02:11 04/02/2012

Một ngày trên chợ nổi miền Tây

8 giờ sáng là lúc mà mọi thứ âm thanh bắt đầu rối loạn với tiếng máy nổ, tiếng chèo khua nước, tiếng sóng vỗ vào mạn thuyền rồi tiếng cười nói, tiếng người mua kẻ bán, tất cả tạo nên một sự sầm uất không kém gì những khu chợ trên cạn.

Đã từ lâu tôi ao ước được một lần đến Cần Thơ đi chợ nổi. Lần này vào Nam công tác, tôi cố dành ra ít bữa để ở lại thăm thú tìm hiểu thêm về con người và cảnh vật phương Nam. Sau khi công việc đã xong xuôi tôi quyết định rời Sài Gòn náo nhiệt cùng anh bạn bắt xe đi miền Tây. Mất khoảng 4 – 5 tiếng ngồi xe khách là đến thành phố Cần Thơ, chúng tôi thuê một nhà nghỉ ở gần bến Ninh Kiều để sáng hôm sau có thể đi chợ sớm.

Chỉ cách trung tâm thành phố Cần Thơ chừng 5 km, cảnh buôn bán trên chợ nổi Cái Răng nhộn nhịp từ sáng sớm đến gần trưa, giờ thì đã vãn. Chúng tôi quyết định thuê một chiếc thuyền nhỏ chạy máy rời bến Ninh Kiều để đến với chợ nổi. Chị lái thuyền cũng kiêm hướng dẫn viên bất dắc dĩ cho chúng tôi. Cứ thế, đến gần chợ nổi đã thấy hàng trăm ghe thuyền lớn bé đã đậu san sát nhau để cùng tham gia giao thương. Trên thuyền chất đầy hàng hoá, phổ biến là các loại trái cây, các sản phẩm miệt vườn được treo lủng lẳng trên một cây sào cắm trước mũi ghe mà người địa phương gọi là “cây bẹo”. Vì thế mà người mua chỉ cần nhìn vào “cây bẹo” là biết được trên ghe bán thứ gì. Chợ nổi Cái Răng là chợ đầu mối chuyên mua bán sỉ các loại trái cây, nông sản của vùng. Hàng hóa ở đây với số lượng lớn và mỗi mặt hàng đã được phân loại nên đồng đều về chất lượng kích cỡ. Nếu như dân địa phương và các vùng lân cận sử dụng các ghe xuồng trung bình chở các mặt hàng nông sản đến đây tiêu thụ thì những ghe bầu lớn là của các thương lái thu mua trái cây tỏa đi khắp nơi, thậm chí đưa sang tận Campuchia.

Những hoạt động của chợ nổi Cái Răng.

8 giờ sáng là lúc mà mọi thứ âm thanh bắt đầu rối loạn với tiếng máy nổ, tiếng chèo khua nước, tiếng sóng vỗ vào mạn thuyền rồi tiếng cười nói, tiếng người mua kẻ bán, tất cả tạo nên một sự sầm uất không kém gì những khu chợ trên cạn. Nhịp sống năng động ở chợ trên sông thể hiện qua những chiếc ghe nhỏ bán thức ăn, trên sông 3.000 đồng/ly cà phê, thậm chí cả đồ nhậu cũng được các thuyền nhỏ len lỏi trong chợ đưa đến, phục vụ nhu cầu của tất cả mọi người từ đàn ông, phụ nữ đến trẻ em. Chỉ cần 7.000 - 8.000 đồng cho một bát hủ tiếu nhưng vô cùng thú vị khi được thưởng thức trong không khí mênh mang sông nước. Ở chợ nổi còn có đầy đủ các loại dịch vụ từ sửa máy, sửa cân, ghe bán xăng dầu đến những cửa hàng bách hóa như mỹ phẩm, mắm muối, thuốc tây, bánh kẹo… Các xuồng dịch vụ nhỏ gọn, len lỏi rất thiện nghệ áp mạn ghe bán hàng rồi thu tiền, nhưng tất cả đều rất nhường nhịn nhau.

Chúng tôi hỏi chị lái đò vì đâu có chợ nổi này, bằng một chất giọng ngọt ngào đậm chất miền Tây, chị thủng thẳng: “Người dân miệt sông nước này chủ yếu đi lại bằng kênh rạch, cần chở hàng hóa ra một đầu mối ở sông để mà bán, nên bỗng nhiên nó thành một cái chợ nổi. Chợ nổi Cái Răng nói riêng và các chợ nổi ở châu thổ nói chung rất sinh động. Sinh động hơn cả chợ nổi ở Thái Lan, một khu chợ nhân tạo, trong khi đó chợ nổi của ta hình thành từ tập quán sinh sống với những sản vật phong phú mà thành”. Chúng tôi may mắn được đi chợ đúng dịp gần Tết, khi mà dân thương hồ dồn sức làm ăn. Chợ nổi những ngày giáp Tết bao giờ cũng rất sôi động. Vào những ngày bình thường, mỗi ngày, chợ cũng có hàng trăm ghe thuyền khắp nơi trong tỉnh và kể cả các tỉnh lân cận, xuôi ngược về đây từ lúc 3, 4 giờ sáng, kèm theo tiếng động cơ máy nổ làm xao động cả mặt sông. Cảnh mua bán ở chợ nổi diễn ra chóng vánh với giá cả hào phóng, hiếm có chuyện trả giá cò kè như các chợ khác.
Ông Đinh Viết Khanh, Giám đốc Sở VH, TT&DL Cần Thơ cho biết: “Chợ nổi Cái Răng thu hút khá đông du khách đến tham quan, khoảng 300 - 500 khách mỗi ngày và tăng gần gấp đôi vào những ngày Tết nhờ ở gần trung tâm thành phố. Đến chợ này cũng như những chợ nổi khác, du khách có dịp trò chuyện với các nhà vườn xung quanh những kinh nghiệm trong việc trồng cây trái ngon ngọt của họ. Đôi khi khách còn được nhà vườn biếu những loại trái ngon, vật lạ làm quà hoặc mua với giá rất rẻ!”.

Chiếc ghe máy bềnh bồng trên mặt nước, bên rìa sông là thuyền của những gia đình thương hồ sống với nhiều thế hệ. Vài chậu cây cảnh, phía trong có ban thờ… những chiếc thuyền này như “căn hộ di động” trên sông nước với tiện nghi như tivi, dàn âm thanh, chuồng nuôi súc vật, trên thuyền còn dựng cả xe máy.

Anh Huỳnh Văn Tài, cán bộ quản lý chợ nổi Cái Răng nhận xét: “Tại chợ nổi Cái Răng có một lượng lớn ghe bầu ở các tỉnh và Thành phố Hồ Chí Minh đến neo đậu mua buôn theo kiểu thu gom để chở hàng cung cấp cho các chợ đầu mối các tỉnh, Thành phố Hồ Chí Minh, hoặc đưa cả sang Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc. Ngược lại, cũng từ chợ nổi này những ghe bầu chuyến về chở đầy các mặt hàng nhu yếu phẩm cung cấp lại cho bà con miệt vườn trong dịp Tết như xăng dầu, vải vóc, quần áo may sẵn, giày dép, muối mắm, thuốc tây, bánh kẹo...”.

Bây giờ, dù mạng lưới giao thông đường bộ đã phát triển rộng khắp nhưng chợ nổi vẫn tồn tại và phát triển ngày một sầm uất hơn, như một nét văn hóa đặc sắc trên vùng đất châu thổ hiền hòa này. Còn gì thú vị hơn được bồng bềnh trên ghe máy vào một ngày đẹp trời để ngắm bình minh và tham quan chợ nổi Cái Răng. Tất cả vẽ nên một bức tranh chân chất của vùng châu thổ yên bình và đẹp tuyệt vời.

Bùi Hữu