01:09 11/01/2012

Miền Bắc đón Tết Nhâm Thìn trong giá rét

“Mùa đông năm nay, không khí lạnh ở miền Bắc sẽ duy trì lâu, có thể kéo dài đến hết tuần đầu tháng 3/2012. Như vậy, Tết Nhâm Thìn năm nay, miền Bắc sẽ chìm trong rét!”, một chuyên gia khi tượng thủy văn dự báo...

“Mùa đông năm nay, không khí lạnh ở miền Bắc sẽ duy trì lâu, có thể kéo dài đến hết tuần đầu tháng 3/2012. Như vậy, Tết Nhâm Thìn năm nay, miền Bắc sẽ chìm trong rét!”, chuyên gia Đào Thị Thúy, Trưởng phòng Dự báo khí hậu, Trung tâm Nghiên cứu khí tượng – khí hậu, Viện Khoa học khí tượng thủy văn và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường dự báo.

Chuẩn bị đón Tết cổ truyền, nhưng các hộ gia đình ở các tỉnh miền núi phía Bắc vẫn không quên chống rét cho đàn gia súc. Ảnh: Khánh Trung - TTXVN


Cơ sở của dự báo về đợt rét bao trùm Tết năm nay được tổng hợp từ các mô hình dự báo khí hậu của Viện Khoa học khí tượng thủy văn và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và các nguồn như: Cơ quan khí quyển và đại dương Mỹ (NOA), Viện Nghiên cứu khí hậu và xã hội (IRI), Trung tâm Dự báo thời tiết hạn vừa châu Âu (ECMWF), Trung tâm Khí hậu Quốc gia Ôxtrâylia (NCC).

Bản tin dự báo của IRI cuối năm 2011 cho rằng: Đa số các mô hình thống kê và động lực đều dự báo, các điều kiện khí quyển và đại dương tiếp tục nghiêng về phía pha lạnh (La Nina).

Theo bà Thúy, nếu so với những năm bình thường (những năm không xảy ra El Nino – pha nóng hoặc La Nina – pha lạnh), các điều kiện đại dương hiện tại đang nghiêng về pha lạnh. Cụ thể, trong điều kiện bình thường, mặt nước biển tại khu vực này khoảng 26 độ C thì hiện nay, nhiệt độ đang vào khảng dưới 25 độ C. Nếu nhiệt độ này tiếp tục thấp dần thì sẽ lan truyền sang Việt Nam, đây được gọi là hiện tượng La Nina. Do đó, mùa đông này, khí hậu của Việt Nam lạnh hơn so với các mùa đông bình thường. Lạnh hơn trung bình mùa của các tháng 10, 11, 12 năm 2010 là 0,8 độ C.

Đợt lạnh này tuy không rét bằng đợt lạnh đầu năm 2011 (khi đó Sa Pa của Lào Cai và đỉnh Mẫu Sơn của Lạng Sơn có tuyết), nhưng sẽ lạnh hơn khá nhiều so với các mùa đông thông thường. Ví dụ, với đợt lạnh hiện tại, một số huyện của các tỉnh miền núi đã có băng, tuyết.

Thực tế đợt lạnh diễn ra từ cuối tháng 12/2011 đến đầu tháng 1/2012 cho thấy, các đợt không khí lạnh xâm nhập liên tục. Mô hình dự báo của Viện Khoa học khí tượng thủy văn và môi trường và các căn cứ khoa học cho thấy, các đợt không khí lạnh này sẽ còn liên tục bổ sung trong thời gian tới. Theo đó, Tết Nguyên đán năm nay sẽ là “Tết lạnh”, người miền Bắc sẽ được hưởng “trọn vẹn” mùa đông.

Lưu lượng mưa trong các đợt không khí lạnh cũng xấp xỉ cao hơn trung bình các mùa đông trong vài năm lại đây. Nhưng mưa thì chỉ tập trung ở vùng Bắc Trung bộ (từ Thanh Hóa vào Quảng Bình) vì diễn biến đường đi của không khí lạnh năm nay cũng khác so với các năm. Hướng đi của khí lạnh luôn hướng ra biển rồi mới tràn vào đất liền. Theo dõi các đợt không khí lạnh từ đầu năm đến nay, chưa có đợt không khí lạnh nào tràn thẳng từ Trung Quốc trực tiếp xuống các tỉnh phía Bắc của nước ta gây mưa lớn trước khi có khí lạnh như các năm trước. Tuy nhiên, dù khu vực Bắc bộ ít mưa nhưng mùa đông năm nay vẫn là mùa đông ẩm.

Xuân Hương