09:23 23/09/2012

MICA mở ra con đường mới để phát triển khoa học

Nếu ai đã ghé thăm Hội chợ Techmark 2012 đang diễn ra tại Hà Nội hẳn rất thú vị khi gặp những chú rô bốt thông minh làm nhiệm vụ giới thiệu và hướng dẫn các hiện vật được trưng bày tại các bảo tàng.

Nếu ai đã ghé thăm Hội chợ Techmark 2012 đang diễn ra tại Hà Nội hẳn rất thú vị khi gặp những chú rô bốt thông minh làm nhiệm vụ giới thiệu và hướng dẫn các hiện vật được trưng bày tại các bảo tàng. Chỉ cần đặt câu hỏi, rô bốt kể hẳn một câu chuyện dài về lịch sử văn hóa, nguồn gốc... của hiện vật.

 

Tác giả sáng chế ra những chú rô bốt ấy là TS. Nguyễn Quốc Cường và các cộng sự tại Viện Nghiên cứu quốc tế đa phương tiện, truyền thông và ứng dụng gọi tắt là MICA, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

 

Từ gian phòng thông minh sử dụng giọng nói Việt


Các thành tựu phát triển công nghệ mới trong lĩnh vực xử lý tiếng nói, xử lý hình ảnh, tương tác người - máy đa phương thức và xử lý thông tin đa phương tiện... mà Trung tâm MICA đạt được trong 10 năm qua kể từ ngày thành lập (11/2002) thật đáng ngưỡng mộ. Các kết quả ấy hoàn toàn có thể nhìn và cảm nhận được khi ghé thăm gian phòng thông minh tại nơi làm việc mà các nhà khoa học ở MICA đã tạo ra. Bước vào cửa, không cần cầm điều khiển, chỉ cần cất giọng (bằng ngôn ngữ Việt): bật VTV 3, bật điều hòa 25 độ... lập tức các thiết bị trong phòng sẽ làm đúng ý bạn. Tất cả như gợi nhớ về câu chuyện cổ: chỉ bằng một tiếng gọi “Vừng ơi” - một cánh cửa MICA đã mở ra, cho thấy một con đường mới, một cách làm mới để tạo bước đột phá trong phát triển khoa học công nghệ, hội nhập quốc tế.


GS. Phạm Thị Ngọc Yến, Giám đốc MICA, cũng là nữ GS trẻ nhất Việt Nam cho biết: MICA ra đời đánh dấu mối quan hệ hợp tác hiệu quả vốn có giữa trường ĐHBK Hà Nội và Viện ĐHBK quốc gia Grenoble. Ngày 16/5/2006, Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS), sau hai vòng đánh giá, đã chính thức công nhận Trung tâm MICA là một trong 7 đơn vị nghiên cứu quốc tế hỗn hợp của Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp tại nước ngoài (với mã số quốc tế UMI - 2954) và là một trong ba đơn vị hỗn hợp ở châu Á. MICA trở thành nơi có phòng thí nghiệm (PTN) chịu sự quản lý của ba đồng đối tác là ĐHBK Hà Nội, CNRS và INPG (Hiệp hội các trường ĐH Pháp).


“Cứ hai năm trong một chặng bốn năm, CNRS lại kiểm tra một lần. Không đạt là loại! MICA đã qua hai chặng, là tám năm rồi” - GS. Yến tự hào nói.


Với việc thừa nhận này, thông qua CNRS, các chương trình đào tạo của MICA được thừa nhận trong toàn hệ thống châu Âu.


Cùng với hoạt động nghiên cứu khoa học, MICA đã tham gia đào tạo 38 tiến sỹ, hàng trăm thạc sỹ, hướng dẫn tốt nghiệp cho hàng trăm lượt sinh viên của các khoa liên quan trong trường. Các NCS làm việc theo chế độ đồng hướng dẫn, mỗi năm làm việc một nửa thời gian ở MICA và một nửa thời gian tại các phòng thí nghiệm của đối tác quốc tế.


Trong 10 năm qua, tổng kinh phí học bổng tiến sĩ, thạc sĩ, thực tập sinh ngắn hạn ở nước ngoài do MICA khai thác được đạt tới hơn 700.000 USD. Tổng kinh phí chi trả học bổng cho NCS, cao học và cấp cho cán bộ trẻ theo học các khóa bồi dưỡng chuyên môn ngắn hạn từ nguồn kinh phí của các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học của MICA lên tới hàng tỷ đồng.


Mỗi năm, MICA đón nhận hàng chục lượt học viên cao học, NCS, chuyên gia là người nước ngoài... đến thực tập, hợp tác nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm và chuyển giao công nghệ. MICA đang có quan hệ hợp tác với hơn 100 đối tác của các trường đại học và nhiều cơ quan, tổ chức quốc tế của 22 quốc gia và vùng lãnh thổ.


Đến sự thành công của một mô hình


Với mô hình tổ chức hoạt động của mình, MICA đã thực hiện thành công phương châm gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu khoa học và đào tạo, đặc biệt là đào tạo trình độ cao.


GS. Nguyễn Trọng Giảng, Hiệu trưởng ĐHBK Hà Nội là người sáng lập MICA chia sẻ: Việc đầu tiên mà ông và các cộng sự làm khi gây dựng hình hài cho MICA là nỗ lực thuyết phục và thu hút hợp tác quốc tế để có môi trường làm việc tốt nhất cho đào tạo trình độ cao và nghiên cứu khoa học. CNRS đồng ý tài trợ dự án. Trường cũng được chấp nhận cơ chế lấy đối ứng từ kinh phí sau đại học.


Theo GS. Nguyễn Trọng Giảng: “Đào tạo được một đội ngũ đông đảo cán bộ khoa học trình độ cao là một việc không dễ, nhưng làm thế nào để giữ và phát huy được năng lực của đội ngũ đó còn khó hơn nhiều. Ý tưởng xây dựng các đơn vị hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học và đào tạo trình độ cao theo mô hình hỗn hợp, nhằm tạo môi trường làm việc, phát huy sáng tạo cho các cán bộ khoa học trẻ sau khi được đào tạo ở nước ngoài đã được ấp ủ. MICA là mô hình nghiên cứu hỗn hợp quốc tế duy nhất cho đến nay trong các trường đại học Việt Nam. Từ thành công của MICA, đến nay Trường ĐHBK Hà Nội đã có thêm hai đơn vị nghiên cứu hỗn hợp quốc tế mới là Trung tâm Nghiên cứu quốc tế về Định vị bằng vệ tinh (NAVIS) và về Khoa học vật liệu tính toán (ICCMS)”.


Hoàng Hoa