07:10 28/07/2011

Mông Cổ - vài nét chấm phá

Chúng tôi vừa có chuyến đi thăm Mông Cổ. Chuyến đi được thực hiện trong khuôn khổ Thỏa thuận hợp tác song phương giữa Thông tấn xã Việt Nam và Thông tấn xã Mông Cổ Montsame được ký ngày 19 tháng 7 năm 2001...

Chúng tôi vừa có chuyến đi thăm Mông Cổ. Chuyến đi được thực hiện trong khuôn khổ Thỏa thuận hợp tác song phương giữa Thông tấn xã Việt Nam và Thông tấn xã Mông Cổ Montsame được ký ngày 19 tháng 7 năm 2001. Trước chúng tôi, đã có nhiều đồng nghiệp đặt chân lên đất nước Mông Cổ tươi đẹp và mến khách. Đã có nhiều điều được viết để ngợi ca nước bạn Mông Cổ và tình hữu nghị truyền thống Việt Nam - Mông Cổ. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ ghi lại vài nét, một vài cảm nhận cá nhân và chắc chắn chưa thể là bức tranh toàn cảnh về đất nước, con người, lịch sử và văn hóa truyền thống đầy bản sắc của Mông Cổ.

Lòng mến khách

Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi qua mấy ngày ở thăm Mông Cổ - đó là lòng mến khách của người Mông Cổ nói chung, của các đồng nghiệp Montsame nói riêng. Chúng tôi đã được Tổng Giám đốc Thông tấn xã Mông Cổ Montsame - ông T.Baasansuren - tiếp và mời cơm. Các đồng nghiệp Montsame đón và tiếp chúng tôi tại phòng VIP của sân bay quốc tế Chinggis Khan, tháp tùng chúng tôi trong suốt cả chuyến thăm. Chương trình chuyến thăm được bố trí thật hào phóng, phong phú và rất là thú vị…

Trong một lần đi thăm thảo nguyên ở tỉnh Trung tâm (Centralnyi Aimak), chúng tôi được mời vào thăm (hoàn toàn ngẫu nhiên, không bố trí trước) chiếc lều của một gia đình nông dân du mục Mông Cổ. Hai vợ chồng anh nông dân đón tiếp chúng tôi thật xởi lởi bằng tất cả những gì mà họ có trong lều: Sữa ngựa, bơ và sữa chua làm từ sữa ngựa, cháo gạo nấu với lòng cừu, trà sữa cừu… Họ nhiệt tình đến nỗi chúng tôi dẫu chẳng muốn ăn uống gì lúc đó, nhưng cũng phải nếm mỗi thứ một chút để khỏi làm phật lòng gia chủ.

Mọi người đều hân hoan trong ngày quốc lễ “Naadam”. Ảnh: Phạm Nhật Nam

Chị L.Nomin, cán bộ đối ngoại của Montsame, cho chúng tôi biết: Người nông dân du mục Mông Cổ chẳng bao giờ biết khóa cửa là gì. Cửa lều của họ lúc nào cũng mở. Lữ khách đi ngang qua bất kể là ai cũng đều được mời vào thăm lều và đều được mời ăn uống chân tình như vậy. Ăn uống xong xuôi, nếu lữ khách còn cảm thấy mệt mỏi vì phải đi đường xa, thì cứ việc nghỉ lại trong lều cho đến lúc nào hết mệt thì thôi. Lý sự của người nông dân du mục Mông Cổ thật đơn giản và dễ thương: Giữa thảo nguyên mênh mông chỉ có không khí trong lành, cỏ tươi bát ngát, cừu và ngựa, thì trông thấy người đi ngang qua là quý lắm. Mọi lữ khách, lạ cũng như quen, đều được coi là khách quý. Chẳng có lý do gì để không mời khách quý vào nhà nghỉ chân, xơi… sữa (trên thảo nguyên Mông Cổ, sữa được dùng thay nước).

“Người Mông Cổ mới”

Những ai từng đến nước Nga thời kỳ “hậu Xôviết” hẳn đều còn nhớ cụm từ “Người Nga mới” (“novye russkie”) được dùng để chỉ các “đại gia” - những người Nga đột nhiên giàu lên một cách nhanh chóng sau khi Liên Xô tan rã.

Tại Mông Cổ cũng vậy, khái niệm “Người Mông Cổ mới” được dùng để chỉ những người giầu có trong xã hội Mông Cổ “thời dân chủ”. Nhìn những đường phố thủ đô UlaanBaatar với nhan nhản những xe hơi mác ngoại sang trọng, những khu chung cư cao cấp với giá bán khởi điểm là hơn 2.000 USD/m2, tôi giật mình hỏi Nomin: “Ai là chủ nhân của những chiếc xe hơi sang trọng kia, của những căn hộ mới “coong”, khang trang nhưng chắc chắn là to tiền kia?”. “Những người Mông Cổ mới!” - Nomin đáp hồn nhiên. “Họ có đông không?” - tôi hỏi tiếp. “Dĩ nhiên, họ là thiểu số. Những “Người Mông Cổ mới” chỉ chiếm khoảng 5% trong tổng số 2,8 triệu dân Mông Cổ hiện tại”, Nomin đáp, và dường như biết rằng câu trả lời như vậy là chưa đầy đủ, chị nói tiếp: “Còn số đông người Mông Cổ sống ở đằng kia kìa”. Nhìn theo hướng tay Nomin chỉ, tôi thấy “phía bên kia” của UlaanBaatar là những khu chung cư 5 - 7 tầng cũ kỹ do Liên Xô giúp xây dựng từ những năm 60-70 của thế kỷ trước mà nay đã xuống cấp nhiều lắm, hoặc những ngôi nhà “cấp bốn” mọc lên lộn xộn, vội vàng ở “vùng rìa” của thủ đô (và dĩ nhiên, sau đó là thảo nguyên mênh mông đầy cỏ và lộng gió, với lác đác những chiếc lều của nông dân du mục).

Thì ra, số đông người dân Mông Cổ vẫn là những nông dân du cư, với nghề chăn nuôi cừu, ngựa, bò dưới hình thức “nuôi thả tự nhiên” nay đây mai đó. Hôm nay, anh có thể là chủ nhân của 100 con ngựa, 800 con cừu đấy; nhưng qua một đợt rét khắc nghiệt của nước Mông Cổ khí hậu lục địa, những con vật nuôi dễ thương kia có thể dễ dàng “chia tay” chủ nhân. Người nông dân trắng tay biết làm gì giữa thảo nguyên? Họ cũng chẳng có gì để thế chấp vay tiền ngân hàng với hy vọng một ngày kia có thể khôi phục cơ nghiệp. Thế là họ ra thành phố, thuê nhà trọ rẻ tiền, và làm bất cứ việc gì mà họ được thuê mướn để kiếm sống…

Hòa đồng trong niềm vui chung

Ấy vậy nhưng toàn dân UlaanBaatar, bất kể giàu nghèo, “mới cũ” gì đều đổ ra đường vui chơi, hớn hở, ăn thịt cừu nướng, uống sữa ngựa, uống rượu “Arkhi”… trong những ngày quốc lễ “Naadam” được tổ chức kéo dài suốt một tuần lễ - từ ngày 11 đến ngày 17 tháng 7 hằng năm. Họ cùng nhau mặc quần áo dân tộc sặc sỡ, hò reo thật nhiệt tình khi xem đấu vật, đua ngựa và bắn cung (những môn thể thao cổ truyền mang đậm chất văn hóa thượng võ của người Mông Cổ); và họ cùng nhau tự hào nhớ về một đế chế Mông Cổ từng tồn tại dưới sự trị vì của Chinggis Khan với lãnh thổ rộng khắp Á - Âu…

Mai Quang Huy (UlaanBaatar - Hà Nội, tháng 7/2011)