10:13 17/10/2010

"Mốt" cho trẻ học khiêu vũ thể thao

Mấy năm gần đây, ở những thành phố lớn bắt đầu rộ lên phong trào cho trẻ em học khiêu vũ thể thao (dance sport) tại các cung thiếu nhi, các câu lạc bộ năng khiếu.

Mấy năm gần đây, ở những thành phố lớn bắt đầu rộ lên phong trào cho trẻ em học khiêu vũ thể thao (dance sport) tại các cung thiếu nhi, các câu lạc bộ năng khiếu. Để trẻ có thể theo đuổi bộ môn này như một đam mê, gia đình và bản thân các bé phải đổ mồ hôi, thời gian và không ít tiền của.

Vã mồ hôi, tiêu tiền triệu

Tại góc một sàn tập thể dục thẩm mỹ trên phố Nguyễn Khuyến, chị Nguyễn Thị Hương, nhà ở phố Hàng Bồ (Hà Nội) và mấy vị phụ huynh đưa con đi học môn khiêu vũ thể thao mải ríu rít chuyện trò trong khi các con họ đang say sưa nhún nhảy theo từng điệu nhạc. Thi thoảng, họ phải dừng “buôn” chuyện vì các cô bé, cậu bé người ướt rượt mồ hôi chạy tới: "Mẹ! Cho con cái khăn mặt ạ", "Bố! Con xin chai nước với!". Mỗi lần nghỉ giữa các giai điệu chỉ chừng 2 phút, mồ hôi vẫn chưa khô hẳn, các học viên nhí đã quay lại với vũ sư và bài tập.

Nhìn cô con gái 11 tuổi mảnh mai, tóc búi cao, tiến những bước lúc mềm mại, lúc khỏe khoắn sánh cùng cậu bạn diễn, chị Hương kể: Môn này tập mệt lắm. Vì phải vận động toàn cơ thể. Mọi hôm tập ở những sàn khác, không có điều hòa, lúc nghỉ, mồ hôi các cháu nhiều đến nỗi áo có thể vắt ra nước. Đó là chưa kể đến những lần chấn thương. "Nếu xoay người, rơi xuống mà chân không vững thì việc ngã ra sàn, ngã lên người nhau là chuyện thường”. Chị nói.

Phan Nguyễn Quỳnh Hương là con một. Vì dát quá, 4 tuổi, cô bé đã "bị" mẹ cho đi học múa. 6 tuổi, Quỳnh Hương được mẹ chuyển qua lớp học dance sport. Bây giờ, Hương mới 11 tuổi. Nguyễn Tuấn Đạt, 15 tuổi là bạn diễn của Quỳnh Hương cũng chuyển từ học võ sang bộ môn này đã 5 năm. Mẹ Quỳnh Hương kể: Bộ môn này phải tập thường xuyên. Mỗi ngày hai đứa phải dành trung bình 1 tiếng để tập cùng nhau. Ngoài khiêu vũ thể thao, các cháu còn học thêm tiếng Anh. Hai gia đình phải bố trí học tiếng Anh cùng lớp để giờ tập của hai đứa khớp nhau. Nếu không vào mùa giải thì đều đặn tuần 2 buổi đến lớp với thầy. Nếu là mùa giải thì lịch tập dày hơn. May là mùa giải rơi vào mùa hè.

Khác với những môn năng khiếu như võ, vẽ, múa…, theo nhiều phụ huynh, khiêu vũ thể thao là bộ môn khá tốn kém. Ở Câu lạc bộ Họa Mi (Hà Nội), học phí cho mỗi bé là 300.000 đồng/tháng học 8 buổi. Khóa học của các bé thường mất nhiều thời gian hơn người lớn. Để trẻ có thể nắm được nền kỹ thuật cơ bản nhất, thường phải mất khoảng 1 năm nếu các bé có năng khiếu, học giỏi và tham gia các giải thi đấu thì bố mẹ còn tốn thêm các khoản: Thuê sàn tập, mua sắm áo váy. Theo chị Hương, áo váy thi đấu của bộ môn này rất đắt. Áo nam chỉ hơn 1 triệu đồng/cái, nhưng váy nữ phải lên tới 4 - 5 triệu đồng. Mà một bộ váy thi đấu cùng lắm mặc được 2 giải vì VĐV có nhu cầu làm mới mình.

Đó là chưa kể tiền học phụ đạo cũng khá cao. Để lo cho con điều kiện tập luyện tốt nhất cho giải vô địch trẻ mở rộng tổ chức tại TP Hồ Chí Minh vào giữa tháng 6 này, chị Hương cũng phải "chịu tốn" cho con khoảng 5 triệu đồng/tháng.

Chưa phổ biến như các môn đàn, sáo, võ, vẽ… tại Cung Thiếu nhi nhưng lớp học do kiện tướng dance sport Nguyễn Chí Anh giảng dạy, mỗi tuần 2 buổi (tối thứ bảy và chủ nhật), mỗi lớp đã có khoảng 100 em nhỏ, nhiều lứa tuổi, có bé từ 4- 5 tuổi đã theo học rồi.

Trong đợt Liên hoan Khiêu vũ thể thao thanh thiếu niên lần đầu tiên của Việt Nam tổ chức vào đầu tháng 6 vừa qua tại Hà Nội với khoảng 120 VĐV tham gia giải, lứa tuổi từ 9 đến 18 tuổi chiếm tới nửa số VĐV.

Chuẩn bị cho tương lai

Đã gần 5 năm cặp đôi nhí Đạt - Hương tập luyện và thi đấu cùng nhau. Mẹ của Phan Nguyễn Quỳnh Hương cho biết: Học môn này, các cháu có tai nghe nhạc, trí tuệ phát triển tốt. Dance sport rất tốt cho trẻ mới lớn vì giúp các cháu phát triển hình thể rất đẹp, cân đối.

Với một số phụ huynh, cho con theo dance sport, ngoài mục đích để con khỏe đẹp, còn là một cách để con tránh xa "môi trường độc hại". Chị Hương kể, trong khi chờ con, nhiều ông bố bà mẹ rỉ tai nhau: Lứa tuổi này, chúng nó dễ sa vào game online, bị bạn bè rủ rê, lôi kéo chơi bời. Nếu được bố mẹ định hướng cho học một môn năng khiếu hoặc thể thao nào đó, như khiêu vũ thể thao, các cháu sẽ ít thời gian nhàn rỗi chơi bời lêu lổng.

Một số cha mẹ lại coi việc định hướng cho con học dance sport là một cách chuẩn bị cho tương lai. "Gia đình đang có hướng cho cháu đi du học. Ở nước ngoài, bộ môn này rất phát triển. Nếu giỏi dance sport, cháu sẽ hòa nhập tốt hơn ở môi trường học tập ở nước ngoài, sẽ hỗ trợ cho việc học", chị Hương chia sẻ.

Tập vất vả nhưng được thể hiện và đã thành công, tài năng được khẳng định là nguồn động viên cho các VĐV nhí đam mê. Trong làng dance sport Việt Nam hiện nay, nhắc đến cặp đôi nhí Đạt - Hương, ai cũng biết. Năm 2007, hai VĐV này tham gia giải quốc tế ở Xinhgapo và đã "rinh" về giải vàng. Với bố mẹ, niềm vui lớn nhất của họ là con cái phát triển khỏe khoắn, lành mạnh và ngày càng tự tin. Từ chỗ là những đứa trẻ nhút nhát, hiện nay, trong những lần thi đấu, có điều gì cần hỏi ban tổ chức, Quỳnh Hương và Tuấn Đạt rất mạnh dạn tự đứng ra trình bày để đòi hỏi quyền lợi cho mình mà không phải phiền đến bố mẹ.

Hơn nữa, đưa các con đi tập cũng là một cách để bố mẹ giảm stress. "Bình thường mình đi làm mệt và căng thẳng rồi. Đến lớp học của con, nghe nhạc, thấy các con tập, mình tạm quên đi những lo lắng, công việc. Từ chỗ không hiểu biết gì về dance sport, nhờ đi học cùng con mà bây giờ mình cũng hiểu biết kha khá về kỹ thuật môn này", chị Hương vui vẻ nói.