Ngày 6/2, Ngoại trưởng Uruguay Rodolfo Nin Novoa và Ngoại trưởng Mexico Marcelo Ebrand đã công bố "Cơ chế Montevideo", trong đó đưa ra lộ trình tổng thế về cuộc đối thoại hướng tới giải pháp chính trị tại Venezuela giữa Tổng thống Nicolas Maduro và phe đối lập.
Theo trang tin tức của kênh truyền hình Telesur, trong một cuộc họp báo diễn ra tại thủ đô Montevideo, ngoại trưởng hai nước cho biết tiến trình này gồm 4 giai đoạn: giai đoạn đầu tiên hướng tới một cuộc đối thoại ngay lập tức và tìm một kênh iên lạc chung giữa các bên liên quan trong cuộc khủng hoảng chính trị tại Venezuela; giai đoạn thứ hai dành cho các cuộc thương lượng, các bên thông báo kết quả của những cuộc đối thoại này và cố gắng tìm ra điểm chung giữa các bên; giai đoạn thứ ba sẽ hướng tới các thỏa thuận giữa các bên; và giai đoạn cuối cùng là triển khai, cụ thể hóa các văn kiện đã được nhất trí với dự ủng hộ của cộng đồng quốc tế.
Liên quan đến việc bầu cử tổng thống trước thời hạn, ngoại trưởng Mexico và Urugyay nhấn mạnh không đưa vấn đề này trở thành điều kiện để tiến hành đối thoại. Hai nước cho rằng nêu điều kiện tiến hành bầu cử tổng thống trước thời hạn sẽ cản trở tiến trình đối thoại và tốt hơn hết là các bên nên đối thoại không điều kiện.
Những đề xuất trên đã nhận được sử ủng hộ của các nước thành viên Cộng đồng các quốc gia Caribe (CARICOM).
Cùng ngày, Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez cảnh báo ý tưởng viện trợ nhân đạo cho Venezuela chính là một lý do nữa để Mỹ tiến hành cuộc can thiệp quân sự vào quốc gia Nam Mỹ.
Theo phóng viên TTXVN tại La Habana, trong thông điệp phát trên mạng xã hội Twitter, Bộ trưởng Ngoại giao Cuba nhấn mạnh Washington chính là "tác giả" của âm mưu đảo chính tại Venezuela, và “viện trợ nhân đạo” chỉ là cái cớ để tấn công quân sự. Ngoại trưởng Rodriguez cũng tuyên bố lịch sử sẽ phán xét một cách nghiêm minh những kẻ đồng lõa khác.
Mới đây, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Cuba cũng lên tiếng kêu gọi ngăn chặn “sự can thiệp của đế quốc” tại Mỹ Latinh.
Cuba là một trong những nước có tiếng nói ủng hộ mạnh mẽ chính quyền của Tổng thống Maduro cũng như lên án âm mưu đảo chính tại quốc gia Nam Mỹ. Trước đó, trong bài phát biểu nhân kỷ niệm 60 năm cuộc Cách mạng Cuba, Bí thư Thứ nhất Đảng Cộng sản Cuba, Raul Castro (Ra-un Ca-xtơ-rô), cũng khẳng định không một sự đe dọa nào có thể ngăn cản tình đoàn kết giữa La Habana và Caracas.
Liên quan đến vấn đề này, tại một cuộc họp báo về tình hình viện trợ nhân đạo cho người dân Venezuela, người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ), ông Stephane Dujarric cho nhấn mạnh viện trợ nhân đạo LHQ nên dựa trên những nhu cầu cần thiết và được tiến hành phù hợp với các nguyên tắc về tính nhân văn, tính trung lập, công bằng và độc lập. Theo người phát ngôn của TTK, các hoạt động hỗ trợ nhân đạo phải độc lập với với chính trị, quân sự và các mục đích khác. Ông đồng thời cho rằng các cuộc đối thoại chính trị nghiêm túc là cần thiết để tìm kiếm một giải pháp về hòa bình lâu dài tại Venezuela.
Trong khi đó, nhiều nước khác tiếp tục lên tiếng bảo vệ chính quyền của Tổng thống Maduro. Chính phủ Slovakia đã từ chối công nhận chức danh tự phong "tổng thống lâm thời" của lãnh đạo phe đối lập tại Venezuela Juan Guaido.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Slovakia cho biết nước này đã xem nhà lãnh đạo phe đối lập Guaido là đại diện hợp pháp duy nhất của người dân Venezuela, đồng thời kêu gọi nước này tiến hành bầu cử mới. Tuy nhiên trong cuộc họp nội các ngày 6/2, Bộ trưởng Ngoại giao Slovakia Niroslav Lajcak đã không tìm được sự ủng hộ cho vấn đề này khi hai trong số ba đảng trong liên minh cầm quyền phản đối. Tại cuộc họp, lãnh đạo đảng Dân chủ Xã hội (Smer) cánh tả cầm quyền Robert Fico nhận thấy tình hình tại Venezuela đang rất phức tạp, đồng thời cho rằng Slovakia nên hành động trong khuôn khổ các nguyên tắc của luật pháp quốc tế. Cũng giống đảng Smer cầm quyền, đảng Dân tộc Slovakia (SNS) cũng cho rằng nước này nên giữ thái độ trung lập trong khi chỉ có đảng Dân tộc người Hungary (Most-Hid) trong liên minh cầm quyền ủng hộ lập trường của Liên minh châu Âu (EU).
Được biết hiện có khoảng 20 nước thành viên EU, trong đó có Anh, Đức, Pháp và Tây Ban Nha đã cùng với Mỹ công nhận lãnh đạo phe đối lập Venezuela Guaido là "Tổng thống lâm thời", đồng thời gây sức ép yêu cầu Tổng thống Maduro kêu gọi bầu cử.
Trước đó hôm 4/2, Italy đã ngăn chặn Liên minh châu Âu (EU) ra một tuyên bố chung công nhận chức danh tự phong "tổng thống lâm thời" của lãnh đạo phe đối lập tại Venezuela Guaido.