01:13 04/01/2017

Một ngày có 8 trẻ em bị đuối nước

Bà Vũ Thị Kim Hoa, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội- LĐTBXH) cho biết: Bình quân mỗi năm có khoảng hơn 3.000 trẻ em đuối nước, tương ứng mỗi ngày có 8 trẻ em bị đuối nước, tập trung nhiều vào đầu mùa hè.

Quang cảnh hội thảo

Đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em và vị thành niên, chiếm tới hơn 50% các trường hợp tử vong do tai nạn thương tích.


Số liệu tổng hợp 6 tháng đầu năm 2016, trong số 1.600 vụ tai nạn thương tích, có tới gần 1.000 vụ là đuối nước, chiếm tới 2/3 các vụ tai nạn thương tích ở trẻ em. Tử vong do đuối nước ở Việt Nam cao nhất khu vực, gấp 8 lần các nước phát triển.


“Phân tích các vụ tai nạn đuối nước cho thấy, 60% vụ tai nạn đuối nước xảy ra ở các hộ nghèo, 77% xảy ra ngoài cộng đồng. Trẻ em nông thôn bị đuối nước cao gấp 4 lần trẻ em thành thị. Trong số khoảng 15 triệu trẻ em lứa tuổi tiểu học và trung học cơ sở, mới có 30% trẻ em biết bơi”, bà Hoa cho biết.


Nguyên nhân chính dẫn tới các vụ tai nạn đuối nước là do việc dạy bơi cho trẻ còn khó khăn. “Dù đã biết nguyên nhân và tập trung chỉ đạo, nhưng mới chuyển biến ở các cấp, các ngành, tức là trên văn bản chính sách, còn thực tế triển khai tại các địa phương còn rất hạn chế. Nói cách khác là sự chuyển biến này vẫn nằm trên giấy”, bà Đào Hồng Lan, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết.


Do đó, để phòng chống đuối nước cho trẻ em, cần có sự vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương, nhất là có hệ thống văn bản chính sách quy định rõ ràng về việc xây dựng môi trường an toàn tại gia đình, trường học, cộng đồng; triển khai các hoạt động dạy bơi và kỹ năng an toàn dưới nước cho trẻ. “Từ các mô hình dạy bơi cho trẻ hiện nay, cần có cơ chế chính sách nhân rộng, tạo phong trào rộng khắp tại các địa phương, nhất là vùng sông nước”, bà Đào Hồng Lan cho biết.


XC