11:06 15/11/2011

Mô hình Trung tâm giáo dục ở một số nước châu Á

Báo Le Monde (Pháp) có bài viết về xu hướng đầu tư cho giáo dục đại học tại một số nước châu Á hiện nay là xây dựng mô hình các Trung tâm giáo dục (Education hub), một dạng tổ hợp khu đại học quy hợp nhiều trường đại học danh giá của thế giới.

Báo Le Monde (Pháp) có bài viết về xu hướng đầu tư cho giáo dục đại học tại một số nước châu Á hiện nay là xây dựng mô hình các Trung tâm giáo dục (Education hub), một dạng tổ hợp khu đại học quy hợp nhiều trường đại học danh giá của thế giới. Education hub, hay Education City, giờ đây đang là một hướng đi được nhiều nước như Xinhgapo, Malaixia, Cata đặc biệt quan tâm đầu tư. Sự thành công của các trung tâm đại học này đang làm cho việc phân bổ tri thức trên thế giới thay đổi.

Tổ hợp đại học quốc tế - mô hình giáo dục ở một số nước châu Á. Ảnh: Internet


Cata giàu có như hiện nay là nhờ vào nguồn dầu mỏ dồi dào, nhưng chính phủ Cata nhận ra một điều là họ không thể đặt tương lai phát triển đất nước vào nguồn của cải trời cho mà phải xây dựng nguồn tài nguyên tri thức cho đất nước trong tương lai, đó là giáo dục. Theo ông Abdullah Ben Ali Al Thani, Phó Chủ tịch Quỹ phát triển giáo dục, được Le Monde trích dẫn, thì đầu tư cho tương lai đất nước chính là phải đầu tư thực sự cho thế hệ trẻ ngày nay.

Hiện tại, Cata đang tập trung xây dựng mô hình Education City (thành phố giáo dục), một hình thức tổ hợp giáo dục đại học trình độ cao. Theo Le Monde, trong bối cảnh toàn cầu hóa như hiện nay, các nước có nền kinh tế đang lên phải đối mặt với nhu cầu đào tạo trình độ cao ngày càng tăng. Một số nước đã xây dựng những tổ hợp giáo dục để thu hút những cơ sở đào tạo hàng đầu thế giới cũng như các giáo sư giỏi nhất để đào tạo ra các sinh viên xuất sắc nhất thế giới. Mục đích xây dựng các khu đại học siêu cao đó là hướng tới một “nền kinh tế tri thức”, một nét đặc trưng của thế kỷ 21. Trong lĩnh vực này có khu khu vực đang rất năng động. Các “Trung tâm giáo dục” đã xuất hiện ở châu Á như Malaixia, Xinhgapo và trong khu vực vùng Vịnh thì có Đubai của Tiểu vương quốc Arập Thống nhất và Cata. Ngoài ra nhiều nước khác như Marốc cũng đang bắt đầu triển khai những dự án đầy tham vọng về giáo dục.

Từ năm 1998, Cata đã khởi động dự án xây dựng tổ hợp Education City khổng lồ trên diện tích 1.400 ha với vốn đầu tư hàng tỷ USD được đặt ngay cửa ngõ của Đôha. Đến nay, khu tổ hợp giáo dục đại học này vẫn chưa hoàn thành, nhưng trong tương lai, đây sẽ là nơi tập trung tinh hoa đào tạo đại học của thế giới. 6 đại học danh giá của Mỹ đã cắm chân trong tổ hợp này, trong đó có thể kể ra như Đại học y Weil Cornell Medical College, Đại học quan hệ quốc tế Georgetow, hay về công nghệ có trường Texas A&M. Bên cạnh đó còn phải kể đến trường Cao đẳng Thương mại HEC danh tiếng của Pháp, rồi trường University College London. Các sinh viên theo học tại khu đại học Education City có thể tiếp cận đầy đủ thông tin, bài giảng và tài liệu như học ở chính quốc nhờ các trang thiết bị hiện đại nhất hiện nay. Một sinh viên trường công nghệ TexasA&M ở Đôha đã nói “tại sao cứ phải đi tận lục địa khác để học trong khi ở đây người ta có trong tầm tay những trường kỹ sư tốt nhất Mỹ? ”.

Vẫn theo báo Le Monde, Xinhgapo và Malaixia đang đặt mục tiêu phát triển một hệ thống đào tạo đại học hàng đầu ở châu Á. Các Tổ hợp Education City hay Education hub đang ngày càng thu hút nhiều sinh viên và giáo sư từ khắp nơi trên thế giới đến theo học và giảng dạy. Đảo quốc bé nhỏ Xinhgapo giờ đây thu hút tới 86.000 sinh viên ngoại quốc. Trong tương lai không xa hai nước này sẽ trở thành một trung tâm đại học của châu Á, quy tụ những tinh hoa giáo dục của thế giới.

TKT