03:10 11/03/2011

Mẹ chồng - Mẹ đẻ

Ngay từ ngày đầu tiên bước về nhà chồng, tôi đã khá e ngại chuyện quan hệ mẹ chồng - nàng dâu. Cũng chính vì thế, quan điểm sống của tôi khi ấy rất rõ ràng: “Tôi chỉ có mỗi mẹ mình ở nhà, còn mẹ này là mẹ của chồng tôi”.

Ngay từ ngày đầu tiên bước về nhà chồng, tôi đã khá e ngại chuyện quan hệ mẹ chồng - nàng dâu.


Cũng chính vì thế, quan điểm sống của tôi khi ấy rất rõ ràng: “Tôi chỉ có mỗi mẹ mình ở nhà, còn mẹ này là mẹ của chồng tôi”.


Dù hiểu rằng với đạo làm con, tôi phải chăm sóc và hiếu nghĩa với người đã sinh ra chồng mình nhưng tôi vẫn không thoát khỏi nỗi ám ảnh ấy.

Thế rồi, cuộc sống bộn bề với bao lo toan cơm áo gạo tiền cuốn tôi theo. Tôi dần quên đi cái suy nghĩ nặng nề ấy, bởi từ ngày tôi về làm dâu, tôi và mẹ chồng chưa hề có va chạm hay xích mích chuyện gì.


Có lẽ, vì mẹ chồng tôi là người phụ nữ chu toàn, còn tôi không phải là đứa con dâu trái đạo.

Ngày lại ngày trong ngôi nhà ấy vẫn là góc trời riêng của hai người phụ nữ. Tôi và mẹ vẫn cùng sống, cùng chung lo cho một gia đình. Hai người phụ nữ hết sức tôn trọng nhau nhưng hình như giữa chúng tôi vẫn chỉ có gia đình chung chứ chưa tìm được sự đồng cảm với nhau.

Cuộc sống chắc vẫn lặng lẽ và bình yên trôi như thế. Mãi cho đến ngày tôi “vượt cạn”. Mẹ đẻ của tôi đang trên chuyến xe từ Bắc vào Nam để chăm sóc tôi.

Nhưng lúc tôi gian nan nhất, nỗi đau khi trở dạ sinh con cứ ngỡ làm tôi chết đi sống lại thì một bàn tay nắm lấy bàn tay tôi. Cũng là bàn tay truyền sức mạnh, là sự hy vọng, kỳ vọng mà tôi đặt tất cả chút sức lực, chút niềm tin còn lại của mình vào đó.


Mẹ chồng tôi! Rồi khi ấy cũng là lúc tôi hiểu mình đã sống. Hơn bao giờ hết, tôi cảm nhận được sự thiêng liêng của hạnh phúc làm mẹ.

Những ngày tôi ở cữ, được mẹ chồng chăm sóc, yêu thương, tôi khỏe dần lên. Và tôi hiểu rằng, cuộc đời này tôi có cùng lúc hai người mẹ: Người đã sinh ra tôi và người đã sinh ra chồng tôi. Đó đều là mẹ của tôi.

Vốn dĩ cái khoảng cách giữa mẹ chồng và nàng dâu ở thời nào cũng vậy, đều do chính những người trong cuộc tự tạo nên. Ngày xưa các cụ có câu: “Thương chồng phải lụy mụ già/Suy đi nghĩ lại có bà con chi”. Nhưng tại sao chúng ta không nghĩ “thương chồng” thì sao không thể coi mẹ chồng là mẹ mình. Tại sao không hóa giải mối quan hệ giữa hai người phụ nữ?

“Không bà con chi” nhưng sống chung dưới một mái nhà thì rồi cũng thành thân thiết. Chúng ta phận là con thì tại sao không chủ động cho đi để rồi nhận lại nhiều hơn. Mẹ nào mà chẳng thương con. Dù con nào cũng vậy, phải biết gửi gắm vào cha mẹ một tình yêu, một sự quý trọng. Rồi chúng ta sẽ thấy mình nhận lại được nhiều hơn thế.

Mẹ chồng - nàng dâu không chỉ đơn giản là hai người phụ nữ sống chung một mái nhà, không chỉ là tiếng gọi mẹ - gọi con mà còn phải cùng làm cho một người được hạnh phúc. Đó là anh ấy - con trai của mẹ và là chồng của mình, cũng là “nhịp cầu nối” cho mối quan hệ phức tạp này.

Giờ đây, tôi sống trong gia đình chồng và luôn cảm thấy mình là người phụ nữ hạnh phúc. Tôi được yêu thương, được chia sẻ không chỉ với chồng con mà còn có một điểm tựa hết sức vững chắc, đó chính là mẹ chồng tôi.


Tôi chợt nhận ra rằng, cuộc sống đơn giản là hãy cho đi tình cảm chân thành thì mới hy vọng được nhận lại yêu thương hoàn hảo. Và minh chứng cụ thể nhất chính là tình cảm mà mẹ chồng đã dành cho tôi, đầy yêu thương và ý nghĩa. Cảm ơn cuộc đời đã cho tôi có hai người mẹ, để giờ đây tôi biết rằng mẹ chồng - mẹ đẻ đều tuyệt vời như nhau.

Trần Thị Thúy Nga (số 37/B Eabhok, Cư Kuin, Đắk Lắk)

(Theo PNVN)