02:10 24/02/2011

Mỏi mắt tìm hàng Việt

Tìm hiểu mức độ “phủ sóng” của hàng Việt ở nông thôn hiện nay, chúng tôi đã tìm về những huyện thuần nông cách xa thành phố. Tuy nhiên, đáng buồn là khẩu hiệu “rễ Việt đã bám vào lòng đất Việt” vẫn chưa hề về đến những vùng thuần nông hẻo lánh này.

Tìm hiểu mức độ “phủ sóng” của hàng Việt ở nông thôn hiện nay, chúng tôi đã tìm về những huyện thuần nông cách xa thành phố. Tuy nhiên, đáng buồn là khẩu hiệu “rễ Việt đã bám vào lòng đất Việt” vẫn chưa hề về đến những vùng thuần nông hẻo lánh này.

“Hàng Việt ư? Ở vùng này tôi có nghe thấy mọi người nhắc đến hàng Việt nhưng chưa nhìn thấy bao giờ. Ngoài chợ, trong các cửa hàng, đại lý… đâu dâu cũng chỉ thấy hàng hóa gắn mác Trung Quốc”. Đó là lời chia sẻ của chị Tạ Thị Thu Dung, một người dân thôn Bình Tiến (huyện miền núi Yên Lập, tỉnh Phú Thọ).

Các loại hoa quả ngoại nhập vẫn được bày bán tại chợ nông thôn. Ảnh: Vân Anh


Bước vào một đại lý tạp hóa to nhất của thôn Mỹ Lung (Yên Lập – Phú Thọ), chúng tôi chỉ thấy lác đác một vài sản phẩm mang thương hiệu Việt, hầu hết các sản phẩm đều là hàng nhái, hàng Trung Quốc. Khi được hỏi về hàng Việt, chị Hải, chủ cửa hàng thật thà: “Mình không biết nhiều đến hàng Việt, người dân mua hàng cũng không bao giờ hỏi, chỉ cần bao bì tốt và giá cả phải chăng”. Đó cũng là câu trả lời của rất nhiều hộ bán hàng trên địa bàn huyện. “Mình không chú ý lắm tới hàng Việt vì mình không biết sản phẩm nào là hàng Việt cả”, chị Thanh Hương chia sẻ.

Mỏi mắt tìm hàng Việt

Chúng tôi tìm đến huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định vào đúng ngày của một chợ phiên. Không khỏi giật mình vì trong số các sản phẩm hàng hóa được bày bán, các sản phẩm mang mác hàng Việt chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Còn lại là hàng hóa không rõ nguồn gốc, hàng nhái. Tại một đại lý bán các mặt hàng tiêu dùng ở thôn Phố Cầu (xã Nam Hùng, Nam Trực), mỏi mắt mới tìm ra được một số sản phẩm hàng Việt, chủ yếu là đồ dùng học sinh và đồ nhựa sinh hoạt của các nhà sản xuất như Hồng Hà, Thiên Long, Song Long, Hải Châu, Hải Hà... Hàng hóa Trung Quốc, hàng nhái rất nhiều, từ giấy vệ sinh, bánh kẹo, quần áo đến đồ chơi của trẻ em.

Các hàng đó chủ yếu may các mác "na ná" với những sản phẩm đã có tiếng, đánh lừa con mắt của người mua hàng như: Băng vệ sinh Kitex, Chang Fiêng, càphê Q7, bánh Koscy… với mẫu mã như thật, giá thấp hơn các sản phẩm chính hãng nên được người dân nông thôn ưa chuộng. Anh Nguyễn Vĩnh Xuân, chủ đại lý cho hay: “Ở vùng nông thôn, mọi người mua hàng rất ít khi xem đến nhãn mác, chỉ cần hàng hóa có mẫu mã bắt mắt và giá cả phải chăng là họ mua".

Khi được hỏi về cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, chị Kim Oanh ở xã Nam Toàn (Nam Trực, Nam Định) cho biết: “Tôi cũng có nghe trên ti vi và loa đài nói về chuyện người Việt dùng hàng Việt, nhưng vấn đề là hàng Việt không có ở quê thì chúng tôi ưu tiên dùng thế nào đây?”. Mặt khác, khá nhiều người dân ở nông thôn cũng muốn dùng hàng Việt nhưng các doanh nghiệp lại chưa có đại lý ở nông thôn. Thậm chí, có doanh nghiệp còn bán hàng quá đát, hàng chất lượng kém làm mất lòng tin của người dân.

Tại một chợ phiên ở thôn Mộc Bắc (Duy Tiên, Hà Nam), các sản phẩm hàng hóa bày bán rất phong phú, đa dạng. Tại đây hoa quả có nguốn gốc từ Trung Quốc được bày bán công khai và người dân vẫn thỏa sức mua mà không cần chú ý tới nguồn gốc và yêu cầu chất lượng. Các loại hàng nhái được bày bán tràn lan và người mua thì cứ mua.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Ngọc Ánh – Phó Chủ tịch UBND xã Nam Toàn (Nam Trực, Nam Định) cho biết, chính quyền xã cũng đã tuyên truyền về phong trào “người Việt dùng hàng Việt” trên loa phát thanh của xã. Tuy nhiên cũng chỉ được một vài lần vào những ngày đầu khi mới bắt đầu phong trào tuyên truyền. Trên thực tế, ông cũng không hề biết về thực trạng buôn bán và tiêu thụ hàng giả, hàng nhái trên địa bàn sở tại, và ngay cả bản thân ông cũng không biết phân biệt đâu là hàng giả và đâu là hàng thật do các doanh nghiệp trong nước sản xuất.

Nguyễn Thảo – Vân Anh