09:04 25/09/2014

Minh bạch trong thi tuyển công chức

Công tác tuyển dụng cũng như công tác cán bộ có một vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước. Tuy nhiên, làm sao để tìm được đúng người tài, đức vào bộ máy Nhà nước lại là vấn đề gây không ít bức xúc.

Công tác tuyển dụng cũng như công tác cán bộ có một vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước. Tuy nhiên, làm sao để tìm được đúng người tài, đức vào bộ máy Nhà nước lại là vấn đề gây không ít bức xúc.


Cạnh tranh với các suất “đối ngoại”


Đang là nhân viên một ngân hàng thương mại, nhưng khi biết tin Cục Thuế Hà Nội tuyển dụng công chức, chị Nguyễn Thu Hương (Kim Mã, Hà Nội) vẫn quyết định nộp hồ sơ. Chia sẻ về lý do thi tuyển, chị Hương cho biết, được làm cán bộ Nhà nước với mức thu nhập ổn định là ước mơ lâu nay của chị.

 

Tuyển chọn những người có năng lực vào bộ máy Nhà nước để hướng tới nền hành chính thực sự phục vụ dân. Trong ảnh: Hướng dẫn, tư vấn cho người nộp thuế tại bộ phận “một cửa” của Cục Thuế TP Hồ Chí Minh.
Ảnh: Hoàng Hùng - TTXVN


Mặc dù biết tỉ lệ chọi rất cao, chị Hương vẫn hy vọng sẽ có cơ hội cho mình. Khi được hỏi với những vụ việc được phanh phui trong thời gian vừa qua, chị có tin thi cử sẽ công bằng, chị Hương cho rằng: “Có thể ở một số nơi hiện nay thi tuyển không minh bạch, có tình trạng “con ông cháu cha” hay được ưu tiên… nhưng với chỉ tiêu lớn như vậy (340 chỉ tiêu vào Cục Thuế Hà Nội - PV) thì vẫn có hy vọng cho những người có năng lực vì ở cơ quan nhà nước, có người vào chỉ ngồi chơi thì vẫn phải có người biết làm việc”.


Trao đổi với phóng viên Tin Tức về vấn đề này, GS. TS Nguyễn Hữu Khiển, nguyên Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia cho biết, xu hướng thích vào làm các cơ quan nhà nước là có thật và chuyện xếp hàng dự tuyển vào công chức đang diễn ra ở nhiều ngành chứ không riêng gì ngành thuế. “Thế nhưng có một thực tế là trong các doanh nghiệp cũng như các cơ quan hành chính sự nghiệp Nhà nước, những mối quan hệ hầu như đã chiếm số áp đảo và có rất ít cơ hội cho những người có năng lực thực sự. Hậu quả là, hiện nay, một số người tốt nghiệp đại học, cao đẳng không tìm được việc làm đã phải giấu bằng cấp của mình để đi làm công nhân tại các khu công nghiệp. Đây là những điều rất đáng suy nghĩ về thực trạng quan hệ giữa nhu cầu việc làm và cung của khu vực sản xuất dịch vụ”, GS. TS Nguyễn Hữu Khiển phân tích.


Lý giải về tình trạng “người nhà” rất đông vui trong một cơ quan, GS. TS Nguyễn Hữu Khiển cho rằng đó là do các quy định chức năng nhiệm vụ và biên chế, nhất là hành chính sự nghiệp còn lỏng lẻo; chưa rành mạch quyền được giao và quyền tự chủ. “Tôi lấy ví dụ, một trường đại học công lập ghi rõ hàng năm được tuyển bao nhiêu tương ứng với biên chế và trang thiết bị. Khi trao quyền thì họ có quyền tự chủ về nhân sự nên rất dễ tuyển thêm. Chính phần tuyển thêm này rất “du di” trong công việc và quan hệ. Chẳng hạn như, năm ngoái tôi giúp anh lên hiệu trưởng, nay tôi gửi một cháu thì anh thấy thế nào?... Nếu tôi làm hiệu trưởng thì chắc chắn tôi cũng chịu những sức ép như thế”, ông Khiển cho hay.


Theo GS. TS Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp (Ủy ban Thường vụ Quốc hội), tất cả đều là con người nên hình thức nào cũng có thể bị tác động dẫn đến tồn tại những kẽ hở trong thi cử, tuyển chọn. “Trước đây, khi còn giữ cương vị Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ của Bộ Thủy sản (cũ), đảm nhiệm Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng thi, tôi là người trực tiếp thuê ra đề, quản lý đề mà cuối cùng vẫn có người khả năng bình thường lại đạt điểm cao. Sau này tìm hiểu tôi được biết người này có đi ôn các thầy là những người ra đề, trong quá trình ôn cũng có “chuyện” giữa thầy và trò mà mình không nắm hết được”, ông Thảo dẫn chứng.


Cần cơ chế bảo đảm khách quan


Vì vậy, để hướng tới sự công khai, minh bạch trong thi tuyển công chức, PGS. TS Đinh Xuân Thảo cho rằng, vấn đề là cơ chế để bảo đảm khách quan. “Thực ra vẫn còn vài nơi làm tốt như Bộ Tư pháp. Bộ tổ chức thi tuyển công khai, đầu tiên thuê trường đại học tổ chức thi ngoại ngữ, như thế đã chọn lọc được rất nhiều người. Sau đó những người này về hội đồng thi của Bộ để sàng lọc thêm một lần nữa. Trước khi thi nên có sơ tuyển bởi một hội đồng, qua đó có thể người ta sẽ đánh giá khách quan, loại đi được những người theo kiểu được định hướng bởi người chủ trì”, ông Thảo cho biết.


Để các kì thi tuyển công chức bảo đảm tính nghiêm túc, hạn chế tiêu cực, PGS. TS Đinh Xuân Thảo đề xuất các kỳ thi này có thể giao cho một cơ quan làm thống nhất. Chẳng hạn, có thể giao Bộ Nội vụ làm nhiệm vụ thi tuyển tiêu chuẩn “cứng” của một công chức, viên chức, cấp giấy chứng nhận có giá trị chung trong thời gian 2 - 3 năm. Khi đỗ kỳ thi này, thí sinh có thể ứng thí vào tất cả cơ quan nhà nước. Khi đó, các bộ, ngành cần tuyển công chức chỉ tổ chức thi chuyên môn, nghiệp vụ. “Điều này bảo đảm yếu tố sàng lọc. Nếu “con ông cháu cha” không qua được kỳ thi của Bộ Nội vụ cũng không đủ tiêu chuẩn thi vào các bộ, ngành”, ông Thảo nhấn mạnh.


Còn theo GS. TS Nguyễn Hữu Khiển, muốn giải quyết tận gốc hiện tượng tiêu cực trong thi cử thì cần trao quyền và quy trách nhiệm cho người đứng đầu. Người đứng đầu đứng ra tuyển dụng nhưng nếu nhân viên của mình làm không tốt thì không chỉ nhân viên đó bị sa thải mà ngay cả người đứng đầu cũng phải bị mất chức. Phải có cam kết như thế thì đến con mình họ cũng không dám đưa vào. Hãy để người đứng đầu đơn vị có quyền và chịu trách nhiệm chính về bộ máy của họ. Tránh để tình trạng bổ nhiệm, đề bạt cán bộ theo quy hoạch cho đến lúc có sự cố thì chẳng ai chịu trách nhiệm cả. “Qui chế tuyển dụng của ta “chi tiết nhất thế giới”, nhưng nếu thêm chi tiết nữa vẫn không giải quyết được. Cái gốc là không có người chịu trách nhiệm”, ông Khiển nhấn mạnh.


Bên cạnh đó, theo ông Khiển, việc tuyển dụng cũng cần hướng tới việc thiếu vị trí nào thi vị trí đó. Mỗi địa phương có một phòng thi chuyên nghiệp như: bàn ghế chuẩn, phương tiện chuẩn, đề thi, các bài làm, phỏng vấn đều được công khai trên mạng… “Tôi sẵn sàng đứng ra giúp một hội đồng thi như thế nếu họ yêu cầu”, GS. TS Nguyễn Hữu Khiển cho biết.


Thu Phương