08:08 20/08/2014

Mở rộng việc các doanh nghiệp tiêu thụ hàng hóa của nhau

Chương trình liên kết tiêu thụ sản phẩm của các tập đoàn, tổng công ty không chỉ giúp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm mà còn kích thích DN chuyển mình, hướng tới sản xuất các sản phẩm chất lượng, có sức cạnh tranh cao hơn.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, việc ưu tiên sử dụng nguyên, nhiên vật liệu, thiết bị máy móc và các loại hàng hóa sản xuất trong nước là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa mang tính chiến lược lâu dài để góp phần từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) và nâng cao sức cạnh tranh của cả nền kinh tế.


Mở rộng việc các doanh nghiệp tiêu thụ hàng hóa của nhau

Chương trình liên kết tiêu thụ sản phẩm của các tập đoàn, tổng công ty không chỉ giúp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm mà còn kích thích DN chuyển mình, hướng tới sản xuất các sản phẩm chất lượng, có sức cạnh tranh cao hơn.

Cách đây 2 năm, trước bối cảnh sản xuất trong nước khó khăn, hàng tồn kho cao, Bộ Công Thương đã tổ chức ký kết “Thỏa thuận giữa các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Bộ Công Thương trong việc ưu tiên sử dụng sản phẩm của nhau”. Tại Hội nghị Sơ kết đánh giá kết quả 2 năm thực hiện thỏa thuận trên được tổ chức hôm qua (19/8) tại Hà Nội, đại diện Bộ Công Thương cho biết, thời gian gần đây, nhiều DN nhất là các tập đoàn, tổng công ty đã chủ động, tăng cường sử dụng hàng hóa của nhau và đã thu được hiệu quả rõ rệt.

 

Petrolimex Quảng Ngãi đã triển khai bán xăng E5 RON 92 từ 1/8/2014.
Ảnh: Ngọc Tú

Theo đó, nhiều tập đoàn, tổng công ty đã triển khai Thỏa thuận trong việc ưu tiên sử dụng sản phẩm của nhau thông qua nhiều hợp đồng ký kết mua bán hàng hóa như thép xây dựng, thép chống lò, xăng dầu, khí hóa lỏng, than, săm lốp ô tô, phân bón, hóa chất, rượu bia, giấy in, quần áo bảo hộ, điện… Đến nay, có rất nhiều hợp đồng giá trị cao đã được ký kết giữa các tập đoàn, tổng công ty.


Đặc biệt, các tập đoàn, tổng công ty đã chủ động hơn trong việc tìm hiểu rõ nhu cầu của nhau để đổi mới sản phẩm hoặc cùng nhau nghiên cứu, phát triển các sản phẩm mới hoặc các lĩnh vực có khả năng hợp tác và cùng có lợi như: Tổng công ty Thép Việt Nam nghiên cứu, sản xuất sản phẩm thép chống lò đạt tiêu chuẩn theo quy định để cung cấp 341,28 tấn cho Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam; chỉ đạo Thép Miền Nam, Thép Biên Hòa, Thép Thủ Đức, Thép Nhà Bè cải tiến hệ thống lò nung từ sử dụng dầu FO nhập khẩu sang sử dụng khí hóa lỏng CNG do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam khai thác và cung cấp đã đạt hiệu quả cao. Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đang triển khai hợp tác phân phối, kinh doanh sản phẩm nhiên liệu sinh học xăng E5 và mới đây đã bán thử nghiệm tại một số cửa hàng của Petrolimex tại Quảng Ngãi. Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã đầu tư dây chuyền sản xuất trang phục bảo hộ lao động rất bài bản, có tính thẩm mỹ và chất lượng phù hợp với yêu cầu của nhiều DN…


Theo đánh giá của Bộ Công Thương, việc thực hiện thỏa thuận giữa các tập đoàn, tổng công ty cũng đã góp phần giảm tình hình tồn kho của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và tăng thị phần tại thị trường trong nước. Cụ thể: Trước khi Thỏa thuận được ký kết, đến thời điểm ngày 1/9/2012, lượng tồn kho của nhiều sản phẩm vẫn còn cao, chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 20,4% so với cùng kỳ năm trước. Thời điểm ngày 1/12/2013 chỉ số tồn kho chỉ còn tăng 10,2%, là mức tồn kho bình thường. Đến thời điểm hiện tại, một số ngành có các tập đoàn, tổng công ty tham gia ký kết có chỉ số tồn kho tăng thấp hơn so với mức tăng chung.


Đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, nhiều sản phẩm, hàng hóa đã lan tỏa rộng rãi trên thị trường; từ đó góp phần giảm giá thành phẩm cũng như hạn chế việc nhập khẩu hoặc phụ thuộc vào nguồn ngoại tệ. Nhìn chung, việc dùng hàng nội thay thế hàng ngoại đã phát huy tác dụng nhiều mặt, nhất là bảo đảm duy trì sản xuất tại các DN, duy trì việc làm cho người lao động cũng như ổn định an sinh xã hội trên diện rộng…


Theo ông Trần Quang Nghị, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), hợp tác theo thỏa thuận sử dụng hàng hóa, dịch vụ của nhau đã khuyến khích doanh nghiệp tận dụng các nguồn lực sẵn có tại thị trường nội địa để tạo ra các sản phẩm hàng hóa dịch vụ có chất lượng, giá cả phải chăng để phục vụ cho chính thị trường nội địa tiềm năng với hơn 90 triệu dân là hành động thiết thực hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Riêng với ngành dệt may nói chung và Vinatex nói riêng, đây còn là cơ hội tốt để thúc đẩy phát triển sản xuất và cung ứng nguyên phụ liệu như bông, xơ, sợi… giúp các doanh nghiệp sản xuất hàng dệt may tăng tính linh hoạt với thương hiệu nội địa, giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động, nâng cao hiệu quả ổn định kinh tế - xã hội.


Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, việc ký kết hợp đồng hợp tác cung cấp sản phẩm của giới DN là trực tiếp thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, tạo ra sự sôi động và khơi "dòng chảy" của thị trường. Qua đó, mỗi đơn vị đã tạo nên niềm tin với nhau để từ đó huy động các nguồn lực đầu tư, hiện đại hóa dây chuyền sản xuất. Thêm nữa thông qua việc thiết lập quan hệ đối tác, mua bán sản phẩm DN trưởng thành hơn, vươn lên làm chủ thị trường nội địa cũng như có thể gia tăng sức cạnh tranh với DN nước ngoài.

 

“Các tập đoàn, tổng công ty phải đầu tư nghiên cứu để cải tiến chất lượng các nguồn nguyên vật liệu, sản phẩm hàng hóa trong ngành, trong nước hướng tới đạt đến cấp độ tiêu chuẩn ngang tầm quốc tế. Hơn nữa, các đơn vị phải nghiên cứu sao cho giảm giá thành sản xuất, chi phí đầu vào nhằm đưa ra mức giá cạnh tranh nhất trên thị trường. Đặc biệt là mở rộng diện mặt hàng tham gia ký kết và tăng số lượng các sản phẩm đã ký kết thỏa thuận ưu tiên sử dụng lẫn nhau”.

 Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng

Thu Hường