03:10 19/03/2012

Mặt trận Cánh tả Pháp biểu dương lực lượng

Cuộc chạy đua tranh cử Tổng thống Pháp ngày càng quyết liệt khi Mặt trận Cánh tả (FG) có những hoạt động để khẳng định vị thế không thể thay thế. Tâm điểm của các hoạt động tranh cử trong ngày 18/3 là cuộc tuần hành rầm rộ tại Pari của FG, do ứng cử viên Jean-Luc Mélenchon dẫn đầu.

Cuộc chạy đua tranh cử Tổng thống Pháp ngày càng quyết liệt khi Mặt trận Cánh tả (FG) có những hoạt động để khẳng định vị thế không thể thay thế. Tâm điểm của các hoạt động tranh cử trong ngày 18/3 là cuộc tuần hành rầm rộ tại Pari của FG, với nòng cốt là Đảng Cộng sản Pháp (PCF), do ứng cử viên Jean-Luc Mélenchon dẫn đầu.


Số liệu thống kê của giới quan sát cho biết, khoảng hơn 50.000 người thuộc nhiều tầng lớp lao động Pháp và nhiều người có thiện cảm với FG đến từ các nước Bỉ, Hy Lạp, Vênêxuêla,... đã tham gia cuộc tuần hành. Trong bài phát biểu gần 30 phút trước đoàn người tuần hành ủng hộ tại Quảng trường Bastille - biểu tượng lịch sử của cách mạng Pháp , ông Mélenchon tập trung đề cập đến các vấn đề về thể chế của nền cộng hòa, nêu bật việc xây dựng nền cộng hòa thứ sáu, là chủ đề trọng tâm trong cương lĩnh tranh cử của ông. Ứng cử viên Mélenchon kêu gọi người dân Pháp ủng hộ thay đổi nền cộng hòa kiểu cũ, tạo lập nền cộng hòa kiểu mới. Mặt khác, ông Mélenchon và Mặt trận Cánh tả cũng muốn tạo thế tương quan lực lượng với đảng Xã hội (PS) cánh tả nhằm buộc ứng cử viên François Hollande phải điều chỉnh chương trình hành động tranh cử. Qua cuộc tập hợp rộng lớn như vậy, Mặt trận Cánh tả muốn chứng tỏ rằng họ đang trở thành một lực lượng chính trị cánh tả không thể thay thế ở Pháp.


Hàng nghìn người tham gia cuộc mít tinh ủng hộ ứng cử viên cánh tả Jean-Luc Melenchon tại quảng trường Bastille ở thủ đô Paris (Pháp), ngày 18/3. Ảnh: AFP/TTXVN


Trong khi đó, cùng ngày, sau chuyến thăm Triển lãm Sách đang diễn ra ở Pari, ứng cử viên PS, ông François Hollande, cam kết thúc đẩy việc sử dụng tiếng Pháp và nhấn mạnh ý tưởng xây dựng một cộng đồng Pháp ngữ mạnh, đồng thời lên tiếng chỉ trích chính quyền đương nhiệm của Tổng thống Nicolas Sarkozy không dành ngân sách thích đáng cho các chính sách liên quan đến văn hóa.


Về phần mình, phát biểu trên đài truyền hình M6 tối 18/3, Tổng thống đương nhiệm Sarkozy nói rằng người dân Pháp đã nhận thức được tính chất nghiêm trọng của các cuộc khủng hoảng. Về vấn đề giáo dục, ông Sarkozy bác bỏ ý định tăng số lượng giáo viên trong các trường phổ thông theo đề xuất của ông Hollande, đồng thời nhấn mạnh vấn đề hiện nay của hệ giáo dục phổ thông ở Pháp là chất lượng, chứ không phải số lượng. Ông Sarkozy tiếp tục bảo vệ quan điểm giảm biên chế để tăng tiền lương cho đội ngũ công chức đang làm việc và cam kết trong trường hợp thắng cử, sẽ không thay đổi độ tuổi về hưu theo luật định, hiện là 62 tuổi.


Theo kết quả các cuộc thăm dò dư luận mới nhất ở Pháp, ứng cử viên Sarkozy đang có những bước tiến nhằm san bằng khoảng cách với ứng cử viên Hollande, thậm chí có phần vượt trội ít nhiều về số phiếu ủng hộ trong vòng một diễn ra vào ngày 22/4. Tuy nhiên, trong vòng hai dự kiến diễn ra ngày 6/5, các cuộc thăm dò dư luận hiện vẫn nghiêng về chiến thắng của ông Hollande. Kết quả thăm dò của Viện Ifop ngày 18/3 cho thấy trong vòng hai, ông Hollande có khả năng giành 54% số phiếu bầu so với tỷ lệ 46% của ông Sarkozy.


TTXVN/Tin Tức