12:08 05/12/2010

Marcel Leroy - Con mãnh hổ trong làng tình báo Pháp (kỳ 4)

Sau thất bại trong điệp vụ tàu tốc hành phương Đông, Leroy mất một thời gian “ăn ngủ không yên”. Ông vẫn quyết tâm bằng mọi cách phải “thọc” tay vào túi thư ngoại giao của Liên Xô nhưng Leroy cũng nhận thấy rằng không thể làm theo cách cũ.

Xuất thân từ một chiến sỹ du kích trong thời kỳ Đại chiến thế giới thứ 2, Marcel Leroy-Finville đã tham gia tổ chức các đội quân chiến đấu ngay trong lòng địch hậu khi quân phát xít Đức chiếm đóng lãnh thổ nước Pháp. Là một người có tài thao lược bẩm sinh, sau khi chiến tranh kết thúc, ông được mời về làm việc tại Cục tình báo nước ngoài và phản gián Pháp (SDECE) và chính tại đây ông đã phát huy được những phẩm chất tuyệt vời của một điệp viên. Với những thành tích đặc biệt trong công tác, Leroy được bổ nhiệm làm trưởng Phòng 7 của SDECE và được giới tình báo phương Tây thừa nhận là một điệp viên bậc thầy với những kỹ năng thu thập thông tin có một không hai. Theo những tài liệu được giải mật sau này, 90% thành quả mà tình báo Pháp đạt được trong những năm 1960-1970 có sự đóng góp của Phòng 7 do Leroy lãnh đạo.

Kỳ 4: Thành công sau thất bại

Sau thất bại trong điệp vụ tàu tốc hành phương Đông, Leroy mất một thời gian “ăn ngủ không yên”. Ông vẫn quyết tâm bằng mọi cách phải “thọc” tay vào túi thư ngoại giao của Liên Xô nhưng Leroy cũng nhận thấy rằng không thể làm theo cách cũ. Nghiên cứu kỹ các phương thức gửi túi “bưu phẩm” của phía Liên Xô, Leroy phát hiện ra rằng họ còn có một bộ phận gửi theo các chuyến tàu bưu điện chạy đêm từ Pari tới Mátxcơva.

Cuộc đời tình báo bất hủ của Leroy sau này đã được viết thành sách.

Ngay lập tức Leroy cho người tìm hiểu và vẽ lại bản đồ của toa chở bưu phẩm trên chuyến tàu, trong đó đặc biệt chú ý tới các chi tiết ở khu vực phòng phân loại bưu kiện. Các thông tin gửi về cho thấy ngay cạnh phòng phân loại là một buồng rất nhỏ của trưởng toa bưu điện, nơi ông này thường xuyên có mặt để làm các loại báo cáo. Bên cạnh đó, các “gói hàng” của Liên Xô được xếp trong các ngăn kéo nhỏ dọc lối đi và được kẹp chì sau khi tàu khởi hành. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để lọt được vào toa bưu phẩm nghiêm ngặt chỉ có nhân viên bưu điện mới được vào, cũng như làm thế nào để mở được lớp chì niêm phong của các ngăn kéo chật hẹp để chụp hình các tài liệu rồi kẹp chì trở lại mà không bị phát hiện. Hơn nữa, cần phải tính tới việc trong khi di chuyển, độ rung lắc của đoàn tàu sẽ gây khó khăn cho công việc của các điệp viên do phòng chứa các bưu phẩm trên rất hẹp.

Sau khi nghiên cứu các tài liệu và tính toán các khả năng có thể xảy ra, Leroy đề nghị các chuyên gia chế tạo của Phòng 7 tìm loại dây thép mà cơ quan bưu điện vẫn hay sử dụng, chế ra một loại kìm đặc biệt có thể cắt đứt mọi loại kẹp chì. Và để giải quyết vấn đề rung lắc khi tàu đang chạy, Leroy cho làm một chiếc bàn đỡ, dùng dây buộc cố định vào bộ quần áo được chế tạo đặc biệt tạo cảm giác cho người mặc vào không còn bị rung lắc. Leroy giao việc thực hiện nhiệm vụ khó khăn này cho Raymond Aman, một cộng sự từng sát cánh cùng ông nhiều năm sau chiến tranh và sau này được chính ông giới thiệu về với Cục tình báo nước ngoài và phản gián Pháp (SDECE).

Ga tàu phía đông, nơi nhóm điệp báo của Leroy hoàn thành sứ mệnh sao chụp tài liệu trong các túi thư ngoại giao của Liên Xô.

Trong suốt hai tuần đầu tháng 7/1952, Leroy đã cử người ém trên tàu để quan sát nếp sinh hoạt của các nhân viên bưu điện, ghi rõ giờ giấc đi lại và ăn ngủ của họ. Thời gian các nhân viên bưu điện ngồi phân loại các bưu phẩm, cũng như lúc họ không có mặt ở toa đều được ghi chép cẩn thận. Mọi sự chuẩn bị đã sẵn sàng và chỉ chờ ngày hành động. Một ngày cuối tháng 7, Aman và một điệp viên nữa có mặt trên tàu. Họ nhanh chóng tiếp cận được toa bưu điện khi các nhân viên ở đó đang giờ đi ăn. Mọi việc diễn ra đúng như dự tính, hai người hành động một cách mau lẹ mà không gặp bất cứ khó khăn nào. Họ đóng gói bao bưu kiện cuối cùng, mang máy ảnh thu nhỏ và toàn bộ phim chụp cất vào người để rời căn buồng chật hẹp. Sợi dây thép bảo vệ phòng bưu phẩm cũng được buộc lại và kẹp chì một cách cẩn thận giống như lúc chưa bị mở ra. Tuy nhiên khi họ đang bước ra khỏi toa tàu thì lại một sự cố bất ngờ nữa xảy ra. Viên trưởng toa từ đâu xuất hiện và cất giọng: “Các anh là ai, vào đây làm gì thế?”. Aman nhanh trí trả lời: “Chúng tôi trong đội tuần tra đặc biệt được cử tới đây để bảo vệ đoàn tàu này. Gần đây có thông tin nói rằng trên tàu có cướp nên cơ quan an ninh cử chúng tôi tới. Do đây là nhiệm vụ đặc biệt nên không ai biết về sự hiện diện của chúng tôi”. Tuy nhiên, ông này vẫn nghi ngờ về những lời giải thích của Aman và như một phản xạ ông đẩy hai điệp viên ra để kiểm tra dấu kẹp chì nhưng thấy mọi thứ vẫn nguyên như cũ. Sau đó, trước khi rời đi, Aman còn bồi thêm một câu khiến viên trưởng toa bối rối: “Nếu ông để lộ chuyện này ra thì khi trở về Pari, cấp trên của chúng tôi sẽ nói chuyện với lãnh đạo của ông đấy”.

Toàn bộ sự việc được Aman báo cáo lại với Leroy ngay khi trở về và trưởng Phòng 7 ngay lập tức nghĩ tới việc cần phải cảnh cáo và giám sát viên trưởng toa bưu điện để đề phòng bất trắc. Thông qua một người bạn có chức sắc làm việc ở bộ phận cảnh sát đường sắt, Leroy mượn được phòng làm việc của trạm trưởng cảnh sát đường sắt khu vực ga phía đông Pari, nơi các chuyến tàu đến và đi Mátxcơva thường đỗ lại. Một đội điệp viên Phòng 7 được cử tới đó đóng vai cảnh sát và khi tàu chở bưu phẩm đỗ lại, Aman nhanh chóng trèo lên tàu tìm gặp viên trưởng toa bưu điện và yêu cầu ông này xuống gặp trưởng đồn cảnh sát ga. Xuống tàu, Aman và trưởng toa bưu điện tiến vào trạm cảnh sát ga phía đông, nơi Leroy ngồi làm việc với tư cách là “trạm trưởng cảnh sát”. Nhìn thấy viên trưởng toa bưu điện, Leroy phủ đầu luôn: “Chúng tôi triệu tập ông đến để nói về chuyện kiểm tra trên tàu hôm trước. Ông yên tâm chúng tôi không phát hiện thấy điều gì bất thường cả. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn phải làm như vậy và ông phải biết rằng chúng tôi có thể làm điều này bất cứ lúc nào, kể cả khi ông vắng mặt. Nhưng ông không được tiết lộ chuyện này bởi nó liên quan tới bí mật quốc gia đấy và nếu có gì xảy ra thì ông sẽ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm”.

Đòn tâm lý của Leroy thực sự đã tác động tới tâm lý của viên trưởng toa bưu điện nên suốt một thời gian dài sau đó, thông qua các biện pháp nghiệp vụ, tình báo Phòng 7 nhận thấy ông này không có biểu hiện thất hứa. Leroy cuối cùng cũng thở phào nhẹ nhõm sau khi điệp vụ thành công dù trải qua một số bất trắc.

Minh Nhựt (Tổng hợp)