02:09 07/02/2012

Mô hình công ty mẹ - công ty con gắn với cơ chế chủ mỏ, nhà thầu

Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (VINACOMIN) đang tập trung phát triển, từng bước đổi mới cơ chế sản xuất, kinh doanh để triển khai có hiệu quả mô hình công ty mẹ - công ty con gắn liền với cơ chế chủ mỏ, nhà thầu.

Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (VINACOMIN) đang tập trung phát triển, từng bước đổi mới cơ chế sản xuất, kinh doanh để triển khai có hiệu quả mô hình công ty mẹ - công ty con gắn liền với cơ chế chủ mỏ, nhà thầu. Đây cũng là hướng đi chính của VINACOMIN trong lộ trình tái cấu trúc hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình.

Dây chuyền vận chuyển than tại Công ty tuyển than Cửa Ông (Quảng Ninh). Ảnh: Minh Đông-TTXVN


VINACOMIN hiện là nhà sản xuất và cung cấp than chính ở Việt Nam với 95% tổng sản lượng than, cung cấp than cho ngành điện, công nghiệp sử dụng trong và ngoài nước; đầu tư vào phát triển nhà máy điện, thăm dò và chế biến khoáng sản, tham gia các ngành hóa chất, cơ khí, vật liệu xây dựng, thương mại và các hoạt động khác liên quan, hỗ trợ cho ngành chính là than và khoáng sản. Khó khăn trước mắt mà VINACOMIN phải đối mặt là nhu cầu than trong nước tăng cao (năm 2015 khoảng 58 - 62 triệu tấn và đến 2020 khoảng 111 - 123 triệu tấn), trong đó chủ yếu tăng là nhu cầu than cho điện. Các mỏ than lớn hiện ngày càng xuống sâu, đi xa với điều kiện khai thác khó khăn phức tạp hơn.

VINACOMIN hiện cũng đang gặp khó khăn trong việc tăng sản lượng khai thác. Vì để tăng sản lượng đòi hỏi nhu cầu vốn đầu tư cao, trong khi nguồn vốn tự có trong ngành hạn hẹp và giá bán than trong nước đang còn thấp hơn giá thành (giá bán cho điện bằng 60% giá thành), điều chỉnh theo cơ chế thị trường chậm được triển khai.

Để giải quyết những bất cập, tồn tại vốn có, VINACOMIN đã đề ra định hướng phát triển của của Tập đoàn là phát triển phải đảm bảo thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, hài hòa với lợi ích của địa phương, cộng đồng; hài hòa với đối tác và bạn hàng; hài hòa giữa các công ty thành viên và người lao động.
Ông Trần Xuân Hòa, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam cho biết: Để thực hiện định hướng trên VINACOMIN sẽ tiếp tục nâng cao năng lực quản trị và đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực; đầu tư xứng đáng cho công tác nghiên cứu, triển khai, ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm nâng cao năng suất lao động đi đôi với tiết kiệm chi phí và sản xuất an toàn, giảm tổn thất tài nguyên, nâng cao giá trị và đa dạng hóa lĩnh vực sử dụng thông qua chế biến sâu tài nguyên, giữ gìn môi trường đảm bảo cho phát triển bền vững.

Tập đoàn với các công ty thành viên và giữa các công ty thành viên sẽ phải ký hợp đồng với nhau để thực hiện kế hoạch phối hợp kinh doanh. Trong kế hoạch phối hợp kinh doanh thể hiện rõ khối lượng, chất lượng, tiến độ, giá cả của mỗi đơn vị tham gia kế hoạch.

Tài nguyên, trữ lượng than, bô xít và một số khoáng sản quan trọng thuộc sở hữu nhà nước, được Nhà nước giao cho công ty mẹ - VINACOMIN quản lý, tổ chức khai thác (thực hiện vai trò chủ mỏ). Công ty mẹ - giao thầu cho các công ty con hoặc các công ty khai thác, sàng tuyển, chế biến trên cơ sở hợp đồng giao nhận thầu. Bên nhận thầu khai thác, sàng tuyển, chế biến than, khoáng sản thuê cho bên giao thầu theo tiến độ, khối lượng, chất lượng phù hợp với các chỉ tiêu công nghệ, định mức kỹ thuật, kinh tế; được bên giao thầu thanh toán trọn gói trên đầu tấn theo công đoạn đến than nguyên khai hoặc đến than sạch tiêu thụ. Sản phẩm khoáng sản được tiêu thụ theo chất lượng và giá cả do hai bên thỏa thuận hoặc theo giá trúng thầu, giá do bên thầu đặt hàng phù hợp với quy định quản trị chi phí, giá thành, giá mua bán trong các công ty của VINACOMIN. Giá thành sản xuất, tiêu thụ sản phẩm được xác định trên cơ sở đơn giá công đoạn tổng hợp, sơ đồ công nghệ được xác lập chuẩn, phổ biến theo hướng tiên tiến, hiện đại.

Ngoài ra, trên cơ sở tài nguyên đã phân chia, VINACOMIN đã đề nghị với Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép lại cho các đơn vị thành viên theo bản đồ ranh giới mỏ và dự án đầu tư đã được duyệt. Cùng với đó VINACOMIN đã kiến nghị với Chính phủ tiếp tục duy trì mô hình Tập đoàn (Tổ hợp công ty mẹ - công ty con Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam). Vì các doanh nghiệp của Tập đoàn là những mắt xích ở các công đoạn của quá trình khai thác, vận chuyển, sàng tuyển, chế biến khoáng sản hoặc phục vụ, phụ trợ cho ngành sản xuất chính là khai thác khoáng sản.

Để tạo điều kiện bình đẳng giữa các doanh nghiệp và hiệu quả hoạt động của Tập đoàn, VINACOMIN sẽ áp dụng kế hoạch phối hợp kinh doanh; mô hình khoán, quản trị giá thành và giá bán nội bộ. Công tác kiểm soát chi phí, các biện pháp phòng ngừa, quản trị nội bộ và các hoạt động thanh tra, kiểm toán được tiến hành thường xuyên sẽ có tác động tích cực làm minh bạch công tác tài chính và ngăn ngừa tiêu cực.

Ông Trần Xuân Hòa, Chủ tịch Hội đồng thành viên VINACOMIN khẳng định, Tập đoàn đang tập trung mọi nguồn lực để hướng tới mục tiêu phát triển chung là: Phát triển công nghiệp than, khoáng sản, luyện kim, điện lực, hóa chất mỏ, cơ khí và các ngành nghề khác một cách bền vững; đáp ứng nhu cầu cơ bản về than của nền kinh tế. Hoàn thành các nhiệm vụ do Nhà nước giao góp phần bình ổn thị trường trong nước và tối đa hóa hiệu quả hoạt động của Tập đoàn. Đảm bảo kinh doanh có lãi, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước đầu tư tại tập đoàn; bảo vệ môi trường sinh thái; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội tại địa phương và phát triển cộng đồng; không ngừng nâng cao trình độ nghề nghiệp, đời sống vật chất, tinh thần của công nhân viên chức và người lao động.

Hồng Ninh