02:09 04/02/2012

Mặt trái trong chính sách nhiên liệu sinh học của Canađa

Chính sách dùng nhiên liệu sinh học ethanol của Canađa vốn được thiết lập nhằm hỗ trợ môi trường, nhưng trên thực tế đã gây tổn hại cho nông dân và nghề chăn nuôi của họ.

Chính sách dùng nhiên liệu sinh học ethanol của Canađa vốn được thiết lập nhằm hỗ trợ môi trường, nhưng trên thực tế đã gây tổn hại cho nông dân và nghề chăn nuôi của họ.

Ngô là nguyên liệu chính để sản xuất ethanol. Ảnh: Internet

Theo báo Bưu điện Tài chính (Canađa), chính phủ Canađa và Mỹ đã phát triển các chính sách ethanol dùng cho nhiên liệu sinh học để giảm mức tiêu thụ xăng dầu, cùng khí thải. Ethanol được sử dụng để bổ sung vào xăng và được quy định theo luật pháp: Xăng buộc phải có 5% ethanol tại Canađa và 10% tại Mỹ. Các chính sách này bao gồm hàng tỷ USD tiền trợ cấp hoạt động và đầu tư vốn, cùng với các ưu đãi thuế. Trên thực tế, các chính sách của chính phủ đang tạo ra một ngành trong suốt hơn 20 năm qua mà lẽ ra ngành này không tồn tại nếu không có các chính sách đó. Nguyên liệu thô chủ yếu để sản xuất ethanol là ngô tại Mỹ và miền đông Canađa cùng lúa mì ở miền tây Canađa, cũng là hai nguyên liệu chính để sản xuất thức ăn chăn nuôi. Do vậy, các chính sách ethanol của chính phủ Canađa cũng đã tạo ra nhu cầu mới trên thị trường và nhu cầu này đã tăng mạnh trong 5 năm gần đây.

Các nhóm môi trường hiện đang nghi ngờ bản chất năng lượng "xanh" của ethanol. Tuy nhiên, người ta đã chắc chắn về ảnh hưởng của ethanol trong việc tạo ra một nhu cầu thị trường mới cho thức ăn chăn nuôi. Ví dụ tại Mỹ, từ giữa những năm 2000, khi chính phủ nâng quy định sử dụng ethanol bắt buộc từ 5% lên 10%, ngay lập tức giá ngô năm 2011 đã tăng hơn gấp đôi so với năm 2007. Do ngô là nguyên liệu chính cho ngành thức ăn chăn nuôi, nên giá ngô tăng đã dẫn đến giá thịt và giá các thực phẩm khác như rau xanh tăng vọt. Hơn nữa, vì Mỹ là nền kinh tế số 1 thế giới, nên các chính sách ethanol của Mỹ còn ảnh hưởng đến giá ngô và ngũ cốc toàn cầu.

Mặc dù Canađa là nhà sản xuất ethanol tương đối nhỏ so với Mỹ, nhưng các chính sách ethanol của Canađa cũng đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định giá ngũ cốc tại nước này. Ngành sản xuất ethanol non trẻ của Canađa đã làm tăng vọt nhu cầu đối với ngô ở khu vực miền đông và lúa mì ở miền tây. Trên thực tế, ngành ethanol tiêu thụ hơn 30% sản lượng ngô được sản xuất tại tỉnh Ontario. Do những khoản trợ cấp và quy định của chính phủ, ngành sản xuất ethanol đang có lợi thế trong cạnh tranh mua ngũ cốc so với ngành thức ăn gia súc.

Các dữ liệu trong một nghiên cứu mới đây do Trung tâm George Morris thực hiện, cho thấy:

- Việc sản xuất ethanol đã làm tăng giá ngô tại Canađa thêm khoảng 15-20 đôla Canađa (CAD)/tấn và giá lúa mì thêm khoảng 5-10 CAD/tấn.

- Việc sản xuất ethanol dẫn tới việc giảm lợi nhuận hoặc tăng thua lỗ của các nhà chăn nuôi Canađa, lên tới khoảng 130 triệu CAD/năm.

- Nếu chính phủ Canađa nâng tỷ lệ sử dụng ethanol bắt buộc lên 10%, sẽ khiến ngành chăn nuôi gia súc và nuôi lợn ở miền đông nước này bị thu hẹp.

Điểm mấu chốt là ngành ethanol đã góp phần làm giảm quy mô ngành chăn nuôi tại Canađa thông qua ảnh hưởng của nó đối với lợi nhuận và giá cả vật nuôi. Việc mở rộng ngành ethanol sẽ chỉ làm tăng những hậu quả tiêu cực, bởi vì ngành chăn nuôi và sản xuất thịt đang tạo ra 100.000 việc làm trực tiếp và vô số việc làm gián tiếp, tạo ra thu nhập xuất khẩu hàng năm trị giá hàng trăm triệu CAD và là một nguồn lực quan trọng cho việc phát triển kinh tế nông thôn tại nhiều khu vực của Canađa. Mặt khác, khi ethanol khiến giá ngô tại Canađa tăng lên, nó sẽ ảnh hưởng tới giá thực phẩm, kể cả thịt, sữa và rau xanh.

Mới đây, chính phủ Mỹ đã hủy bỏ khoản ưu đãi thuế liên bang trị giá 6 tỷ USD dành cho ngành ethanol. Đó là một dấu hiệu cho thấy các chính sách ethanol có thể đang thay đổi và có thể trở thành tấm gương cho các nhà hoạch định chính sách của Canađa.

Thanh Hoa (P/v TTXVN tại Canađa)