10:23 25/10/2011

"Một lít ánh sáng" cho người nghèo Philíppin

Gần 4 năm qua, Lucy Zambrano cùng chồng và 3 đứa con chỉ nhìn thấy ánh sáng khi họ bước ra khỏi căn nhà lụp xụp ở khu ổ chuột Tondo, thủ đô Manila (Philíppin).

Gần 4 năm qua, Lucy Zambrano cùng chồng và 3 đứa con chỉ nhìn thấy ánh sáng khi họ bước ra khỏi căn nhà lụp xụp ở khu ổ chuột Tondo, thủ đô Manila (Philíppin). Sau khi bị cắt điện do không trả được hóa đơn điện, cả gia đình bà Zambrano không có điện để dùng và phải sống trong bóng tối theo đúng nghĩa đen.

Nhà một người dân nghèo được thắp sáng nhờ bóng đèn chai.


Nhờ dự án "A Liter of Light" (Một lít ánh sáng) của tổ chức My Shelter (Nơi ở của tôi), ngôi nhà của vợ chồng bà mới được sáng lên lần nữa. Nhà của họ được thắp sáng nhờ một công nghệ do sinh viên Viện công nghệ Massachusetts ở Mỹ phát triển.

Thứ thắp sáng ngôi nhà của bà Zambrano thực ra chỉ là những vỏ chai soda làm bằng polyethylene terephthalate (một loại nhựa tổng hợp thuộc nhóm polyester). Chai nhựa này đựng hỗn hợp nước trộn với chất tẩy được lắp đặt trên mái nhà và có thể chiếu sáng tương đương với chiếc bóng đèn 100 wat. Nhờ nó mà mọi người trong gia đình bà Zambrano có thể đi lại dễ dàng hơn trong nhà thay vì phải mò mẫm như trước đây. Bà Zambrano hồ hởi kể: "Giờ chúng tôi có thể dễ dàng tìm đồ đạc trong nhà. Đó là sự hỗ trợ rất lớn, ngay cả vào ban ngày".


Ông Illac Diaz, người sáng lập tổ chức My Shelter, ví dự án "Một lít ánh sáng" là một tia nắng mặt trời, nhưng thay vì chiếu thẳng từ trên mái nhà xuống, dự án này có thể làm cho ánh sáng toả đi theo mọi hướng nhờ chất lỏng bên trong chai.

Có thể kiếm những cái bóng đèn chai này từ bất kỳ chỗ nào. Chai sẽ được lắp xuyên qua mái nhà, một phần gắn chặt phía trên để nó không rơi xuống đất và phần còn lại chứa hỗn hợp nước-chất tẩy truyền ánh sáng mặt trời xuống để chiếu sáng ngôi nhà. Lắp đặt loại "đèn" này chỉ tốn chưa đến 10 phút nhưng có thể sử dụng tới 5 năm. Chi phí cũng chưa đến 1 USD.

Phát biểu với hãng tin Kyodo của Nhật Bản, ông Diaz cho biết: "Loại công nghệ này đã xuất hiện lâu rồi. Người dân Trung Đông dùng nó trên mái nhà để chiếu sáng. Ở Mêhicô, người dân gắn nó trên tường. Chúng tôi đã phát triển lại công nghệ này cho người dân Philíppin". Mục tiêu của dự án là thắp sáng cho một triệu ngôi nhà ở Philíppin vào cuối năm 2012.

Theo ông Diaz, khoảng 2.000 bóng đèn chai đã được lắp đặt ở Tondo với sự phối hợp của chính quyền địa phương. Dự án này hiệu quả nhất ở khu vực Tondo do các ngôi nhà được xây sát cạnh nhau và phần lớn các ngôi nhà chỉ có nguồn ánh sáng tự nhiên duy nhất là từ cửa sổ hoặc cửa ra vào.


Dự án tận dụng sự hỗ trợ của các tình nguyện viên, tiền tài trợ của các doanh nhân, chính quyền địa phương và doanh nghiệp với mục tiêu lắp đặt bóng đèn chai cho những vùng khó khăn trên toàn Philíppin.

Nhờ lợi ích giá thành rẻ và thân thiện với môi trường, bóng đèn chai có thể là giải pháp cho khoảng 3 triệu gia đình sống không có điện ở ngoại ô Manila. Ông Diaz khẳng định, công nghệ xanh không chỉ dành cho những người giàu nhất trong xã hội và một cuộc cách mạng thực sự là cuộc cách mạng mang công nghệ xanh đến với người dân trên quy mô lớn. Ông nói: "Nâng cao đời sống cho một gia đình theo một cách đơn giản nhưng trên quy mô lớn có ý nghĩa hơn nhiều đối với nền kinh tế, có tác dụng nhiều hơn trong nâng cao mức sống so với các công nghệ xanh đắt tiền như cối xay gió hay tấm năng lượng mặt trời".

Nhiều gia đình nghèo khó ở Tondo rất hào hứng với những chiếc bóng đèn chai này vì nó có thể giúp họ tiết kiệm tiền điện vào ban ngày, giảm bớt gánh nặng kinh tế vốn đã khiến họ chật vật.


Thùy Dương