04:12 26/04/2015

Mặt trận ngoại giao trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước

Báo Tin Tức trân trọng giới thiệu bài viết "Mặt trận ngoại giao trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước" của PGS.TS Nguyễn Vũ Tùng, Học viện Ngoại giao.

Kỷ niệm 40 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, báo Tin Tức trân trọng giới thiệu bài viết "Mặt trận ngoại giao trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước" của PGS.TS Nguyễn Vũ Tùng, Học viện Ngoại giao.

Dưới đây là nội dung bài viết:

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta là cuộc đối đầu giữa một quốc gia nhỏ bé, tiềm lực rất yếu so với một nước đế quốc sừng sỏ, đứng đầu hệ thống tư bản chủ nghĩa. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta còn diễn ra khi Chiến tranh lạnh ở vào đỉnh cao, quan hệ giữa các nước lớn, đặc biệt là quan hệ Mỹ - Xô - Trung có nhiều biến động, thay đổi hết sức phức tạp, có tác động trực tiếp đến công cuộc kháng chiến của nhân dân ta. Tuy nhiên, đây không phải là cuộc kháng chiến đầu tiên trong lịch sử Việt Nam chống giặc ngoại xâm giữ độc lập và thống nhất dân tộc. Chính vì thế, các bài học truyền thống của dân tộc đã được Đảng ta phát huy cao độ và theo đó ngoại giao đã trở thành một mặt trận quan trọng trong chiến lược kháng chiến đi đến ngày toàn thắng.

Ngoại giao đấu tranh thực hiện Hiệp định Geneve: giai đoạn 1954 – 1959


Thắng lợi lịch sử của chiến dịch Điện Biên Phủ đã đưa đến việc ký kết Hiệp định Geneve (7/1954) về lập lại hòa bình ở Đông Dương. Tuy nhiên, trong khi ta nghiêm túc thi hành Hiệp định Geneve, mong muốn “hòa bình thống nhất” và kiên trì đấu tranh để tổ chức tổng tuyển cử thì đế quốc Mỹ không chấp nhận các điều khoản của Hiệp định, thúc đẩy kế hoạch thay thế thực dân Pháp ở miền Nam, hậu thuẫn ngụy quyền tay sai ra sức phá hoại Hiệp định.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp (đứng, bên phải) trình bày với Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước bàn kế hoạch mở chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Ảnh: Tư liệu TTXVN


Trong giai đoạn này, nhiệm vụ của ngoại giao là vừa phục vụ việc đấu tranh thi hành Hiệp định Geneve, vừa phục vụ công cuộc phục hồi kinh tế ở miền Bắc. Các đoàn đại biểu Chính phủ của ta đã lần lượt tiến hành các chuyến thăm Liên Xô, Trung Quốc, các nước XHCN anh em khác. Qua các chuyến thăm này, các nước bạn đã giúp ta khôi phục và tăng cường các cơ sở, xí nghiệp sản xuất, góp phần phục hồi kinh tế ở miền Bắc. Đối với việc đấu tranh thi hành Hiệp định Geneve, ngoại giao của ta tập trung vào các điểm chính: Tố cáo trước dư luận thế giới việc Mỹ - Diệm phá hoại việc thi hành Hiệp định Geneve; Chính phủ ta nhiều lần gửi thư cho Ngô Đình Diệm đề nghị mở hội nghị hiệp thương chuẩn bị tổng tuyển cử, [1] vận động Ủy ban quốc tế gồm Ấn Độ, Ba Lan và Canada thúc đẩy việc thi hành Hiệp định. Tuy nhiên, với dã tâm chia cắt đất nước ta, áp đặt chủ nghĩa thực dân mới lên miền Nam, Mỹ - Diệm đã thẳng thừng bác bỏ Hiệp định Geneve, khước từ khả năng thống nhất nước nhà bằng con đường hiệp thương hòa bình.

Ngoại giao chống sự can thiệp của Mỹ: giai đoạn 1959 – 1964

Sau khi nước ta phải tạm thời chia làm hai miền, ta đồng thời tiến hành hai nhiệm vụ cách mạng: Cách mạng XHCN ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam. Được sự giúp đỡ của các nước trong khối XHCN, đến cuối năm 1957, miền Bắc đã căn bản hoàn thành nhiệm vụ khôi phục kinh tế. Trong khi đó, ở miền Nam, tháng 5/1957, Ngô Đình Diệm sang Hoa Kỳ gặp Tổng thống Aixenhao, ra thông cáo chung khẳng định Mỹ ủng hộ Diệm, lập phái đoàn cố vấn và viện trợ quân sự (MAAG) nhằm đẩy mạnh xây dựng quân đội Sài Gòn thành một lực lượng đủ mạnh để chống phá, đàn áp phong trào cách mạng của nhân dân miền Nam.

Ngày 7/4/1961, hơn 5.000 đồng bào xã X tỉnh Bến Tre mít tinh tẩy chay trò hề bầu cử tổng thống lần thứ hai của Mỹ - Diệm. Ảnh tư liệu TTXVN


Tháng 5/1959, Diệm ban hành luật 10/59 dùng tòa án quân sự đặc biệt xét xử những người yêu nước, lê máy chém đi khắp miền Nam đàn áp các chiến sỹ cách mạng. Trước những hành động phá hoại, đàn áp của chính quyền Diệm và sự can thiệp của Mỹ, cách mạng miền Nam đã gặp phải nhiều tổn thất. Nhiều tổ chức cơ sở Đảng bị phá vỡ, nhiều đồng chí cán bộ theo kháng chiến bị bắt, bị đàn áp, giết hại. Đến giữa năm 1961, lần lượt Phó Tổng thống Johnson và các tướng lĩnh của Mỹ sang miền Nam, vạch ra kế hoạch Stanley – Taylor, dự kiến bình định miền Nam trong 18 tháng, củng cố tiềm lực cho ngụy quyền, sau đó sẽ tiến công miền Bắc. Trên cơ sở kế hoạch này, Mỹ tăng cường viện trợ tài chính và quân sự cho chính quyền Sài Gòn, dồn dân vào các ấp chiến lược, đẩy mạnh càn quét, bình định các tỉnh miền Nam.

Trước tình hình đó, với ý chí độc lập tự chủ, xuất phát từ thực tiễn cách mạng Việt Nam và thế giới, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Xứ ủy Nam Bộ đã khởi thảo bản Đề cương cách mạng miền Nam. Trên tinh thần cốt lõi của bản đề cương, Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 15 (1/1959) đã hoàn chỉnh đường lối cách mạng Việt Nam trong thời kỳ mới, chỉ ra phương pháp kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, tiến lên giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Dưới ánh sáng của nghị quyết 15, cách mạng miền Nam đã chuyển sang giai đoạn mới, “từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công.” [2] Phong trảo Đồng khởi đã giáng một đòn bất ngờ vào chiến lược can thiệp của Aixenhao. Ngày 20/11/1960, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời, đánh dấu sự kiện quan trọng trong phong trào đấu tranh chống Mỹ - Diệm. Mặt trận chủ trương thực hiện chính sách ngoại giao hòa bình, trung lập, lập lại quan hệ bình thường giữa hai miền tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc, chống chiến tranh xâm lược, tích cực bảo vệ hòa bình thế giới, nhờ đó ngày càng được thế giới công nhận và ủng hộ.

Trong giai đoạn này, ngoại giao ta tích cực đấu tranh chống chính sách độc tài của chính quyền Ngô Đình Diệm, chống sự can thiệp của Mỹ. Ta chú ý vận động dư luận trong nước và quốc tế. Ngày 18/2/1962, chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra tuyên bố về việc Mỹ tăng cường can thiệp và xâm lược miền Nam Việt Nam . Các nước Liên Xô, Trung Quốc, Ủy ban đoàn kết Á – Phi, Hội đồng hòa bình thế giới, Hội luật gia dân chủ quốc tế… đều lên tiếng phản đối Mỹ can thiệp vào miền Nam, ủng hộ Việt Nam.

Cũng trong giai đoạn này, ta còn tính đến khả năng trung lập hóa miền Nam. Thực tế lúc đó, ở Đông Dương, trong những điều kiện lịch sử khác nhau, các Chính phủ ở cả Lào và Campuchia đều đi theo con đường trung lập. [3] Ở miền Nam, khủng hoảng chính trị diễn ra triền miên, đã có sự xuất hiện của “lực lượng thứ ba” đấu tranh chống chính quyền Mỹ - Diệm, đòi các quyền dân sinh dân chủ. Trước tình hình mới, ta tính đến khả năng đấu tranh lập một chính phủ liên hiệp thi hành chính sách đối ngoại trung lập, yêu cầu Mỹ rút quân và từ đó hoàn thành thống nhất đất nước. Trong “Thư vào Nam ” đồng chí Lê Duẩn đã nói rõ về khả năng này. [4] Chính sách đấu tranh để xây dựng một chính quyền trung lập ở miền Nam vừa nhằm khoét sâu mâu thuẫn giữa các phe phái trong chính quyền Sài gòn và tập hợp quần chúng miền Nam, vừa nhằm đẩy Mỹ vào thế bị động: Một khi chính phủ trung lập ở miền Nam được lập nên, chính phủ đó sẽ yêu cầu Mỹ rút lực lượng quân sự khỏi miền Nam và hai miền sẽ bàn về cách thức thống nhất đất nước trong hòa bình.

Nhiều chính khách của Mỹ và quốc tế như Tổng thống Pháp De Gaulle, Thượng nghị sỹ Mỹ Mike Mansfield đã nêu vấn đề thúc đẩy một Đông Nam Á trung lập thông qua một kiểu đình chiến hoặc dàn xếp nào đó. [5] Tuy nhiên, Nhà Trắng đã đưa ra thuyết “domino” để tạo sức ép theo hướng tăng cường can thiệp của Mỹ vào miền Nam Việt Nam . Các quan chức trong chính quyền Mỹ, bao gồm Ngoại trưởng Dean Rusk, cố vấn an ninh quốc gia Bundy và Bộ trưởng quốc phòng Mc Namara đều cho rằng ý tưởng trung lập hóa miền Nam Việt Nam sẽ gây hậu quả hết sức nghiêm trọng đối với Mỹ và phương Tây. Chính quyền Johnson do đó kiên quyết can thiệp vào Việt Nam , dự thảo một nghị quyết của Quốc hội Mỹ cho phép mở rộng các hoạt động quân sự ở Đông Dương, được thông qua sau “sự kiện Vịnh Bắc Bộ” do Mỹ dàn dựng vào tháng 8/1964.

Ngoại giao đấu tranh chống chiến tranh cục bộ: giai đoạn 1965-1967

Tháng 2/1965, Mỹ bắt đầu cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân chống miền Bắc. Tháng 3/1965, Mỹ ồ ạt đưa quân vào miền Nam, bắt đầu cuộc chiến tranh cục bộ. Để che đậy bản chất phi nghĩa và tính chất tàn bạo của các hành động chiến tranh, Mỹ ráo riết tung ra nhiều thủ đoạn ngoại giao: Ra sách trắng “Vì đâu có vấn đề Việt Nam” nhằm đổ lỗi cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; thông báo cho Liên hợp quốc rằng Mỹ sẵn sàng rút hết các đơn vị quân sự của họ trong trường hợp “Bắc Việt Nam chấm dứt xâm lược Nam Việt Nam”.

Ngày 7/4/1965, Tổng thống Johnson đọc diễn văn tại trường Đại học Johns Hopkins vu cáo Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tấn công một quốc gia độc lập và Mỹ có trách nhiệm bảo vệ tự do cho đồng minh của mình, chìa “củ cà rốt”: Mỹ sẵn sàng bỏ ra 1 tỷ đôla góp vào sự phát triển ở Đông Nam Á, kể cả Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Mỹ mở nhiều đợt vận động ngoại giao cho cái gọi là “sáng kiến hòa bình,” thông qua các kênh khác nhau tiếp xúc với ta để thăm dò quan điểm, phái nhiều nhà ngoại giao đến Paris, Tokyo, Moscow, New Dehli... [6] tạo nên chiến dịch ngoại giao rầm rộ mang mật hiệu “Pinta” nhằm vận động cho “sáng kiến hòa bình,” đồng thời đe dọa khả năng sẽ đánh phá miền Bắc mạnh hơn nữa để buộc ta phải đàm phán.

Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra mắt tại Đại hội lần thứ nhất. Ảnh tư liệu


Chống lại các thủ đoạn và luận điệu ngoại giao của Mỹ, ta đã tiến hành nhiều hoạt động ngoại giao và vận động quốc tế nhằm đề cao chính nghĩa dân tộc, thể hiện quyết tâm của nhân dân Việt Nam quyết đánh và quyết thắng cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ; lên án cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ, các hành động leo thang chiến tranh và các tội ác của Mỹ trên cả hai miền, mạnh mẽ bác bỏ các luận điệu về “đàm phán không điều kiện” và “hai bên cùng rút quân.” Ngày 22/3/1965, Mặt trận dân tộc giải phóng ra tuyên bố 5 điểm biểu thị mạnh mẽ lập trường, mục tiêu chiến đấu và quyết tâm của nhân dân miền Nam chống xâm lược cho đến thắng lợi cuối cùng. Ngày 8/4/1965, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra tuyên bố 4 điểm nêu rõ lập trường và những nguyên tắc lớn của một giải pháp thỏa đáng để chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam. Hai bản tuyên bố này là cơ sở vững chắc cho đấu tranh ngoại giao của ta.

Ta đã đón tiếp nhiều vị khách quốc tế đến làm “trung gian hòa giải,” qua đó nói rõ lập trường của chính phủ ta, vạch trần bản chất xâm lược và hoạt động ngoại giao nhằm che đậy các hành động chiến tranh phi nghĩa của Mỹ. Qua các cuộc đón tiếp Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan Mikhailovsky; nhà ngoại giao Ronning, đại diện chính phủ Canada; chính khách Sainteny, đại diện Pháp và cả các vị khách Mỹ là các nhà báo, nhà hoạt động tôn giáo... tới Hà Nội; qua các bức thư trả lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với De Gaulle, với Johnson; trả lời phỏng vấn báo chí quốc tế; thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 24/1/1966 gửi đến người đứng đầu nhà nước và chính phủ của gần 70 nước... ta đã đề cao chính nghĩa dân tộc và ý chí sắt đá của nhân dân Việt Nam, phản bác lại các thủ đoạn ngoại giao của Mỹ, đẩy Mỹ vào thế phải đối phó với dư luận trong và ngoài nước đòi chấm dứt các hành động chiến tranh phi nghĩa.

Ngoại giao kết hợp “đánh - đàm”: giai đoạn 1967 – 1973

Chính vào lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta bước vào giai đoạn quyết liệt nhất, tháng 12/1965, Đảng ta ra Nghị quyết Trung ương 12, trong đó chỉ rõ “đánh đến một lúc nào đó sẽ vừa đánh vừa đàm” nhưng nhận định “tình hình chưa chín muồi cho một giải pháp.” [7] Đến tháng 1/1967, sau những thắng lợi của quân và dân hai miền, Nghị quyết Trung ương 13 đã quyết định mở mặt trận ngoại giao để tạo cục diện đánh - đàm và kéo Mỹ xuống thang chiến tranh. [8] Đảng đã xác định vai trò của ngoại giao là một mặt trận có ý nghĩa chiến lược với chức năng phối hợp với đấu tranh quân sự, chính trị, đồng thời khẳng định: “...đấu tranh ngoại giao không chỉ đơn thuần phản ánh cuộc đấu tranh trên chiến trường mà trong tình hình quốc tế hiện nay với tính chất cuộc đấu tranh giữa ta và địch, đấu tranh ngoại giao giữ một vai trò quan trọng, tích cực và chủ động.”

[9] Để tăng sức mạnh tấn công, ngày 27/1/1967, ta đưa ra khẩu hiệu sách lược: “Chỉ sau khi Hoa Kỳ chấm dứt không điều kiện việc ném bom và mọi hành động chiến tranh chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thì Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với Mỹ có thể nói chuyện được.” [10] Tuyên bố này vừa tỏ rõ thiện chí, vừa phù hợp với đạo lý nên được dư luận thế giới hưởng ứng và ủng hộ mạnh mẽ. Trong khi đó, Mỹ trở nên bị động về ngoại giao và đối phó lúng túng. Trước sức ép của dư luận, đặc biệt là phong trào nhân dân Mỹ, ngày 29/9/1967, trong diễn văn đọc tại San Antonio, Tổng thống Johnson phải công khai tuyên bố: “Mỹ sẵn sàng ngưng ngay việc bắn phá miền Bắc Việt Nam của máy bay và tàu chiến Mỹ khi việc làm này dẫn tới cuộc thảo luận có kết quả và không bị lợi dụng.” [11] Rõ ràng tuyên bố này là một bước lùi của Mỹ, có phần mềm dẻo hơn các tuyên bố trước đây. Tuy nhiên, Mỹ vẫn giữ lập trường “ngừng ném bom có điều kiện” và “có đi có lại,” điều ta kiên quyết bác bỏ.

Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, “ gây ra một chấn động mạnh trên toàn nước Mỹ.” [12] Nội bộ chính giới Mỹ rối ren, dao động, ý chí xâm lược bị lung lay mạnh mẽ. Dưới sức ép của dư luận Mỹ, Tổng thống Johnson đã phải bác bỏ kế hoạch tăng quân, chấp nhận chuyển hướng chiến lược, tìm giải pháp đàm phán. Ngày 31/3/1968, Johnson tuyên bố đơn phương chấm dứt ném bom miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra; Mỹ sẵn sàng cử đại diện thảo luận biện pháp chấm dứt chiến tranh, đồng thời tuyên bố không ra tranh cử nhiệm kỳ mới. Tuyên bố của Johnson đã đánh dấu sự thừa nhận thất bại của Mỹ trong chiến lược chiến tranh cục bộ, đánh dấu một bước thay đổi lớn, xuống thang chiến tranh, tìm kiếm giải pháp hòa bình. Cục diện “đánh – đàm” đã được mở ra.

Đáp lại tuyên bố trên, ngày 3/4/1968, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra tuyên bố: “Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuyên bố sẵn sàng cử đại diện của mình tiếp xúc với đại diện Mỹ nhằm xác định với phía Mỹ việc Mỹ chấm dứt không điều kiện việc ném bom và các hoạt động chiến tranh khác chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để có thể bắt đầu cuộc nói chuyện.” Cuộc tiếp xúc song phương Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Hoa Kỳ bắt đầu ngày 13/5/1968. Suốt 4-5 tháng, ta vận dụng tiếp xúc để hỗ trợ chiến trường, lên án và tố cáo tội ác chiến tranh của Mỹ, tranh thủ dư luận quốc tế và dư luận Mỹ. Ta kiên trì đòi Mỹ chấm dứt hoàn toàn ném bom miền Bắc mới nói chuyện về các vấn đề khác; mạnh mẽ bác bỏ các điều kiện do Mỹ đưa ra, như khôi phục khu phi quân sự, chấm dứt xâm nhập và tiếp tế từ miền Bắc vào miền Nam... Theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, ngoại giao vận dụng sách lược đạt tới thỏa thuận Mỹ chấm dứt hoàn toàn ném bom miền Bắc, sau đó sẽ họp Hội nghị bốn bên gồm Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Mặt trận dân tộc giải phóng, Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn. Ngày 31/10/1968, Tổng thống Johnson tuyên bố chấm dứt hoàn toàn ném bom miền Bắc. Buộc Mỹ chấm dứt hoàn toàn việc ném bom bắn phá miền Bắc là một thắng lợi có ý nghĩa chiến lược, là thắng lợi của sự phối hợp giữa đấu tranh quân sự và đấu tranh ngoại giao, tạo điều kiện củng cố hậu phương, tạo niềm tin mạnh mẽ cho nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế.

Từ đầu năm 1969 là thời gian bắt đầu hội nghị bốn bên tại Paris. Ta bước vào giai đoạn đấu tranh mới với một tình hình khá phức tạp. Nixon bắt đầu chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh,” xây dựng quân đội Sài Gòn mạnh để thay dần quân Mỹ, mở rộng chiến tranh ra toàn Đông Dương. Mỹ đồng thời hòa hoãn với Liên Xô, Trung Quốc, âm mưu dàn xếp vấn đề Việt Nam trên lưng Việt Nam. Sau đợt tổng tiến công năm 1968, lực lượng của ta bị suy yếu, vùng giải phóng bị thu hẹp, “lực lượng trên chiến trường thay đổi, địch ưu thế hơn ta, từ thế bị động nay địch giành lại thế chủ động.” [13]

Thấy rõ cuộc chiến chống Mỹ sẽ còn lâu dài, gian khó, từ đầu năm 1969, Bộ Chính trị đề ra cho ngoại giao và đoàn đàm phán Paris một số nhiệm vụ chủ yếu: Đẩy địch xuống thang một bước trên chiến trường chính, ép Hoa Kỳ đơn phương rút một bộ phận quân Mỹ; khoét sâu khó khăn nội bộ Mỹ, nội bộ ngụy, mâu thuẫn Mỹ - ngụy, đề cao vị trí quốc tế của Mặt trận dân tộc giải phóng, tranh thủ các nước xã hội chủ nghĩa tiếp tục ủng hộ và giúp đỡ, tranh thủ sự giúp đỡ mạnh mẽ của phong trào nhân dân thế giới bao gồm cả nhân dân Mỹ đấu tranh đòi Mỹ rút nhanh, rút hết và không điều kiện khỏi miền Nam Việt Nam...” [14] Ta xác định n hiệm vụ của ngoại giao là: T rên trường quốc tế ra sức tranh thủ đồng minh, thêm bạn bớt thù, tiến công địch, phục vụ cuộc chống Mỹ, cứu nước và sự nghiệp xây dựng CNXH ở nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ; đồng thời góp phần vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội. [15]

Thực hiện các nhiệm vụ trên, ngoại giao đã vận dụng diễn đàn Hội nghị bốn bên lên án Mỹ kéo dài chiến tranh, rút quân nhỏ giọt, tranh thủ dư luận, không cho Mỹ dùng việc rút dần quân để chuyển sức ép về phía ta. Đánh vào chỗ yếu là Mỹ không định được thời hạn rút hết quân, ngày 14/9/1970, đại biểu Chính phủ cách mạng lâm thời đưa ra đề nghị hòa bình, đòi Mỹ định thời hạn rút hết quân trước ngày 30/6/1970. Sau chiến thắng Đường 9 - Nam Lào (3/1971), ngày 1/7/1971, ta đưa ra đề nghị Mỹ định thời hạn rút hết quân Mỹ trước ngày 31/12/1971, nêu rõ “thời hạn rút hết quân Mỹ cũng là thời hạn thả hết tù binh”. Dư luận Mỹ rất quan tâm đến việc thả tù binh vì số phi công Mỹ bị bắt đều là con em các gia đình có thế lực ở Mỹ. Bởi vậy, đề nghị 1/7/1971 có sức tấn công mạnh, dư luận ở Mỹ và trên thế giới đều đòi phía Mỹ đáp ứng để sớm có hòa bình. Kết hợp với diễn đàn công khai, cuối năm 1970 và giữa năm 1971, ta có những cuộc gặp riêng với phía Mỹ (Lê Đức Thọ, Xuân Thủy với Kítxinhgiơ) nhằm thăm dò và tác động thêm đối với phía Mỹ. Bên cạnh đó, ta tiếp tục tranh thủ được sự ủng hộ, giúp đỡ của Liên Xô, Trung Quốc, các nước trong khối XHCN, các nước Đông Dương đối với cuộc kháng chiến của ta; hình thành phong trào nhân dân rộng lớn, kể cả ngay trong lòng nước Mỹ, ủng hộ Việt Nam, đòi Mỹ chấm dứt chiến tranh.

Đàm phán Hiệp định Paris: 1968 - 1973


Kéo dài 4 năm, 8 tháng, 14 ngày, trải qua 202 phiên họp công khai và 45 cuộc gặp riêng giữa Việt Nam và Mỹ, Hội nghị Paris là cuộc đấu trí tuệ, bản lĩnh quyết liệt giữa nền ngoại giao non trẻ với nền ngoại giao lão luyện của một siêu cường hàng đầu thế giới. Cuộc đàm phán Paris trải qua ba giai đoạn. Giai đoạn một bắt đầu từ ngày 13/5/1968 đến 31/10/1968, ta đấu tranh buộc Mỹ phải chấp nhận chấm dứt mọi hành động chiến tranh chống Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; chấp nhận việc triệu tập hội nghị về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam gồm 4 bên với sự tham gia của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam.

Giai đoạn hai từ ngày 25/1/1969 đến giữa năm 1972, ta kiên quyết đòi Mỹ chấm dứt chiến tranh xâm lược, rút hết quân đội và vũ khí ra khỏi miền Nam Việt Nam, xóa bỏ chính quyền Sài Gòn, tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam. Mỹ muốn chấm dứt chiến tranh nhưng đòi miền Bắc và Mỹ cùng rút quân, đòi duy trì khu phi quân sự và duy trì chính quyền Sài Gòn.

Giai đoạn cuối cùng từ tháng 7/1972 sau khi Mỹ buộc phải quay lại bàn đàm phán sau các thất bại ở cả hai miền Nam - Bắc. Tuy vậy, Mỹ vẫn nuôi hy vọng đạt được một thỏa thuận trên thế mạnh. Cuối tháng 12/1972, khi con át chủ bài cuối cùng của Mỹ - dùng B52 đánh phá hủy diệt Hà Nội và các thành phố lớn của miền Bắc - đã bị quân và dân ta đánh gục trong chiến thắng vang dội "Điện Biên Phủ trên không," Mỹ mới chấp nhận ký Hiệp định ngày 27/1/1973. [16]

Hiệp định Paris có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng, thống nhất đất nước của dân tộc ta. Hiệp định là văn bản pháp lý toàn diện, đầy đủ nhất công nhận các quyền cơ bản của dân tộc ta, trong đó Mỹ buộc phải cam kết “tôn trọng độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam”. Hội nghị Paris và Hiệp định Paris đã góp phần quan trọng vào nỗ lực tạo nên bước chuyển chiến lược của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc, từng bước buộc Mỹ phải đi vào giải pháp, chấm dứt ném bom miền Bắc, rút toàn bộ quân Mỹ và chư hầu ra khỏi miền Nam, hoàn thành mục tiêu chiến lược “đánh cho Mỹ cút.” Với việc buộc Mỹ phải rút hết trong khi ta duy trì được hoàn toàn lực lượng, Hiệp định mở ra một cục diện mới, so sánh lực lượng trên chiến trường nghiêng hẳn về ta để ta tiến lên “đánh cho ngụy nhào,” hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam , thống nhất đất nước.

Đấu tranh ngoại giao sau Hiệp định Paris: giai đoạn 1973-1975


Sau khi ký kết Hiệp định Pari, cuộc đấu tranh của ta chuyển sang giai đoạn đấu tranh thi hành Hiệp định và tập trung giải phóng hoàn toàn miền Nam , thống nhất đất nước. Trong giai đoạn này, n goại giao tiếp tục giương cao ngọn cờ hòa bình, đấu tranh đòi Mỹ - Ngụy thi hành Hiệp định; phối hợp với mặt trận quân sự, chính trị, tạo thời cơ chiến lược cho cuộc Tổng tiến công mùa xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất Tổ quốc. Một mặt, ta nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định ngừng bắn trên toàn chiến trường, trao trả tù binh Mỹ. Mặt khác, ta tích cực, chủ động dùng ngoại giao phát huy thế thắng ở chiến trường, vận dụng cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý của Hiệp định, phối hợp với mặt trận quân sự, chính trị buộc Mỹ, ngụy thi hành Hiệp định. Sau hiệp định Paris, hàng loạt nước đã công nhận Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong năm 1973. Cho đến 6/10/1973, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã có 34 nước công nhận và lập quan hệ ngoại giao. [17] Ngày 29/3/1973, tại thủ đô Thụy Điển đã diễn ra Hội nghị quốc tế đoàn kết với nhân dân Việt Nam, đòi Mỹ, ngụy quyền Sài gòn thi hành nghiêm chỉnh và triệt để Hiệp định.

Từ cuối năm 1974, tình hình chiến trường cũng như tình hình nước Mỹ và quốc tế có lợi cho ta. Vụ bê bối Watergate đã triệt tiêu khả năng Mỹ can thiệp quân sự trở lại. Đầu năm 1975, trước thời cơ lịch sử, Đảng ta đã hạ quyết tâm chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam , thống nhất Tổ quốc bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Chiến dịch Tây Nguyên, chiến dịch Huế - Đà Nẵng và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã hoàn thành sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Mặt trận ngoại giao trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước

Mặt trận ngoại giao đã trở thành một mặt trận quan trọng, đóng góp to lớn vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến. Ngoại giao đã triển khai nhiều hình thức đấu tranh hiệu quả, kết hợp với các mặt trận đấu tranh chính trị và quân sự làm nên sức mạnh tổng hợp của nhân dân ta thắng đế quốc Mỹ. Trong khi kiên trì “nêu cao tinh thần tự lực cánh sinh, chống tư tưởng sợ Mỹ, tư tưởng đàm phán khi chưa có điều kiện có lợi, muốn kết thúc chiến tranh với bất cứ giá nào, tư tưởng ỷ lại vào sự giúp đỡ của nước ngoài, không tin tưởng vào sức mình," [18] ta đã gắn bó chặt chẽ những mục tiêu, nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam với sức mạnh của ba dòng thác cách mạng thế giới, tức là kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại.

Trong công tác tuyên truyền, vận động đối ngoại, ta đã triển khai hiệu quả các hình thức đấu tranh, nêu rõ chính nghĩa của dân tộc, vạch rõ bản chất hiếu chiến, chiến tranh phi nghĩa, xâm lược của đế quốc Mỹ và tay sai. Ngoại giao đã phát huy thế mạnh chính nghĩa dân tộc và thế thắng ở chiến trường góp phần có tính chất quyết định trong việc tập hợp lực lượng quốc tế, tranh thủ đồng minh, tác động nội bộ địch, đưa tới hình thành mặt trận nhân dân thế giới rộng lớn ủng hộ Việt Nam. Chúng ta đã kết hợp vận động chính trị, vận động báo chí với đấu tranh trên bàn đàm phán. Chúng ta duy trì hai diễn đàn, tận dụng diễn đàn công khai với những bài phát biểu có tính chính luận, những cuộc họp báo có sức thuyết phục. Chúng ta khai thác địa bàn Paris là một trung tâm báo chí, đầu mối thông tin quốc thế để tranh thủ dư luận được rộng khắp. Có thể nói tại diễn đàn đàm phán Paris, Việt Nam ở vào thế lợi và thế mạnh áp đảo so với đối phương.

Bên cạnh đó, ngoại giao cũng ra sức tranh thủ sự ủng hộ của phe Xã hội chủ nghĩa. Trước hết là tranh thủ sự ủng hộ và giúp đỡ của các nước Liên Xô, Trung Quốc trong bối cảnh Xô - Trung tiếp tục đối kháng gay gắt, hai nước mâu thuẫn nhau trong vấn đề Việt Nam và Mỹ đang đẩy mạnh hòa hoãn với hai nước. Trong bối cảnh đó, ta kiên trì tranh thủ cả hai nước, nắm chắc và vận dụng mẫu số chung của các nước trong vấn đề Việt Nam là chống đế quốc Mỹ xâm lược, làm nghĩa vụ quốc tế đối với một nước Xã hội chủ nghĩa, bảo vệ hòa bình thế giới. Chúng ta giữ vững độc lập tự chủ về đường lối kháng chiến. Quan điểm của ta là chân thành đoàn kết với Liên Xô, Trung Quốc, quý trọng sự giúp đỡ của bạn, coi trọng vị trí của bạn trong vấn đề Việt Nam. Ta coi trọng thông báo cho bạn tình hình và chủ trương đánh đàm của ta... Chúng ta ứng xử với hai nước khôn khéo, cân bằng, không đứng về bên này chống bên kia, không bên nặng, bên nhẹ... Ngoại giao Việt Nam đã giữ vững lập trường, kiên trì trao đổi, thuyết phục, cuối cùng, bằng thực tế, cả hai nước đều đồng tình với bước đi và biện pháp của Việt Nam. Kết quả là Việt Nam vượt qua mọi sức ép, đoàn kết được với cả Liên Xô, Trung Quốc, làm thất bại âm mưu của Mỹ chia rẽ Việt Nam với các đồng minh. Nhờ đó, cho dù có mâu thuẫn, hai nước lớn Xô - Trung vẫn tiếp tục hỗ trợ, giúp đỡ hiệu quả cho cuộc kháng chiến của ta.

Đối với các nước Đông Dương, ngoại giao góp phần đưa đoàn kết ba nước Đông Dương lên tầm cao mới . Quân tình nguyện Việt Nam phối hợp với lực lượng kháng chiến Campuchia và Lào. Chiến trường Đông Dương kết thành một dải, vùng giải phóng ba nước nối liền, hình thành thế liên hoàn vững mạnh. Tuyên bố chung của Hội nghị cấp cao nhân dân Đông Dương tháng 4/1970 trở thành “hiến chương chung” củng cố tình đoàn kết chiến đấu của ba nước cho đến thắng lợi.

Ngoại giao cũng đã góp phần hình thành phong trào nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam chống Mỹ . Thắng lợi trên chiến trường cùng với hoạt động ngoại giao của hai miền Nam - Bắc, phối hợp với đấu tranh trong đàm phán Paris đã góp phần thúc đẩy phong trào mở rộng ra khắp các châu lục. Phong trào nhân dân thế giới trở thành một lực lượng chính trị mạnh mẽ tác động đến chính phủ các nước, tạo nên một sức ép đối với chính quyền Mỹ. Chưa bao giờ trên thế giới có một phong trào ủng hộ sự nghiệp một dân tộc lại có quy mô to lớn, hình thức phong phú và tác động rất hiệu quả như phong trào nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam chống Mỹ.

Ngoại giao còn góp phần thúc đẩy phong trào nhân dân Mỹ chống chiến tranh. Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng phong trào nhân dân Mỹ. Người coi mặt trận số 1 chống Mỹ là Việt Nam, mặt trận số hai ở ngay nước Mỹ và nói “Bị giáp công trên hai mặt trận, đế quốc Mỹ nhất định thua.” [19] Các cuộc tự thiêu, các cuộc biểu tình của sinh viên đại học, các đợt đấu tranh lớn lôi cuốn hàng nghìn người, làm tê liệt hàng trăm thành phố, trường học Mỹ, đến mức báo chí phe tả cũng như phe hữu Mỹ đều thừa nhận: “Đây là một phong trào chống chiến tranh không những chưa từng có ở Mỹ cũng như chưa từng có trong lịch sử nhân loại.” [20]

Đối với một nước nhỏ, sẽ là không khôn ngoan nếu đối đầu, đặc biệt là tiến hành một cuộc chiến tranh với nước lớn. Việt Nam chúng ta, trong lịch sử hàng nghìn năm của mình, đã cố gắng tránh các cuộc đối đầu như vậy. Tuy nhiên, các cường quốc lại thường hành động với chiến lược dựa trên các lợi ích địa chính trị và kinh tế toàn cầu của họ, đặc biệt là xác lập không gian ảnh hưởng nước lớn. Trong quá trình đó, các nước lớn không đánh giá được hết sức mạnh, ý chí và khát vọng độc lập của các dân tộc nhỏ. Từ góc độ đó, có thể nói, nếu như có một cơ hội hòa bình bị bỏ lỡ, thì đó chính là cơ hội người Mỹ đã không nhìn nhận đúng đắn lịch sử của dân tộc Việt Nam, lịch sử đấu tranh bất khuất vì độc lập dân tộc của nhân dân Việt Nam. [21]

Nhưng khi bị buộc phải đứng lên kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng ta đã vận dụng những tinh hoa của truyền thống Việt Nam. Chúng ta chỉ đánh để chính phủ Mỹ phải từ bỏ ý chí xâm lược, rồi đến lúc đó mở đường, thậm chí là “trải thảm đỏ” cho họ rút ra trong thể diện. Chiến lược đó thể hiện rất rõ qua bài thơ Chúc tết xuân Kỷ Dậu 1969 của Bác Hồ: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào.” Ngoại giao đã trở thành một mặt trận quan trọng trong chiến lược đó. Có thể nói, các hoạt động ngoại giao và vận động quốc tế đã tạo dựng được hoàn cảnh quốc tế thuận lợi, tạo ra nguồn lực cả về vật chất và tinh thần đóng góp vào sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta. Thực tế chứng tỏ: Thắng lợi trên chiến trường cả hai miền Nam, Bắc đóng vai trò quyết định. Trong khi đó hoạt động ngoại giao đã góp phần hỗ trợ chiến trường đồng thời phát huy hơn nữa thắng lợi ở chiến trường để giành thắng lợi lớn hơn, tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta.

* Chú thích:


[1] Vũ Dương Ninh, Lịch sử quan hệ đối ngoại Việt Nam 1940 – 2010, Nxb Chính trị quốc gia, 2015, tr. 159

[2] Báo cáo chính trị của Trung ương Đảng tại Đại hội IV, năm 1976

[3] Xem thêm Vũ Dương Ninh, Lịch sử quan hệ đối ngoại Việt Nam 1940 – 2010, Nxb Chính trị quốc gia, 2015, tr. 166-175

[4] Lê Duẩn, Thư vào Nam , Nxb Sự thật, Hà Nội, 1985, tr. 60.

5 Lưu Văn Lợi, Năm mươi năm ngoại giao Việt Nam, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 1996, t1, tr. 248 – 249

[6] Vũ Dương Ninh, Lịch sử quan hệ đối ngoại Việt Nam 1940 – 2010, Nxb Chính trị quốc gia, 2015, tr. 189

[7] Viện nghiên cứu chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh: Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam 1954-1975 , Nxb Chính trị Quốc gia, Hà nội1995, t.II, tr. 306.

[8] Bộ Ngoại giao: Ngoại giao Việt Nam 1945 – 2000 , Nxb Chính trị Quốc gia, 2002, tr. 217.

[9] Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh: Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam , t. II, tr.379.

[10] Bộ Ngoại giao: Ngoại giao Việt Nam 1945-2000, tr.218.

[11] Bộ Ngoại giao: Ngoại giao Việt Nam 1945-2000 , tr.220.

[12] G.C.Herring: Cuộc chiến tranh dài ngày nhất của nước Mỹ, tr.245

[13] Viện nghiên cứu chủ nghĩa Mác – Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh: Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam , Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, T.II, tr.444.

[14] Nguyễn Khắc Huỳnh, Bài viết: Ngoại giao Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước - Bản lĩnh và trí tuệ.

[15] Báo cáo của Chính phủ về ngoại giao do đ/c Nguyễn Duy Trinh, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao trình bày trước Quốc hội, ngày 07-6-1971

[16] Bài viết của Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhân dịp Kỷ niệm 40 năm Hội nghị Paris về Việt Nam , 27/1/1973 – 27/1/2013.

[17] Vũ Dương Huân: Đấu tranh ngoại giao, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam , thống nhất đất nước, Tạp chí nghiên cứu quốc tế, số 33/2000.

[18] Một số văn kiện của Đảng về chống Mỹ, cứu nước 1975, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1985, t. 2, tr. 123.

[19] Bài báo: Mặt trận số 2 chống đế quốc Mỹ, Báo Nhân dân số 4517 ngày 19/8/1966, Bác Hồ viết với bút danh Chiến sỹ.

[20] Bộ Ngoại giao: Mặt trận ngoại giao với cuộc đàm phán Pari, Nxb . Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.347.

[21] Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mc Namara đã thừa nhận: Nước Mỹ thua trận ở Việt Nam bởi những sai lầm, trong đó có sai lầm “đánh giá thấp sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc thúc đẩy một dân tộc đấu tranh và hy sinh cho lý tưởng và các giá trị của nó.” McNamara: Nhìn lại quá khứ - Tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam , Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.316.