04:14 19/04/2015

Mở toang 'cánh cửa thép' Xuân Lộc

Chiến dịch tiến công thắng lợi đã đập tan “cánh cửa thép” án ngữ cửa ngõ phía đông Sài Gòn, làm rung chuyển toàn bộ hệ thống phòng thủ của địch quanh Sài Gòn.

Đại thắng mùa Xuân 1975 đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc kết thúc 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước với biết bao gian khổ, hy sinh.

Trong những chiến công góp phần quan trọng vào Đại thắng mùa Xuân 1975 ngày ấy, chiến thắng Xuân Lộc ngày 21/4 trên Mặt trận hướng Đông giữ vị trí có ý nghĩa quyết định, mở toang “cánh cửa thép” phía Đông cho đại quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn - sào huyệt cuối cùng của chế độ Việt Nam cộng hòa.

Pháo binh và xe tăng của quân Giải phóng trên đường hành quân. Ảnh: Vũ Tạo - TTXVN


Mở toang “cánh cửa thép”


Để biến Xuân Lộc thành “cánh cửa thép”, địch đã tập trung ở đây một sư đoàn bộ binh, một liên đoàn biệt động quân, một thiết đoàn xe tăng - thiết giáp, 4 tiểu đoàn pháo binh và lực lượng sẵn sàng ứng trợ đặc biệt.

Chính Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ Đại tướng Frederick C. Weyand đã trực tiếp lên Xuân Lộc thị sát và nhấn mạnh: "Phải giữ cho được Xuân Lộc, mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn".

Đánh giá đúng tầm quan trọng của cửa ngõ Xuân Lộc, ngày 2/4/1975, quán triệt tư tưởng chỉ đạo của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, Bộ Tư lệnh Miền đã quyết địch mở cuộc tiến công giải phóng Xuân Lộc, nhằm tiêu diệt sư đoàn 18 ở vòng ngoài, phá âm mưu phòng ngự từ xa, phá thế phòng ngự củng cố Sài Gòn của địch, chia cắt giao thông, cô lập Sài Gòn. Nhiệm vụ tiến công Xuân Lộc được giao cho Quân đoàn 4.

5 giờ 40 phút ngày 9/4/1975, Quân đoàn 4 nổ súng tấn công Xuân Lộc. Trong ngày chiến đấu đầu tiên, quân ta đã chiếm được một phần hai thị xã, toàn bộ khu hành chính tiểu khu.

Những ngày sau đó, chiến sự ở Xuân Lộc - Long Khánh diễn ra ngày càng thêm ác liệt. Trước tình hình khó khăn, ta đã nghiên cứu diễn biến trận đánh, quyết định tổ chức lại lực lượng, thay đổi cách đánh từ tiến công trực tiếp chuyển sang thế trận bao vây, cô lập nhằm làm suy yếu lực lượng địch trong thị xã; tiêu diệt các lực lượng tiếp viện của địch mới được điều đến còn đứng chân chưa vững ở vòng ngoài.

Ta tổ chức đánh chiếm ngã ba Dầu Giây, Núi Thị, cắt quốc lộ 1 và chặn đánh quân tiếp viện từ Biên Hòa, Trảng Bom, cắt rời Xuân Lộc ra khỏi Biên Hòa.

Rạng sáng 15/4/1975, quân ta bắt đầu bắn phá sân bay Biên Hòa. Ở khu vực Xuân Lộc, Sư đoàn 7 và Sư đoàn 341 liên tục quần nhau với địch, đánh tan hai chiến đoàn còn lại (43 và 48) của Sư đoàn 18 và diệt một bộ phận quân dù.

Thấy không thể bảo vệ được Xuân Lộc, ngày 20/4, địch rút chạy, bị quân ta truy kích tiêu diệt. Ngày 21/4, thị xã Xuân Lộc và toàn bộ tỉnh Long Khánh được giải phóng.

Tạo thời cơ lịch sử, giải phóng Sài Gòn

Chiến dịch tiến công thắng lợi đã đập tan “cánh cửa thép” án ngữ cửa ngõ phía đông Sài Gòn, làm rung chuyển toàn bộ hệ thống phòng thủ của địch quanh Sài Gòn, làm suy sụp nhanh thêm tinh thần chiến đấu của quân ngụy còn lại trên toàn miền Nam.

Xuân Lộc - Long Khánh được giải phóng, kế hoạch quân sự của Mỹ - ngụy bị đảo lộn, theo đó âm mưu chính trị cũng tan vỡ theo.

Ngay tối ngày Xuân Lộc được giải phóng, Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố từ chức và hai ngày sau đó thì trốn chạy khỏi Sài Gòn. Bên kia bờ đại dương, ngày 23/4/1975, Tổng thống Mỹ Gerald Ford tuyên bố “Cuộc chiến tại Việt Nam đã chấm dứt đối với người Mỹ”.

Mặt trận hướng Đông được khai thông, các cánh quân rầm rập tiến về Sài Gòn với khí thế không gì lay chuyển nổi. “Cánh cửa thép” Xuân Lộc bị phá đã mở toang cánh cửa cho đại quân ta mở Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, tiến vào giải phóng Sài Gòn, xông thẳng vào sào huyệt cuối cùng của chế độ Mỹ - ngụy, góp phần vào thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, kết thúc thắng lợi sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước oanh liệt của dân tộc Việt Nam.

Một huyện nông thôn mới đầu tiên của cả nước

Những ngày này, cùng với cả nước, Đảng bộ và nhân dân huyện Xuân Lộc tưng bừng kỷ niệm 40 năm giải phóng quê hương. 40 năm là quãng thời gian dài so với một đời người, nhưng vẫn rất ngắn so với sự phát triển của một vùng đất, xứ sở và của một dân tộc. Thế nhưng trong khoảng thời gian ngắn ngủi ấy, đất và người Xuân Lộc đã có sự chuyển mình vươn lên mạnh mẽ.

Toàn cảnh thị trấn Gia Ray, huyện Xuân Lộc. Ảnh: Mạnh Linh-TTXVN


Xuất phát từ một huyện nông thôn nghèo, hậu quả chiến tranh nặng nề, Đảng bộ và nhân dân huyện Xuân Lộc đã vươn lên đạt được những thành tựu to lớn: là địa phương được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, là một trong hai huyện của tỉnh Đồng Nai được công nhận huyện nông thôn mới đầu tiên trong cả nước.

Nền kinh tế của huyện phát triển toàn diện, tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định, thu nhập bình quân đầu người đến năm 2014 đạt 37,6 triệu đồng/người/năm.

Những năm qua, diện mạo nông thôn đã có nhiều thay đổi với hệ thống kết cấu hạ tầng như: đường, điện, trường học, trạm xá, nhà văn hóa được xây dựng khá đồng bộ, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội của huyện.

Trong đó, công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân và giáo dục đào tạo có nhiều tiến bộ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân trong huyện. Huyện Xuân Lộc cũng là địa phương có tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia cao nhất tỉnh với 44/68 trường, đạt tỷ lệ 64,71%.

Người dân Xuân Lộc hôm nay tự hào về những thành quả đã đạt được trong 40 năm qua, càng tự tin hơn vào chính mình, từ đó nỗ lực đóng góp nhiều hơn nữa trong chặng đường sắp tới.


Thông tin tư liệu-TTXVN