12:14 27/12/2010

Một kiểu thờ ơ... kỳ lạ

Huyện Mường Lát, Thanh Hóa vẫn còn tới trên 50% số hộ đói nghèo, trong đó có những hộ... rất đói. Ấy vậy mà, chuyện thật như đùa là vẫn có 5 tấn gạo cứu đói bão lũ vừa qua bị để mốc trong kho của UBND huyện! Đáng buồn hơn, chuyện để lãng phí hàng cứu trợ, hỗ trợ người nghèo...

Huyện Mường Lát, Thanh Hóa vẫn còn tới trên 50% số hộ đói nghèo, trong đó có những hộ... rất đói. Ấy vậy mà, chuyện thật như đùa là vẫn có 5 tấn gạo cứu đói bão lũ vừa qua bị để mốc trong kho của UBND huyện! Đáng buồn hơn, chuyện để lãng phí hàng cứu trợ, hỗ trợ người nghèo... như ở Mường Lát lại không phải là chuyện hiếm ở nước ta.

Đơn cử, đang có hàng trăm máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp trị giá gần 60 tỷ đồng nhằm hỗ trợ người dân huyện miền núi Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi xóa đói giảm nghèo cũng đang bị hoen gỉ, mục nát, vì chỉ được hoạt động cầm chừng theo mùa vụ, số còn lại nằm vất vưởng hư hỏng dần vì bị ôxy hóa...

Những câu chuyện "nho nhỏ" kiểu như vậy có thể gặp thường xuyên trên báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng, trong khi có thể các phương tiện này cũng chưa chắc đã phản ánh được đầy đủ thực tế cuộc sống. Điều này thực sự đặt ra một vấn đề rất đáng báo động.

Phải chăng do đây là "tiền chùa", gạo cũng "chùa" nên của chung không ai xót, không ai chịu trách nhiệm? Trong khi đồng loại còn nhiều người rất nghèo, thậm chí đói nghèo thì những hiện tượng kiểu như trên chứng tỏ sự thờ ơ, lãnh cảm của một bộ phận những người có trách nhiệm đối với bà con mình. Một kiểu thờ ơ quả thực là kỳ lạ và rất đáng lên án!

Việt Nam đã được xem là hình mẫu trên thế giới về công tác xóa đói giảm nghèo. Và những thành tựu mà chúng ta đạt được là điều hoàn toàn xứng đáng được ghi nhận khi đã giảm được tỷ lệ hộ nghèo từ hơn 60% năm 1990 xuống còn 9,45% năm 2010 (chuẩn nghèo cũ). Xóa đói giảm nghèo là chủ trương lớn, là nhiệm vụ, mục tiêu chiến lược quan trọng của Đảng và Nhà nước, vừa trước mắt, vừa lâu dài để thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Thế nhưng, bên cạnh thái độ tích cực của gần như cả cộng đồng hướng về người nghèo thì thái độ thờ ơ, thiếu trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, người có trách nhiệm khi ứng xử với "đồng tiền bát gạo", phương tiện sản xuất... quý báu cứu trợ bà con rõ ràng đang trực tiếp hoặc gián tiếp làm chậm lại, thậm chí làm hoen ố tiến trình xóa đói giảm nghèo của cả nước.

Dân gian ta đã có câu: "Một miếng khi đói bằng một gói khi no". Càng chứng tỏ rằng, thái độ thiếu trách nhiệm đối với những món hàng "vàng" khi nó mang cả giá trị vật chất và tinh thần đến kịp thời với bà con khi khó khăn, thiếu đói là một thái độ phải bị lên án, loại bỏ. Loại bỏ không chỉ bằng dư luận, lương tâm mà còn phải bằng việc quy trách nhiệm cụ thể của từng cá nhân và tập thể liên quan để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Có như vậy, chúng ta mới vững chắc thoát nghèo bền vững và con người Việt Nam mới thực sự "giàu" về mọi mặt.

Trân Chân