01:11 19/01/2011

“Món hời” của những kẻ buôn lậu nội tạng

Bảy năm trước, anh nông dân nghèo Madhab Parajuli ở Nêpan đứng trước một sự lựa chọn khổ sở: Hoặc là mất đi mảnh đất trồng trọt của mình để trả các khoản nợ đang ngày càng lớn lên vì lãi hoặc là bán đi một quả thận của mình cho những kẻ buôn bán nội tạng người bất hợp pháp.

Bảy năm trước, anh nông dân nghèo Madhab Parajuli ở Nêpan đứng trước một sự lựa chọn khổ sở: Hoặc là mất đi mảnh đất trồng trọt của mình để trả các khoản nợ đang ngày càng lớn lên vì lãi hoặc là bán đi một quả thận của mình cho những kẻ buôn bán nội tạng người bất hợp pháp.

Vậy là trong cơn tuyệt vọng, Parajuli đã chấp nhận bán một quả thận của mình với giá 100.000 Rupi (khoảng 28 triệu đồng) và đã phải bôn ba sang Ấn Độ để thực hiện hợp đồng mua bán này, một quyết định mà tới giờ anh vẫn còn rất hối hận.

Một trong những nạn nhân của những kẻ buôn lậu nội tạng ở Nêpan.


“Tôi chỉ được thanh toán khi trở về Nêpan và khi đó tôi chỉ nhận được 1/3 những gì đã được hứa”, người đàn ông 36 tuổi này nói với AFP tại nhà của mình ở làng Jyamdi, cách thủ đô Cátmanđu 50 km về hướng đông. “Dù sao đi nữa tôi cũng đã mất trang trại của mình.


Nếu như biết trước, tôi đã chẳng bán thận. Tôi đã có dịp cảm nhận nỗi đau của mình ở một góc độ khác”, anh ta vừa nói vừa chỉ vết sẹo dài 15 cm ở bên sườn phải.


Parajuli đã bị gia đình bỏ rơi sau khi bán quả thận và bây giờ trở nên rất xanh xao, yếu ớt. Parajuli cho biết anh đang rất khó khăn để có thể tìm kiếm được một công việc lao động phổ thông.

Theo luật pháp Nêpan, những ca ghép thận chỉ được phép nếu như quả thận được hiến tặng là của những người có cùng huyết thống hoặc là vợ chồng. Tuy nhiên, luật pháp Ấn Độ lại thông thoáng hơn khi cho phép những người không có quan hệ huyết thống tặng nhau một bộ phận “khỏe mạnh” đã qua kiểm tra của một cơ quan y tế.


Đó cũng chính là lý do mà các nhóm buôn lậu nội tạng đưa các “khách hàng” của mình từ Nêpan sang Ấn Độ để phẫu thuật lấy nội tạng.

Mọi người có thể dễ dàng tìm kiếm một người hiến thận ở Jymadi, một trong những khu làng nghèo khó nhất ở Nêpan và đã trở thành trung tâm cho những kẻ buôn bán nội tạng người bất hợp pháp vì nó rất gần với Cátmanđu và biên giới của Ấn Độ. Phần lớn dân làng đều rất nghèo túng.


Mặc dù làm nghề nông, song rất nhiều người lại không đủ lương thực để ăn trong cả năm nên đã phải đi làm thuê ở Cátmanđu hoặc nước láng giềng Ấn Độ.
“Những kẻ buôn bán nội tạng người thường giăng lưới đối với những người nghèo khó ở Madhab”, ông Bahadur Tamang, cựu trưởng thôn làng Krishna, cho biết. “Những người ở đây đều nghèo khó và không có học nên rất dễ bị bọn chúng lừa gạt. Nói chung, họ chỉ nhận được rất ít trong số tiền mà họ được hứa trước khi bán nội tạng của mình”.

Một số người còn bị lừa gạt đưa sang Ấn Độ với những câu chuyện tốt đẹp và chỉ biết được mục đích thực sự khi đã bị đưa qua biên giới. Tình huống như vậy đã từng xảy ra với Mohan Sapkota. Lúc đầu anh ta được thông báo có nhiệm vụ hộ tống một bệnh nhân bị bệnh thận sang Ấn Độ để điều trị. Anh ta bắt đầu nghi ngờ sau khi những kẻ buôn bán nói anh phải thử máu và kiểm tra sức khoẻ trước khi đi. Tuy nhiên, chỉ sau khi anh ta đến thành phố Chenai ở miền nam Ấn Độ thì lý do thực sự của chuyến đi mới bị phơi bày.

“Tôi không có tiền và cũng chẳng có tài sản gì đáng giá. Những kẻ buôn bán nội tạng đã hứa trả chi phí học hành cho các con tôi, vậy là tôi đã đồng ý cho đi một quả thận của mình”, anh Sapkota, 43 tuổi, tâm sự. “Tuy nhiên, cuối cùng tất cả những gì tôi nhận được chỉ là vẻn vẹn 60.000 rupi (gần 17 triệu đồng)”. Trong khi đó, một quả thận được bán ở chợ đen có giá lên tới 20.000 USD (hơn 400 triệu đồng).

Nhà xã hội học Ganesh Gurung đã tiến hành một nghiên cứu về hoạt động buôn bán nội tạng người ở khu vực Kavre, nơi có nhiều người dân nghèo túng sinh sống.


Ông cho biết, một khi họ đã đến Ấn Độ, họ càng khó từ chối những yêu cầu của những kẻ buôn lậu. “Ở Ấn Độ, những người hiến tặng có vị trí rất thấp kém, họ không hiểu ngôn ngữ và có rất ít khả năng để mặc cả. Và một thực tế đau lòng là khi trở lại làng, rất nhiều người trong số họ đã dùng số tiền có được từ bán nội tạng để uống rượu”.

Trong khi cảnh sát Nêpan cho rằng họ gặp rất nhiều khó khăn để bắt giữ những kẻ buôn bán nội tạng người trái phép, thì nhiều người nông dân nghèo ở Nêpan lại cáo buộc các nhà chức trách đã làm ngơ trước hoạt động bất hợp pháp này.


Điều tra của một tổ chức phi chính phủ cho thấy, số người bán thận ở khu vực Kavre lên đến hơn 300 người. Tuy nhiên, người ta tin rằng con số thực tế còn cao hơn rất nhiều.

Lê Hải