11:17 09/11/2012

'Mất oan' tiền tỉ của Nhà nước

Điều đáng nói là khi người dân xây nhà lại không bị lập biên bản hay xử phạt gì cả. Đến khi cần đất giao cho nhà đầu tư, chính quyền lại thì phải làm công tác hỗ trợ di dời, gây tốn kém thêm tiền bạc của Nhà nước.

Ngày 25/10 và 8/11/2012, UBND huyện Châu Thành (Bến Tre) đã buộc phải tiến hành cưỡng chế 8 hộ dân xây nhà sau qui hoạch dự án khu công nghiệp (KCN) An Hiệp, xã An Hiệp.

Đây là 8 hộ dân thuộc giai đoạn 5 – đợt 1, còn tính các giai đoạn trước thì có đến 41 hộ.

KCN An Hiệp có diện tích 72 ha, được qui hoạch từ 2005. Do không có vốn nên phải chia làm nhiều giai đoạn thu hồi đất, bồi thường tiền để giải phóng và giao mặt bằng cho nhà đầu tư.

41 hộ nói trên đều xây nhà sau qui hoạch, trong giai đoạn từ 2005 – 2008. Điều đáng nói là bà con xây nhà sau qui hoạch nhưng không bị chính quyền địa phương hay cơ quan nào lập biên bản. Trái lại, khi nhà nước có yêu cầu thu hồi đất còn được xem xét hỗ trợ tiền di dời.

Trong việc xét hỗ trợ di dời, theo chỉ đạo của UBND tỉnh Bến Tre, nếu hộ nào xây nhà có nhu cầu ở thật sự thì được hỗ trợ 70%; hộ xây nhà nhưng không có nhu cầu để ở chỉ hỗ trợ 40%, theo khung giá đền bù do UBND tỉnh Bến Tre ban hành.

8 hộ dân bị cưỡng chế đều muốn được hỗ trợ 70% nhưng UBND huyện qua xem xét thấy cả 8 hộ nói trên xây nhà nhưng không có nhu cầu để ở (những bà con này không có hộ khẩu ở xã An Hiệp và đã có nhà ở xã khác). 8 hộ bị cưỡng chế đều đã nhận tiền (mức hỗ trợ 40%) từ 2009 nhưng đến nay chưa chịu di dời mà yêu cầu được hỗ trợ thêm 30% nữa. Tuy nhiên, UBND huyện Châu Thành xét thấy yêu cầu của 8 hộ trên không hợp lý nên ra quyết định cưỡng chế.

Ngoài ra, có trường hợp nhận tiền bồi thường rồi nhưng buộc phải cưỡng chế. Đó là trường hợp của hộ ông Phạm Văn Tắc. Ông Tắc có 631,2m2 đất bị thu hồi và được bồi thường 64,9 triệu đồng và đã nhận tiền từ 11/12/2009 nhưng đến nay không chịu giao mặt bằng.

Qua việc cưỡng chế 8 hộ dân cất nhà sau qui hoạch thuộc dự án KCN An Hiệp cho thấy công tác quản lý đất sau khi công bố qui hoạch của chính quyền địa phương và các ngành có liên quan còn lỏng lẻo. Đáng lẽ, sau khi công bố qui hoạch, chính quyền và các ngành liên quan công bố hiện trạng cho dân biết và nói rõ những phát sinh sau qui hoạch đều không được xem xét, khiếu nại. Nếu người dân không chấp hành thì chính quyền địa phương sẽ lập biên bản.

Điều đáng nói là khi người dân xây nhà lại không bị lập biên bản hay xử phạt gì cả. Đến khi cần đất giao cho nhà đầu tư, chính quyền lại thì phải làm công tác hỗ trợ di dời, gây tốn kém thêm tiền bạc của Nhà nước.

Được biết, số tiền hỗ trợ cho 41 hộ di dời phải lên tới vài tỉ đồng, trong đó 8 hộ buộc phải cưỡng chế.

Ông Trần Văn Thọ, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành bày tỏ: Cưỡng chế là hạ sách nhưng buộc phải làm. UBND huyện rút kinh nghiệm trong việc quản lý đất sau qui hoạch, cần tăng cường hơn nữa trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong quản lý đất sau qui hoạch.


Văn Trí