09:22 07/09/2011

Mơ ước chốn bình yên

Tuần này đánh dấu một sự kiện lớn trong đời sống chính trị và xã hội của nước Mỹ - đó là tròn 10 năm ngày xảy ra các vụ khủng bố 11/9 - sự kiện đã làm thay đổi căn bản đời sống nước Mỹ...

Tuần này đánh dấu một sự kiện lớn trong đời sống chính trị và xã hội của nước Mỹ - đó là tròn 10 năm ngày xảy ra các vụ khủng bố 11/9 - sự kiện đã làm thay đổi căn bản đời sống nước Mỹ, khiến người dân trở nên hoài nghi về thế độc tôn của nước này trên trường quốc tế, hoài nghi về sức mạnh thực sự của cường quốc số một thế giới. Một thập kỷ sau - nước Mỹ liệu đã thay đổi và các nguy cơ có còn hiện hữu?

Loay hoay tìm lại mình

Sự kiện 11/9/2001 đã buộc Oasinhtơn phải nhìn nhận lại mình. Dưới thời cựu Tổng thống George W.Bush của đảng Cộng hòa, sự “nhìn nhận lại” này đồng nghĩa với việc phát động chiến tranh nhằm vớt vát hình ảnh của nước Mỹ dưới cái tên “chống khủng bố”. Không thể phủ nhận là các nỗ lực chống khủng bố đã mang lại những kết quả nhất định bởi từ năm 2001, nước Mỹ không còn phải chứng kiến một vụ tấn công khủng bố lớn nào. Mạng lưới khủng bố quốc tế Al Qaeda cũng bị kiềm chế và khó tấn công vào nước Mỹ hơn. Thế nhưng, số vụ khủng bố mang tính trả đũa của các tổ chức cực đoan vẫn xảy ra thường xuyên với nhiều quy mô khác nhau trên toàn cầu.

Song hành cùng với đó là một nước Mỹ đang tiếp tục phải vật lộn với những khó khăn nội tại - đó là cuộc khủng hoảng kinh tế được đánh giá là tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái hồi thập niên 1930. Đó là một quá trình phục hồi mong manh với tỷ lệ thất nghiệp luôn trên mức 9%, là “núi” nợ công lên tới hơn 14.000 tỷ USD, là khoản thâm hụt ngân sách xấp xỉ 1.400 tỷ USD. Đó còn là sự chia rẽ trong chính giới, là một quốc hội không đồng thuận tạo nên thế giằng co trong quá trình lập pháp. Và trên hết, đó là tâm trạng phấp phỏng của người dân, sự thiếu tin tưởng vào chính quyền. Rõ ràng, nước Mỹ còn quá bộn bề và nghịch lý là nước Mỹ đang yếu đi vì theo đuổi cái bóng của chính mình.

Khói lửa ngùn ngụt bốc lên từ tòa tháp đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) trong vụ khủng bố ngày 11/9 tại Mỹ.


Vụ khủng bố 11/9 đã kéo Mỹ vào hai cuộc chiến tranh ở Ápganixtan và Irắc, cuộc chiến chống khủng bố trên quy mô toàn cầu kèm theo những khoản chi khổng lồ. Về lý thuyết, cả hai cuộc chiến này đã khép lại sau khi những người lính cuối cùng của lực lượng chiến đấu Mỹ rời khỏi lãnh thổ Irắc hồi tháng 8 năm ngoái và biệt kích Mỹ tiêu diệt được trùm khủng bố Osama bin Laden của Al Qaeda. Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đã thông báo kế hoạch rút quân Mỹ khỏi Ápganixtan. Thế nhưng, trên thực tế, sau khi những binh lính nước ngoài rút đi, bất ổn chính trị và an ninh vẫn sẽ là những nguy cơ hiện hữu tại hai quốc gia này. Với bản thân nước Mỹ, hai cuộc chiến cùng những thương vong về người, các khoản chi khổng lồ và những hệ lụy của nó vẫn sẽ là những câu hỏi để ngỏ.

Nguy cơ mới xuất hiện

Về danh nghĩa, có vẻ như cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố của Oasinhtơn đang đi đến hồi kết cùng sự suy yếu của mạng lưới Al Qaeda. Nhưng liệu nước Mỹ đã an toàn hơn khi các nguy cơ mới xuất hiện - đó là sự phát triển các chân rết của Al Qaeda ở Yêmen và Bắc Phi cùng nhiều điểm nóng khác trên thế giới tiếp tục đe dọa các lợi ích của Mỹ. Ngoài ra, không thể bỏ qua sự biến tướng của chủ nghĩa khủng bố truyền thống - từ khái niệm là tập hợp một nhóm đối tượng có tư tưởng cực đoan, quá khích, bài phương Tây, lựa chọn các biện pháp bạo lực (đánh bom, xả súng…) để gây phương hại tới lợi ích của đối phương chuyển sang khái niệm chủ nghĩa khủng bố đơn độc - còn được gọi với tên là “những con sói cô độc”.

Al Qaeda có thể được ví như một con bạch tuộc nhiều đầu - chặt cái đầu này lập tức sẽ mọc thêm những cái đầu khác và các vòi bạch tuộc của nó có thể vươn tới nhiều khu vực bất ổn trên thế giới. Từ thực tế các hoạt động của tổ chức Al Qaeda ở Bán đảo Arập tại Yêmen hay Al Qaeda ở Maghreb Hồi giáo trên dải đất Sahel rộng lớn ở châu Phi hay cái gọi là Quốc gia Hồi giáo Iraq cùng với vụ thảm sát đẫm máu mà kẻ cực đoan Anders Behring Breivik gây ra ở Na Uy mới đây, giới phân tích nhận định, cuộc chiến nhằm bảo vệ các lợi ích an ninh của Mỹ đến nay vẫn chưa kết thúc.

Nguy cơ từ các phân nhánh của Al Qaeda thì đã rõ. Đáng lo ngại hơn có lẽ là “những con sói cô độc” kiểu Breivik - những kẻ có thể là bất cứ ai trong xã hội, có khả năng hành động độc lập sau khi âm thầm lên kế hoạch khủng bố. Vì thế, không phải vô tình Tổng thống Obama trong một bài trả lời phỏng vấn mới đây đã cảnh báo về nguy cơ từ những kẻ khủng bố thế hệ mới.

Chính quyền Obama đã có những điều chỉnh trên cả lĩnh vực quân sự lẫn ngoại giao để thích nghi với tình hình mới. Trong gần 3 năm cầm quyền, Tổng thống Obama đã nỗ lực tiếp cận với cộng đồng người Hồi giáo, kết hợp với việc đổ thêm quân vào những khu vực được coi là căn cứ địa của Al Qaeda và các chân rết của tổ chức này nhằm truy quét các phần tử khủng bố trước khi rút toàn bộ quân tại Ápganixtan vào năm 2014. Chiến lược chống khủng bố mới còn tập trung vào việc nâng cao cảnh giác ở cấp địa phương, ngăn ngừa những kẻ thù nằm ngay trong lòng nước Mỹ.

10 năm đã trôi qua và những vết thương lòng sau các vụ khủng bố kinh hoàng cũng đã dần khép miệng. Không có thêm vụ khủng bố nào xảy ra, nhưng không vì thế mà không còn những lỗ hổng an ninh và cuộc chiến chống khủng bố chưa thể khép lại. Và người dân Mỹ vẫn sẽ phải tiếp tục mơ về một chốn bình yên.

Phương Hồ