05:18 17/05/2017

Mỗi năm chỉ được kiểm tra doanh nghiệp một lần

Ngay sau khi kết thúc Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp, chiều 17/5 Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg. Trong đó, quy định nổi bật nhất là không được thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp quá 1 lần/năm. Chỉ thanh tra đột xuất khi phát hiện vi phạm.

Chiều 17/5, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức họp báo về Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng. Ảnh: H.V

Theo ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp là hội nghị có quy mô thu hút số lượng doanh nghiệp lớn nhất từ trước tới nay. Với hơn 2.000 doanh nghiệp tại Hà Nội và nhiều doanh nghiệp tại đầu cầu trực tuyến ở 63 tỉnh, thành.

Trong thời gian qua, một số doanh nghiệp phản ánh bị kiểm tra 3 lần/tháng, 11-12 lần/năm. Do vậy, để thể hiện sự đồng hành cùng doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh, chiều 17/5 Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg  về việc tránh thanh kiểm tra chồng chéo của các đơn vị.

Theo đó, từ đầu năm, các địa phương phải phê duyệt kế hoạch thanh tra dựa trên các lĩnh vực như: cháy nổ, thuế, xây dựng… thanh tra tỉnh chủ trì tiếp nhận toàn bộ kế hoạch, trình tỉnh, thành phố phê duyệt kế hoạch thanh tra các doanh nghiệp trong phạm vi quản lý. 

Bên cạnh đó, “Chỉ khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật, dấu hiệu phải rõ ràng mới được thanh tra đột xuất. Ví dụ không xử lý nước, xả thải thẳng ra môi trường” Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Theo ông Dũng, nếu phát hiện có sự thanh tra chồng chéo, chủ tịch UBND cấp tỉnh, thành phố phải giải quyết. Nếu lãnh đạo địa phương không giải quyết được, doanh nghiệp kiến nghị lên Thủ tướng thì lãnh đạo địa phương sẽ bị phê bình, nhắc nhở, xử lý theo quy định.

Họp báo về Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp. Ảnh: H.V

Bên cạnh đó, theo ông Dũng, sau 1 năm thực hiện Nghị quyết 35 (NQ 35) về hộ trợ doanh nghiệp phát triển, đã góp phần tạo dựng niềm tin của người dân, cộng đồng doanh nghiệp. Chưa khi nào tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp lại sôi động, có sức sống như thời gian qua. Đặc biệt, ở khu vực kinh tế tư nhân đang đóng góp 40% GDP. Chính phủ và Thủ tướng sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp.

 Sau 1 năm thực hiện NQ 35, đã có 110.000 DN thành lập mới,  4 tháng đầu năm 2017 đã có 40.000 doanh nghiệp thành lập mới. Thu hút thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài.

Đặc biệt, chỉ sau một năm có NQ 35, mức độ bức xúc của doanh nghiệp trong hội nghị đã giảm rõ rệt. Qua đó thể hiện quyết tâm và hiệu quả của các bộ ngành, cơ quan từ Trung ương xuống địa phương trong năm qua. "Các chi phí chính thức và không chính thức đã giảm, thủ tục hải quan, thuế đều cắt giảm… tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh”, ông Dũng nói.

Bên cạnh đó, các thủ tục liên quan tới tiếp cận đất đai, tiếp cận vốn, vướng mắc ở các địa phương như giấy phép đầu tư, xây dựng…cũng được giải quyết.

Ông Mai Tiến Dũng cho biết: Thủ tướng và các Phó Thủ tướng cũng đang xây dựng chỉ thị để tiếp tục thực hiện NQ 35 của Chính phủ. Chỉ thị sẽ cụ thể, dựa trên ý kiến của doanh nghiệp, qua đó tổng hợp trên 60 nhiệm vụ giao cho các bộ, nghành thực hiện.

"Nhiệm vụ sẽ là giảm các chi phí về: thuế, hải quan, giảm thời gian thực hiện... Có các biện pháp mạnh như: cách chức, buộc thôi việc, luân chuyên đối với những cán bộ không làm tròn trách nhiệm. Cùng với giám sát của người dân, doanh nghiệp thì các cơ quan thực thi công vụ buộc phải chấp hành. Ngoài ra, sẽ thành lập các trung tâm dịch vụ công, tập trung tháo gỡ các thủ tục, giấy phép con, giảm chi phí chính thức và không chính thức", ông Mai Tiến Dũng cho biết thêm.
H.V/Báo Tin Tức