01:11 22/01/2015

Mỗi năm giảm 3,42% số hộ nghèo Khmer Nam Bộ

Những năm qua, các cấp bộ, ngành trung ương, địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long quan tâm thực hiện nhiều chính sách chăm lo phát triển đời sống cho đồng bào dân tộc Khmer và đã giành những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, mục tiêu hướng đến giảm nghèo bền vững vẫn còn nhiều lực cản.

Những năm qua, các cấp bộ, ngành trung ương, địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long quan tâm thực hiện nhiều chính sách chăm lo phát triển đời sống cho đồng bào dân tộc Khmer và đã giành những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, mục tiêu hướng đến giảm nghèo bền vững vẫn còn nhiều lực cản.

Những nỗ lực không nhỏ

Hiện nay đồng bào Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có gần 1,3 triệu người sinh sống tập trung ở 9 tỉnh, thành Tây Nam Bộ; trong đó tập trung chủ yếu ở các tỉnh: Trà Vinh trên 318.000 người, chiếm 31,58% dân số tỉnh, Sóc Trăng trên 397.000 người, chiếm 30,71%, Kiên Giang trên 213.000 người, chiếm 12,5%, Bạc Liêu trên 66.000 người, chiếm 7,66%, An Giang trên 91.000 người, chiếm 4,24%...

Một trong những ngôi trường nội trú khang trang của đồng bào dân tộc tại tỉnh Trà Vinh.


Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước đối với đồng bào dân tộc nói chung và đồng bào Khmer Nam Bộ nói riêng, hầu hết các địa phương đều thực hiện chăm lo, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, đời sống cho người dân.

Trong những năm qua, cơ sở vật chất vùng đồng bào dân tộc được quan tâm đầu tư, nhất là giao thông, thủy lợi, trường học, điện, nước sinh hoạt, chợ, trạm xá, nhà ở, đất ở, đất sản xuất... đã có bước phát triển, làm thay đổi đời sống đồng bào dân tộc Khmer tại ĐBSCL. Nhiều chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước đã và đang được triển khai thực hiện như Chỉ thị 68, Kết luận 67 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Quyết định 135, 134, 102, 32, 33... của Thủ tướng Chính phủ bước đầu tạo được sự chuyển biến khá toàn diện về hạ tầng kinh tế - xã hội.

Trong giai đoạn 2006 - 2010 đã giảm được 42.352 hộ Khmer nghèo từ 103.170 hộ của đầu giai đoạn xuống còn 60.818 hộ vào cuối giai đoạn. Xét về tỷ lệ so với tổng số hộ Khmer, trong 5 năm các địa phương trong vùng giảm được 17,11%, trung bình mỗi năm giảm được 3,42%, tỷ lệ hộ nghèo còn lại cuối giai đoạn so với tổng số hộ Khmer là 24,57%. Giai đoạn 2011 đến nay, số lượng hộ Khmer giảm nghèo 9.352 hộ nhưng cũng có số hộ nghèo mới tăng là do các thành viên sinh sống trong hộ nghèo tiếp tục tách, lập thành hộ mới. Trong giai đoạn này, trung bình mỗi năm, các địa phương vùng Tây Nam Bộ giảm trung bình 3% hộ nghèo dân tộc Khmer. Đến cuối năm 2013, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào giảm xuống còn khoảng 25%.

Còn nhiều thử thách

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia và lãnh đạo các địa phương vùng ĐBSCL có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống cùng chung quan điểm rằng, việc chăm lo đời sống, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào Khmer chưa thật sự bền vững. Vì hiện nay, đời sống của đồng bào vẫn còn nhiều khó khăn, bộc lộ nhiều mặt chưa đáp ứng được với yêu cầu phát triển, nhất là trong thời kỳ đổi mới và hội nhập như: Sản xuất kinh tế còn nhỏ lẻ, theo kinh nghiệm dân gian, phong tục; mặt bằng dân trí còn thấp so với các dân tộc anh em khác ở các vùng miền trong nước; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được sự nghiệp hiện đại hóa, công nghiệp hóa..

Theo đánh giá của Ban Dân tộc tỉnh An Giang, kết quả đạt được từ việc thực hiện các chính sách đối với đồng bào dân tộc của tỉnh vẫn chưa bền vững khi nhiều hộ thoát nghèo nhưng còn ở ngưỡng cận nghèo, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số còn cao. Tốc độ giảm nghèo các địa phương không đồng đều, có nơi tỷ lệ giảm nghèo rất thấp, một số xã chỉ giảm 0,1 - 0,2%... Ở tỉnh Trà Vinh, công tác giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc Khmer dù mang lại một số kết quả nhưng chưa thật sự bền vững. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo đồng bào Khmer chiếm 36,23%, số hộ tái nghèo còn cao. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo đã thoát nghèo nhưng nằm sát chuẩn nghèo khoảng 70 - 80%. Theo chuẩn nghèo của Chính phủ qui định tại Quyết định 09/2011/QĐ-TTg thấp, nên số hộ cận nghèo nằm sát ngưỡng nghèo đời sống hết sức khó khăn. Toàn tỉnh còn 29 xã khu vực III và 144 ấp đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 447/QĐ-UBDT ngày 19/9/2013 của Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc.

PGS, TS. Vũ Văn Phúc, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản - Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, nhìn nhận: Ở nhiều tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào dân tộc còn khá cao trong khi nguồn kinh phí đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc còn phân tán trong nhiều chương trình, dự án nên trong quá trình triển khai khó lồng ghép. Đồng thời nguy cơ chồng chéo các chính sách dân tộc khiến hiệu quả giảm nghèo chưa tương xứng với nguồn lực đầu tư. Hiện nay nhu cầu đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng ở vùng đồng bào dân tộc còn rất lớn, trong khi đó nguồn vốn đầu tư vừa thiếu và dàn trải khiến công trình khó thực hiện dứt điểm, nhiều dịch vụ xã hội cơ bản còn chưa đến được với người dân.

Để tháo gỡ những tồn tại nói trên, hiện các tỉnh, thành vùng ĐBSCL có đồng bào Khmer sinh sống rất mong muốn các cơ quan Trung ương cần sớm ban hành chính sách, đề án đồng bộ và kịp thời triển khai thực hiện theo tinh thần Quyết định số 449/QĐ-TTg ngày 12/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 và Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, Trung ương cần sớm có chính sách, đề án phát triển nguồn nhân lực dân tộc thiểu số nói chung và đối với đồng bào Khmer Nam Bộ nói riêng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 nhằm nâng cao toàn diện về thể chất, trí chất, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững; xây dựng cơ chế, chính sách giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên dân tộc Khmer sau khi tốt nghiệp.

Bài và ảnh: Anh Đức