12:00 09/12/2011

Mô hình kinh tế phương Tây không phù hợp với châu Á thế kỷ 21

Theo mạng tin "Project-syndicate", đến năm 2050, châu Á sẽ có hơn 5 tỷ dân, trong khi tỷ lệ dân số Liên minh châu Âu (EU) trong dân số toàn cầu sẽ giảm từ 9% xuống 5%.

Theo mạng tin "Project-syndicate", đến năm 2050, châu Á sẽ có hơn 5 tỷ dân, trong khi tỷ lệ dân số Liên minh châu Âu (EU) trong dân số toàn cầu sẽ giảm từ 9% xuống 5%. Mức tăng trưởng kinh tế trung bình của châu Á trong 30 năm là 5%/năm. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của châu Á được dự báo sẽ tăng từ mức 30.000 tỷ USD lên 230.000 tỷ USD vào năm 2050. Qua đó có thể thấy, cán cân quyền lực trong thế kỷ 21 đang dịch chuyển từ Tây sang Đông, cả về mặt xã hội, kinh tế và chính trị.

Những quan ngại của phương Tây về một "thế kỷ châu Á" sắp tới chủ yếu bắt nguồn từ tiền lệ địa chính trị của thế kỷ 20, trong đó phương Tây chi phối các nước kém phát triển hơn. Nhưng động lực này đang lỗi thời và châu Á sẽ phải chịu những tổn thất ngang phương Tây nếu tìm cách tranh đua với các đế quốc Anh và Mỹ trong các thế kỷ 19 và 20.

Khi sự phát triển kinh tế của châu Á đang tăng lên, mức tiêu dùng trong khu vực này cũng sẽ tăng. Các công ty đa quốc gia và các nước phương Tây đều có thể được lợi lớn từ mức tiêu dùng tăng cao của châu Á và họ đang khuyến khích người dân châu Á đạt được mức sống của phương Tây thông qua tăng cường sử dụng năng lượng, hàng điện tử và chế độ ăn nhiều thịt. Các chính phủ châu Á cũng nóng lòng được dẫn đầu tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Nhưng người châu Á không thể mong muốn, hay có khả năng tiêu dùng như người phương Tây, và các chính phủ châu Á phải đối mặt với thực tế này.

Trái Đất không thể nào đủ sức cung ứng cho 5 tỷ người châu Á tiêu dùng như những người phương Tây. Khả năng tái tạo của Trái Đất đã bị vượt quá từ 30 năm trước và hiện nay loài người sử dụng các nguồn tài nguyên nhiều hơn tới 30% so với mức Trái Đất có thể cung cấp. Mặc dù biết rõ điều đó, nhưng các nhà kinh tế và các tổ chức phương Tây vẫn tiếp tục khuyến khích Trung Quốc và Ấn Độ gia tăng tiêu dùng.

Các chính phủ châu Á cần từ chối xu hướng này. Còn các chính phủ phương Tây cần công khai thừa nhận không có khả năng hỗ trợ nhu cầu tiêu dùng vật chất cao hơn tại châu Á mà không làm biến đổi khí hậu và làm cạn kiệt các nguồn tài nguyên của Trái Đất. Các quan hệ thương mại kém quan trọng hơn nhiều so với việc tổ chức đối thoại giữa phương Tây và châu Á về cách thức sinh sống trong những giới hạn này.

Ví dụ các nhà lãnh đạo phương Tây quan ngại về biến đổi khí hậu phải hiểu rằng các công cụ kinh tế như buôn bán khí thải không phải là thuốc chữa bách bệnh. Tại châu Á, quản lý tài nguyên phải là trung tâm của hoạch định chính sách, có thể bao gồm những quy định nghiêm khắc, thậm chí cả lệnh cấm. Nếu không làm như vậy, việc thiếu tài nguyên sẽ đẩy giá hàng hóa tăng lên, tạo ra các cuộc khủng hoảng lương thực, nước, ngư nghiệp, lâm nghiệp, sử dụng đất, do đó dẫn đến mất công bằng xã hội lớn hơn.

Đối với châu Á, sự tăng trưởng do tiêu thụ dẫn đầu không phải là giải pháp, chứ đừng nói là giải pháp duy nhất. Có 3 nguyên tắc cơ bản giúp châu Á tránh được các cuộc khủng hoảng môi trường và xã hội. Thứ nhất, hoạt động kinh tế phải đứng sau việc duy trì các nguồn tài nguyên. Thứ hai, các chính phủ châu Á phải hành động để định giá lại các nguồn tài nguyên và tập trung vào tăng năng suất. Thứ ba, các nước châu Á phải đảm nhiệm vai trò trung tâm của họ là bảo vệ vốn tự nhiên và môi trường.

Điều đó có nghĩa là các chính phủ châu Á cần đóng vai trò lớn hơn các quan chức ở Mỹ và châu Âu trong việc quản lý cả kinh tế vĩ mô, lẫn các lựa chọn tiêu dùng cá nhân. Đôi khi, các chính phủ châu Á sẽ cần đề ra những hạn chế đối với việc sử dụng nguồn lực, và có những công cụ để đảm bảo rằng xã hội sẽ tôn trọng những hạn chế này. Ví dụ, họ nên bắt đầu bằng việc nhấn mạnh rằng sở hữu xe ô tô không phải là một quyền của con người. Các chính phủ phương Tây không nên phản ứng tiêu cực đối với các lựa chọn chính sách như vậy của châu Á, hoặc hiểu sai rằng những chính sách đó là chống tư bản, chống dân chủ. Phương Tây phải hiểu rằng hệ thống kinh tế dựa vào tiêu dùng của họ đã làm cạn kiệt các nguồn tài nguyên của thế giới và đó không phải là sự lựa chọn tốt đối với hầu hết các nước châu Á.

Thanh Hoa (P/v TTXVN tại Canađa)