06:15 02/06/2014

Môn thi tốt nghiệp THPT đầu tiên: Đề văn kích thích lòng yêu nước

Sáng 2/6, các thí sinh trên cả nước đã bước vào thi môn đầu tiên của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) với môn thi tự luận Ngữ văn trong 120 phút.

Sáng 2/6, các thí sinh trên cả nước đã bước vào thi môn đầu tiên của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) với môn thi tự luận Ngữ văn trong 120 phút. Đề thi gồm 2 phần. Ở phần đọc hiểu (3 điểm) có một câu đề nghị thí sinh viết một đoạn văn ngắn bày tỏ thái độ về sự kiện Trung Quốc ngang ngược hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 trong vùng biển Việt Nam. Còn ở phần làm văn, đề thi yêu cầu thí sinh sau khi đọc một đoạn văn trích trong vở kịch "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" của cố tác giả Lưu Quang Vũ, hãy nói về vấn đề con người cần được sống là chính mình...



* Khuyến khích thể hiện lòng yêu nước

Theo ghi nhận của phóng viên TTXVN ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước: Hầu hết học sinh đều tỏ ra hào hứng với đề thi môn Văn. Theo các em học sinh, câu hỏi về tình hình hiện nay trên biển Đông đã giúp học sinh có dịp được thể hiện hiểu biết của mình về chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, được nói lên lòng yêu nước, phản đối hành động sai trái của Trung Quốc trong việc hạ đạt giàn khoan Hải Dương - 981 trên vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam. Đa số thí sinh đánh giá, đề thi môn Văn sát với chương trình học, không đánh đố học sinh, không quá dài. Học sinh tin tưởng sẽ đạt trên 60% điểm số với môn thi này.

Thí sinh làm bài thi môn Ngữ Văn tại Hội đồng thi Trường THPT Thăng Long, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội.Ảnh: Quý Trung – TTXVN


Thí sinh Ôn Huyền Trang, học sinh trường THPT Nguyễn Trãi (Hà Nội) phấn khởi cho biết: “Đề thi năm nay sát với kiến thức đã được ôn tập. Em rất thích thú với phần đọc hiểu vì câu hỏi đã đề cập đến vấn đề Biển Đông, vấn đề thời sự nóng bỏng của đất nước, qua đó thể hiện được tinh thần, trách nhiệm của tuổi trẻ hôm nay đối với đất nước. Còn em Trần Minh Tiến, học sinh lớp 12A, Trung tâm Giáo dục thường xuyên cũng cho biết, đề thi có phần liên hệ thực tế khá thú vị, giúp em hiểu sâu sắc về vụ việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép tại vùng biển của Việt Nam, đồng thời giúp các bạn trẻ thể hiện chính kiến, lòng yêu nước qua bài viết của mình. Em Tiến làm bài khá tốt, được khoảng 80 - 90%.


Tại tỉnh Bắc Kạn, theo ghi nhận của phóng viên, kết thúc buổi thi, nhiều học sinh ra về với vẻ mặt phấn khởi vì làm bài tốt. Em Hà Anh Tuấn, học sinh lớp 12N, trường THPT Bắc Kạn cho biết: Đề thi Ngữ văn năm nay khá vừa sức và bám sát chương trình, có sự phân hóa cao. Chính vì vậy rất nhiều bạn thích thú với câu hỏi này.

Sau 120 phút làm bài, nhiều thí sinh ở Huế ra khỏi phòng thi với tâm trạng phấn khởi. Các em cho biết, đề thi nằm trong chương trình học nên không quá khó. Em Lê Văn Ngọc Hưng - Học sinh trường THPT Nguyễn Trường Tộ cho biết em làm bài rất tốt. Đặc biệt ở câu 1, em thấy hay và ý nghĩa khi đề cập đến vấn đề chủ quyền biển đảo của nước ta. Đây là vấn đề thời sự mà tất cả học sinh đều quan tâm và nắm được nhiều thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng nên không quá khó.

* Phù hợp với sức học sinh

Đề thi phù hợp với sức học sinh. Đây là nhận định của nhiều thày cô giáo khi đánh giá về đề thi môn Ngữ văn.


Cô giáo Bùi Kim Dung Tổ trưởng Tổ văn trường THPT Nguyễn Trãi (Hà Nội) nhận xét: Đề thi văn năm nay rất sát với chương trình, phù hợp với sức học của các em cả về dung lượng và nội dung kiến thức. Các câu hỏi trong phần đọc hiểu và làm văn đều là những kiến thức cơ bản, học sinh đã được cung cấp, ôn luyện khá kĩ trong trường phổ thông. Cấu trúc của đề thi phần nghị luận xã hội đã đặt ra vấn đề mà rất nhiều em quan tâm và mang ý nghĩa thiết thực cho học sinh trong cuộc sống. Đặc biệt, đề thi năm nay phần tự luận đã khích lệ sự sáng tạo, phát huy khả năng cảm thụ riêng của các em về nhân cách sống. Đề thi năm nay được đánh giá là hay, vừa sức với các em nhưng vẫn có phần để phân loại được lực học của học sinh.

Các thí sinh làm bài thi môn Ngữ Văn tại Hội đồng thi Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, quận 4 (TP Hồ Chí Minh). Ảnh:Phương Vy-TTXVN.


Cô Hoàng Xuyến, giáo viên dạy ngữ văn, trường THPT Quảng Khê, huyện Ba Bể (Bắc Kạn) chia sẻ: Đề thi năm nay bám sát chương trình và có sự thay đổi ở phần đọc hiểu, nội dung bám sát vấn đề thời sự mà nhiều người đang quan tâm. Đề thi khá vừa sức, đánh giá được quá trình học tập, ôn luyện của học sinh, đồng thời phân loại được học sinh. Đề thi khá hay, mang hướng mở, khơi gợi được suy nghĩ, trách nhiệm của học sinh, gắn với tình hình thực tế hiện nay.

Thầy Phan Thanh Tịnh - giáo viên tổ văn trường chuyên Quốc học Huế cho biết: Đề thi nằm trong chương trình, phù hợp với trình độ chung của học sinh, đảm bảo cấu trúc đề thi của Bộ giáo dục và Đào tạo. Đề thi có 2 câu nhưng đảm bảo ma trận đề thi, khó dần về phần sau nên có tính phân loại học sinh. Trong từng câu hỏi, nếu nắm kỹ kiến thức chung các em có thể làm tốt. Chẳng hạn như câu 1, chỉ cần bám sát văn bản, nắm chắc về phong cách ngôn ngữ thì các em đã có điểm, nếu muốn đạt điểm cao cần có sự kết hợp giữa kiến thức với thực tiễn. Còn câu 2, thì tương đối khó bởi năm nay, phân tích về một đoạn đối thoại trong vở kịch của tác giả Lưu Quang Vũ với 3 lời thoại, 5 câu văn, nội dung quá ít nên khó nói dài và nói hay. Tuy nhiên, với đề này, dự đoán sẽ có trên 80% học sinh trên điểm trung bình.

Nhóm phóng viên TTXVN