03:18 08/03/2015

MH370 - Bí ẩn lớn của lịch sử hàng không

“Chúc ngủ ngon 370 Malaysia”. Đó là lời cuối cùng mà người ta nghe thấy từ cơ trưởng chuyến bay MH370 của Malaysia Airlines mất tích bí ẩn cách đây một năm.

“Chúc ngủ ngon 370 Malaysia”. Đó là lời cuối cùng mà người ta nghe thấy từ cơ trưởng chuyến bay MH370 của Malaysia Airlines mất tích bí ẩn cách đây một năm. Một câu nói bình thường trên MH370 với trạm kiểm soát không lưu cho thấy mọi việc đều ổn. Tuy nhiên, bí ẩn về thảm kịch MH370 phía sau câu nói đó đến bây giờ vẫn chưa ai lý giải nổi.

Tiếp tục tìm kiếm

Sau khi cất cánh chưa đầy một giờ trên đường bay từ thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia tới thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc, chiếc Boeing 777 nói trên biến mất khỏi màn hình radar chính xác lúc 1 giờ 21 ngày 8/3/2014 cùng 239 hành khách và phi hành đoàn. Đến nay thế giới vẫn không có chút manh mối chính xác nào về MH370.

Chưa tìm thấy mảnh vỡ nào trôi nổi, chưa phát hiện thân máy bay nào nằm dưới lòng biển. Thế giới vẫn đang “ngập lụt” giữa vô số giả thiết về số phận chuyến bay: từ phi công tự sát, bị không tặc khống chế, bị bắn rơi cho đến bị người ngoài hành tinh bắt cóc. Tuy nhiên, giả thiết nào cũng có điểm yếu và đều không có bằng chứng.

Từ đó đến nay, hàng chục quốc gia đã nỗ lực tìm kiếm bằng mọi nguồn lực, máy móc thiết bị tối tân nhất trong một chiến dịch tốn kém nhất mọi thời đại. Tổng cộng 93 triệu USD đã được Malaysia và Australia “rót” xuống biển, ban đầu là ở Biển Đông, về sau là vùng biển Ấn Độ Dương, nhưng không thu lại được gì.

Số phận máy bay MH370 vẫn là một điều bí ẩn.


Dù vậy, chính phủ Malaysia ngày 8/3 cam kết với thân nhân những người có mặt trên MH370 rằng họ sẽ không từ bỏ nỗ lực tìm kiếm các nạn nhân. Trong một tuyên bố, Thủ tướng Malaysia Najib Razak nói: “Sự biến mất của MH370 là chưa từng có tiền lệ và chiến dịch tìm kiếm chiếc máy bay cũng chưa từng có tiền lệ. Đến nay, đây là thách thức phức tạp nhất trong lịch sử hàng không. Malaysia vẫn cam kết tìm kiếm và hi vọng sẽ tìm thấy MH370”.

Về phần mình, Thủ tướng Australia Tony Abbott cho biết cuộc tìm kiếm máy bay sẽ tiếp tục chừng nào còn có cơ hội thành công. Nếu không thành công với khu vực này, Australia định thực hiện cuộc tìm kiếm nữa trên một khu vực khác vì thân nhân của người trên MH370. Ông nói: “Chúng tôi tự tin sẽ tìm thấy máy bay”.

Nỗi đau chưa dứt

Thảm kịch MH370 đã để lại một vết thương lớn, một nỗi đau không thể nguôi ngoai với người nhà các nạn nhân cho dù một năm đã trôi qua. Các bác sĩ cảnh báo nhiều thân nhân đang đối mặt với chấn thương tâm lý kéo dài, thậm chí vĩnh viễn.
Đối với cậu con trai 9 tuổi của Tan Ser Kuin - một thành viên phi hành đoàn biến mất cùng MH370, việc sống thiếu mẹ là một điều khó khăn. Vẫn đi học hàng ngày nhưng thỉnh thoảng giữa giờ học, em lại bật khóc. Bé thường xuyên tưởng tượng mẹ sẽ nói gì hoặc làm gì trong từng tình huống cụ thể. Một năm vẫn không thể giúp cậu bé hàn gắn vết thương trong lòng mình, cũng như trong lòng bố và em gái 7 tuổi. Tình trạng kéo dài đến mức hai anh em đã được bố đưa đến gặp bác sĩ tâm lý để vượt qua nỗi đau mất mẹ.

Để đối diện với sự thật, các gia đình nạn nhân của chuyến bay MH370 đã xích lại gần nhau trong cơn tuyệt vọng, tìm cách vượt qua nỗi đau và tiếp tục hành trình tìm kiếm người thân. Trong khi nhiều người từ lâu đã chấp nhận tuyên bố của chính phủ rằng người thân của họ đã chết, nhiều người khác vẫn tiếp tục kiến nghị chính phủ nghiên cứu chi tiết, phân tích kỹ thuật để có câu trả lời.

Bà Grace Subathirai Nathan, một người có mẹ trên chuyến bay nói: “Chúng tôi không thể tiếp tục, chúng tôi không thể từ bỏ vì chúng tôi không biết chuyện gì xảy ra”. Theo giáo sư khoa học xã hội gia đình Pauline Boss thuộc Đại học Minnesota (Mỹ), mất người thân chưa tìm thấy là điều đặc biệt đau khổ, tình trạng mà bà gọi là “mất mát mơ hồ” – loại mất mát khó khăn nhất mà con người từng chịu đựng.   


Thùy Dương