01:15 29/01/2011

Một người Bỉ nặng lòng với Việt Nam

Năm nay, nước Bỉ đón một mùa đông đến sớm với tuyết trắng xóa khắp nơi. Và giữa những ngày đông lạnh giá ấy, chúng tôi đã được chứng kiến tình cảm sâu nặng, thầm lặng suốt hàng chục năm qua của một nhà điêu khắc Bỉ và gia đình bà với Việt Nam...

Năm nay, nước Bỉ đón một mùa đông đến sớm với tuyết trắng xóa khắp nơi. Và giữa những ngày đông lạnh giá ấy, chúng tôi đã được chứng kiến tình cảm sâu nặng, thầm lặng suốt hàng chục năm qua của một nhà điêu khắc Bỉ và gia đình bà với Việt Nam như một minh chứng về ngọn lửa ấm áp của tình người vẫn hiện hữu trên khắp thế gian này.

Một chiều tháng 12/2010, chúng tôi nhận được thông báo hôm sau, đoàn công tác do Đại sứ Việt Nam tại Bỉ Nguyễn Mạnh Dũng dẫn đầu sẽ đến thăm cụ Simone Gilles, một nhà điêu khắc nổi tiếng ở Bỉ đang sống những ngày cuối đời do bạo bệnh.


Cuộc gặp được thu xếp gấp rút sau lời nhắn nhủ gây xúc động mạnh: “Các bạn hãy đến với tôi sớm nhất có thể, đừng để mong ước cuối cùng của tôi không thực hiện được”. Ước nguyện cuối cùng trong đời của cụ Simone là trao cho Sứ quán Việt Nam một kỷ vật về Việt Nam mà cụ đã gìn giữ suốt hàng chục năm qua. Thông tin về chuyến công tác chỉ có vậy, nhưng chúng tôi có cảm giác rất khó tả như sắp được chứng kiến một điều gì hết sức thiêng liêng.

Đại sứ Nguyễn Mạnh Dũng tặng quà lưu niệm cho cụ Simone.


Vượt qua những con phố vòng vèo trong khi những bông tuyết trắng xốp vẫn rơi lắc rắc, ô tô của chúng tôi vừa dừng thì cánh cửa căn nhà đối diện đã bật mở và một người đàn ông trung niên với vẻ mặt nhân hậu ra đón.


Theo giới thiệu, chúng tôi được biết anh là Alain Hubrecht, con trai của cụ Simone. Giũ những bông tuyết còn dính trên áo, bước vào căn phòng khá rộng được bài trí theo phong cách gần gũi thiên nhiên với rất nhiều cây xanh và tượng các con vật, chúng tôi nhìn thấy một cụ già mảnh dẻ, dáng vẻ khá nhanh nhẹn, duy có giọng nói thì run run, yếu ớt và đôi mắt đỏ hoe, đang ngồi chờ.

Trước mặt bà, tại vị trí trang trọng nhất của căn phòng, chúng tôi thấy bức tượng ba cô gái bằng đất nung mà với những người ở lứa tuổi của chúng tôi dễ dàng nhận ra đây là ba cô thanh niên xung phong, hình ảnh rất quen thuộc ở Việt Nam trong thời kỳ chống Mỹ. Thấy chúng tôi đến, cụ Simone xúc động, liên tục đưa khăn tay lên chấm những giọt nước mắt lăn dài trên đôi gò má nhăn nheo.

Câu chuyện được chính cụ kể bằng giọng run run, bị ngắt quãng nhiều lần bởi cụ không kìm được cảm xúc, và được anh Alain tiếp lời đã đưa chúng tôi trở về những năm 1960 khi mà cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam bước vào giai đoạn khốc liệt. Lúc đó, các phương tiện thông tin đại chúng của Bỉ đã đăng tải nhiều hình ảnh về cuộc chiến này.


Vốn là người có tình yêu nhân loại, yêu thiên nhiên và động vật, cụ Simone đã tham gia nhiều cuộc biểu tình phản đối chiến tranh. Và bức ảnh cô bé Việt Nam trúng bom napan Mỹ của tác giả Nick Út đã khiến cụ đặc biệt quan tâm tới cuộc chiến ở đất nước châu Á nhỏ bé.

Bức tượng ba cô gái thanh niên xung phong Việt Nam trong phòng khách nhà cụ Simone.


Kể từ đó, cụ luôn tìm đọc các bài báo nói về cuộc chiến đấu anh dũng chống xâm lược của dân tộc Việt Nam. Năm 1969, tình cờ cụ đọc được trên tờ “Le Soire” của Bỉ bài báo viết về cuộc chiến đấu anh dũng kiên cường nhưng nhiều mất mát hy sinh của dân tộc Việt Nam, với hình ảnh ba cô thanh niên xung phong Việt Nam tuổi đời còn rất trẻ đã quên thân mình trong mưa bom mở đường cho các đoàn xe chi viện cho chiến trường miền Nam.


Hình ảnh ba cô gái trong bài báo đó chính là nguồn cảm xúc để bà sáng tác tác phẩm “Ba cô gái Việt Nam”, và một năm sau, tác phẩm này của cụ đã giành được Huy chương Vàng trong cuộc thi “Le prix des metiers d’art” (Giải thưởng vì sự nghiệp nghệ thuật) của tỉnh Brabant.

Trong sự nghiệp điêu khắc của mình, cụ Simone đã sáng tác khá nhiều tác phẩm, song tác phẩm ba cô thanh niên xung phong Việt Nam được cụ nâng niu gìn giữ như một thành viên trong gia đình. Cụ nói với Đại sứ Nguyễn Mạnh Dũng: “Giá như tôi không bị bệnh, giá như sức khỏe cho phép thì tôi vẫn luôn giữ gìn bức tượng này vì đó vừa là thành viên trong gia đình tôi vừa là kỷ niệm của tôi về đất nước Việt Nam".

Anh Alain cho chúng tôi xem tấm ảnh và bài báo đã được cụ Simone cắt ra từ tờ “Le Soire” và gìn giữ cẩn thận suốt hơn 30 năm qua. Anh cũng tâm sự, bức tượng ba cô thanh niên xung phong Việt Nam luôn được đặt ở vị trí trang trọng trong phòng khách của gia đình để mẹ anh luôn được gần gũi, và nhớ về Việt Nam, đất nước mà mẹ anh chưa có cơ hội đặt chân đến.


Do căn bệnh ung thư của cụ Simone đã ở vào giai đoạn cuối, cụ muốn trước lúc qua đời trao tặng kỷ vật này cho những người xứng đáng giữ nó, đó là nhân dân Việt Nam. Tuy vậy, biết phải chia tay với đứa con tinh thần bao lâu nay là nguồn động viên của mình, cụ Simone đã bật khóc nức nở khiến tất cả chúng tôi đều không nén được xúc động.

Thay mặt nhân dân Việt Nam, Đại sứ Nguyễn Mạnh Dũng đã bày tỏ lời cảm ơn cụ Simone về món quà thể hiện tình yêu thầm lặng mà sâu sắc đối với dân tộc Việt Nam.

Đối với chúng tôi, đây là chuyến công tác đặc biệt nhất kể từ khi nhận nhiệm vụ tại Bỉ. Tiết trời đông thật lạnh giá, nhưng trong lòng chúng tôi thấy ấm áp lạ thường.

Thái Vân - Đăng Khoa (P/v TTXVN tại Bỉ)