06:10 14/06/2012

Máy bay không người lái Mỹ lại oanh kích Pakixtan

Các quan chức Pakixtan cho biết, sáng 14/6 và trong ngày 13/6, các máy bay không người lái của Mỹ đã thực hiện liên tiếp hai cuộc oanh kích nhằm vào khu vực bộ lạc ở Tây Bắc Pakixtan, nơi được cho là sào huyệt của các phần tử Taliban và al Qaeda.

Các quan chức Pakixtan cho biết, sáng 14/6 và trong ngày 13/6, các máy bay không người lái của Mỹ đã thực hiện liên tiếp hai cuộc oanh kích nhằm vào khu vực bộ lạc ở Tây Bắc Pakixtan, nơi được cho là sào huyệt của các phần tử Taliban và al Qaeda. Mục tiêu trong hai cuộc không kích đều là Miranshah, thị trấn chính vùng Bắc  Waziristan gần biên giới Ápganixtan.

 

Máy bay không người lái của Mỹ. Ảnh: Internet

 

Trong vụ không kích sáng 14/6, máy bay không người lái của Mỹ đã bắn hai quả tên lửa vào một tòa nhà ở chợ trung tâm Miransha, tiêu diệt ít nhất 3 phần tử vũ trang. Trong vụ không kích ngày 13/6, tên lửa bắn vào một xe ô tô cách không xa Miransha làm 4 phần tử thiệt mạng.

 

Các cuộc không kích bằng máy bay không người lái của Mỹ tại Pakixtan gia tăng đáng kể từ khi hội nghị thượng đỉnh NATO ở Chicago-Mỹ kết thúc hồi tháng trước mà không đạt được thỏa thuận nào chấm dứt tình trạng Pakixtan phong tỏa tuyến tiếp vận của NATO sang Ápganixtan vốn đã kéo dài 6 tháng qua. Đáng chú ý, một đợt không kích ngày 4/6 cũng nhằm vào Bắc Waziristan đã tiêu diệt ít nhất 15 phần tử, trong đó có một thủ lĩnh al Qaeda là Abu Yahya al-Libi.

 

Mỹ coi vành đai bộ lạc bán tự trị ở Tây Bắc Pakixtan là sào huyệt chính của các phần tử Taliban và al Qaeda, nơi phát động những âm mưu tấn công nhằm vào các lực lượng phương Tây và Ápganixtan. Việc Oasinhtơn chỉ trích Ixlamabát không sẵn sàng mạnh tay loại bỏ mối đe dọa này trong khi máy bay Mỹ liên tiếp không kích vào lãnh thổ Pakixtan khiến quan hệ giữa hai bên ngày càng xấu đi, đặc biệt là xung quanh vấn đề mở lại tuyến tiếp vận của NATO sang Ápganixtan qua biên giới Pakixtan. Tuyến tiếp vận này đã bị Pakixtan phong tỏa trong phản ứng giận dữ về vụ Mỹ không kích "nhầm" hôm 26/11/2011 làm 24 lính Pakixtan thiệt mạng.

 

Các nguồn tin thân cận với các cuộc thương lượng về việc mở lại tuyến tiếp vận trên ngày 11/6 cho biết các nhà đàm phán Mỹ đã rời khỏi Pakixtan sau 6 tuần tiến hành đàm phán mà không đi đến thỏa thuận nào. Ban đầu, Pakixtan đặt điều kiện mở lại tuyến tiếp vận là Mỹ phải chính thức xin lỗi về vụ không kích ngày 26/11/2011 đồng thời chấm dứt các hoạt động như vậy trên lãnh thổ Pakixtan. Hai đòi hỏi này đều khó có khả năng được đáp ứng, khi giới chức Mỹ coi chiến dịch không kích bằng máy bay không người lái này là một đòn quan trọng trong cuộc chiến chống các phần tử Hồi giáo cực đoan cho dù có không ít quan ngại về thương vong gây ra đối với dân thường. Có thông tin Ixlamabát yêu cầu Mỹ phải trả hàng nghìn USD cho mỗi côngtennơ hàng qua biên giới Pakixtan và giới chức Mỹ không chấp nhận mức phí này.

 

Gần đây, Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền Navi Pillay đã kêu gọi LHQ điều tra về các vụ không kích của Mỹ tại Pakixtan, đặt câu hỏi về tính hợp pháp của hoạt động này đồng thời nhấn mạnh có nhiều dân thường vô tội thiệt mạng trong các cuộc không kích.

 

TTXVN/Tin tức