08:10 09/08/2012

Máy bay tam giác– tương lai của hàng không dân dụng

NASA và tập đoàn Boeing đang thử nghiệm một loại máy bay chở khách có hình tam giác. Thiết kế này “hy sinh” các cửa sổ nhằm mở rộng công suất, tiết kiệm nhiên liệu và được hy vọng sẽ mở ra một tương lai mới cho hàng không thế giới.

Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) và tập đoàn Boeing đang thử nghiệm một loại máy bay chở khách có hình tam giác. Thiết kế này “hy sinh” các cửa sổ nhằm mở rộng công suất, tiết kiệm nhiên liệu và được hy vọng sẽ mở ra một tương lai mới cho hàng không thế giới.

 


Chiếc X-48C cất cánh khỏi vùng hồ Rogers Dry trong chuyến bay thử đầu tiên tại căn cứ không quân Edwards, bang California, Mỹ.



Tuy nhiên, thiết kế này có thể sẽ không được những hành khách yêu thích ngắm nhìn quang cảnh qua cửa sổ lựa chọn.


Chiếc máy bay nguyên mẫu có tên X-48C được chế tạo tại Anh là một thiết kế khác biệt căn bản so với những loại máy bay truyền thống mà chúng ta vẫn nhìn thấy trong suốt 50 năm lịch sử của những chuyến bay chở khách. Các chuyên gia của NASA và Boeing cho rằng, thế hệ máy bay này sẽ tiết kiệm nhiên liệu hơn và cho phép bay với tốc độ cao hơn.


Hôm 8/8, NASA đã cho bay thử thành công bản sao của “máy bay tương lai” và hy vọng, thế hệ máy bay này sẽ được đưa vào ứng dụng trong 20 năm tới.


X-48C được thiết kế bởi Boeing và do công ty Cranfield Aerospace của Anh chế tạo, tuân thủ chặt chẽ các yêu cầu của nhà thiết kế. Đây là một cải tiến của X-48B, loại máy bay từng thực hiện 92 chuyến bay thử từ năm 2007 đến 2010. Những thay đổi chính với model này là đưa cánh lên trên bình nhiên liên liệu, sát với các động cơ, và mở rộng phần đuôi máy bay. Cả hai thay đổi nhằm giảm tiếng ồn của động cơ. Ngoài ra, số lượng động cơ trong X-48C cũng đã giảm từ 3 xuống còn 2.

 


X-48 do Công ty Cranfield Aerospace của Anh chế tạo theo thiết kế của Boeing.



X-48C là loại máy bay “lai thân-cánh” (tức thân và cánh tạo thành một khối liền), cho phép mở rộng khoang chở khách và hàng hóa. Máy bay có hình tam giác, gợi nhớ những chiếc máy bay do thám, cho phép rẽ không khí hiệu quả hơn.


Chiếc X-48C nguyên mẫu thu nhỏ có sải cánh dài 6,4 mét, nặng 227 kg, tức là có kích thước chỉ bằng 8,5% quy mô thật của máy bay theo thiết kế chuẩn, dự kiến sẽ được phát triển trong vòng 15-20 năm tới nhằm phục vụ các ứng dụng quân sự và cả dân dụng.


X-48C có thể bay trong 35 phút ở độ cao tối đa là 10.000 feet (3048 mét). Trong chuyến bay thử ngày 8/8, nó chỉ bay trong 9 phút, nhưng thời gian đó đủ để NASA đánh giá đó là một thử nghiệm thành công và cơ quan này đang lên kế hoạch cho bay thử lần thứ hai vào cuối tuần này.



Thu Hằng