 60/130 doanh nghiệp hoạt động tại bến đăng ký giảm cước vận tải, mức giảm từ 5–9% giá vé, tương đương 5.000–15.000 đồng.

Ông Trần Văn Phương, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bến xe miền Tây, cho biết Đến thời điểm hiện tại đã có 60/130 doanh nghiệp hoạt động tại bến đăng ký giảm cước vận tải, mức giảm từ 5 – 9% giá vé, tương đương 5.000 – 15.000 đồng.

Ngoài ra, vẫn còn một số doanh nghiệp làm thủ tục kê khai lên Sở Giao thông Vận tải và Sở Tài chính Tp. Hồ Chí Minh. Còn tại Bến xe miền Đông, đã có 80/220 doanh nghiệp giảm giá cước, mức giảm trung bình từ 5% - 10%.

Việc giảm giá xăng dầu trong thời gian qua đã ảnh hướng đến giá cước vận tải ở nhiều địa phương, trong đó có Tp. Hồ Chí Minh. Thực hiện Thông tư liên tịch số 152/2014/TTLT-BTC-BGTVT ngày 15/10/2014 của Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải về việc thực hiện giá cước vận tải bằng xe ô tô và giá dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, Phó Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Hồng đã chỉ đạo Sở Tài chính phối hợp với Sở Giao thông Vận tải yêu cầu các doanh nghiệp vận tải ô tô tính toán lại giá thành, kê khai lại giá cước vận tải.

Trong lĩnh vực hoạt động xe taxi, ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Tp. Hồ Chí Minh, cho biếT trong các đợt giảm giá xăng dầu trước, một số doanh nghiệp đã giảm giá cước 500 đồng/km và đang tính toán để giảm tiếp.

Ảnh minh họa - TTXVN


Còn theo ông Trần Thanh Bảo, Trưởng phòng điều hành Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ vận tải Thiên Phú (khai thác tuyến Tp. Hồ Chí Minh – Vũng Tàu), trong các đợt giảm giá xăng dầu, Công ty đã chủ động 2 lần giảm giá vé 10% để phục vụ hành khách đi lại và đang xem xét điều chỉnh giảm tiếp hay không.

Về lĩnh vực vận tải hàng hóa, ông Thái Văn Chung, Tổng Thư ký Hiệp hội vận tải hàng hóa Tp. Hồ Chí Minh, cho biết: Một số doanh nghiệp là thành viên của Hiệp hội đã giảm giá cước 10%, tuy nhiên con số cụ thể chưa nắm được do mỗi doanh nghiệp áp dụng thời điểm, mức giảm khác nhau. Nhiều chủ hàng và Hiệp hội đã nhắc nhở, khuyến cáo doanh nghiệp giảm giá cước. Một số doanh nghiệp hợp đồng đơn hàng đã ký trước thời điểm giá xăng giảm sẽ không giảm giá cước ngay mà sẽ tính toán lại mức giá trong hợp đồng mới của năm 2015.

Theo ông Thái Văn Chung, trong vấn đề này cần tính toán lại giá cước, các cơ quan Nhà nước cũng chỉ có thể buộc các doanh nghiệp kê khai lại bảng giá còn việc thực hiện như thế nào, mức giảm bao nhiêu thì không thể làm nổi. Chính thị trường sẽ tự điều chỉnh giá cước vận tải. Doanh nghiệp vận tải không thể điều chỉnh ngay, điều chỉnh liên tục theo biên độ giá thay đổi hằng ngày. Chỉ có những doanh nghiệp kinh doanh vận tải các mặt hàng tiêu dùng hàng ngày, quy mô công ty lớn, có tài chính vững mạnh mới có thể thực hiện được ngay. Hầu hết sẽ phải cộng dồn các lần giảm giá xăng dầu để điều chỉnh giá cước mới, phù hợp với hợp đồng đơn hàng đã và sẽ ký kết. Hiện tại đang là dịp cuối năm, đơn hàng nhiều, phương tiện vận tải không đáp ứng kịp chi phí vận chuyển sẽ tăng; ngược lại khi đơn hàng ít, phương tiện vận tải dôi dư thì lúc đó cước phí sẽ tự động sẽ sẽ giảm xuống.

Theo Cục thống kê Tp. Hồ Chí Minh, trong tháng 11/2014 giá tiêu dùng nhóm giao thông giảm 2,98% so với tháng trước, do tác động của 2 lần giảm giá xăng dầu (ngày 23/10, ngày 7/11) tuy nhiên giá vé máy bay, tàu hỏa, taxi không biến động. Thậm chí tổng doanh thu vận tải hàng hóa và hành khách tháng 11/2014 của thành phố đạt hơn 6.000 tỷ đồng, tăng 6,2% so với tháng 10/2014 và tăng 19,4% so với tháng 11/2013. Tuy nhiên, vào ngày 22/11 và 6/12, giá xăng dầu tiếp tục giảm đã kéo theo giá vé ô tô giảm 6,47% và cước taxi giảm 5,55%.


Trần Xuân Tình (TTXVN)