11:06 01/11/2014

Mập mờ “xã hội hóa” giáo dục để lạm thu - Gia tăng tình trạng lạm thu

Đã gần 2 tháng sau ngày khai giảng, những tưởng “câu chuyện” lạm thu đã lắng xuống, nhưng không, những ngày qua, rất nhiều các phụ huynh và người dân đã lên tiếng bức xúc về vấn đề lạm thu, đồng thời đề xuất các biện pháp để trị tận gốc căn bệnh lạm thu.

Đã gần 2 tháng sau ngày khai giảng, những tưởng “câu chuyện” lạm thu đã lắng xuống, nhưng không, những ngày qua, rất nhiều các phụ huynh và người dân đã lên tiếng bức xúc về vấn đề lạm thu, đồng thời đề xuất các biện pháp để trị tận gốc căn bệnh lạm thu. Theo đó, cần thực hiện triệt để dân chủ trong nhà trường; đồng thời, cần xử lý nghiêm hiệu trưởng nếu tình trạng lạm thu xảy ra để làm gương, nếu để xảy ra lạm thu.

Gia tăng tình trạng lạm thu

Theo một chuyên gia giáo dục, chưa năm nào những vụ việc về lạm thu đầu năm học lại nhiều như năm nay. Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT) đã phải có văn bản yêu cầu địa phương xử lý và làm rõ về thực tế này, đồng thời “thân chinh” tổ chức các đoàn thanh tra về thực trạng lạm thu.

Nhiều sự việc được xử lý


Theo phản ánh của nhiều học sinh trường THPT Hùng Vương (quận 5, TP Hồ Chí Minh), từ đầu năm tới nay, các em phải đóng nhiều khoản tiền như: Thẻ thư viện, thẻ học sinh, tiền bảo trì phòng máy tính… Đặc biệt, các em phải đóng một khoản tiền mà nhà trường gọi là tiền hỗ trợ dạy và học, với mức đóng góp là 100.000 đồng/em. “Nhiều bạn đóng tiền mà không có biên lai, giáo viên cũng không giải thích cho chúng em cụ thể đây là khoản tiền gì”, một học sinh chia sẻ.

Giáo viên ghi các khoản đóng góp đầu năm học (chưa kể tiền quỹ lớp 250.000 đồng) lên bảng trong một buổi họp phụ huynh đầu năm tại một trường THCS.Ảnh: Huy Quang



“Nếu đối chiếu theo quy định, thì những khoản thu này đều không nằm trong những khoản phải đóng góp của học sinh. Đặc biệt, học sinh không được giải thích rõ là thu và chi vào những việc gì. Trước sự việc này, đoàn thanh tra của Bộ GD - ĐT phải vào cuộc làm rõ”, đại diện Bộ GD - ĐT cho biết.

Cùng thời gian này, Sở GD - ĐT Đắk Nông vừa tiến hành xử phạt hành chính đối với 6 trường trên địa bàn tỉnh, trong đó có 3 trường tiểu học và 3 trường THCS, mỗi trường 10 triệu đồng, vì đã để xảy ra tình trạng lạm thu đầu năm học. Các trường bị xử phạt gồm: Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, trường Tiểu học Võ Thị Sáu ở thị xã Gia Nghĩa; trường THCS Lê Quý Đôn (xã Trường Xuân), huyện Đắk Song; trường THCS Nguyễn Du, trường TH Bùi Thị Xuân (thị trấn Kiến Đức) và trường Tiểu học Nguyễn Thái Học (xã Nhân Cơ) ở huyện Đắk R’lấp; vì những khoản thu không có trong quy định, nhưng lại bắt buộc học sinh phải đóng.

Theo đó, như phản ánh của một phụ huynh có con học tại trường cấp II, III Lê Duẩn, xã Quảng Sơn, huyện Đắk Nông, Đắk Nông, con chị đã buộc phải mua đồng phục của nhà trường thì mới được nộp hồ sơ vào trường. Khi hỏi ra thì được biết đây là quy định do hiệu trưởng của trường đưa ra. Điều này đã làm không ít phụ huynh bất bình.

Ông Trương Anh, Giám đốc Sở GD - ĐT Đắk Nông cho biết: Dịp đầu năm học 2014 - 2015, Sở đã thành lập đoàn Thanh tra về hoạt động thu chi tài chính của một số trường trên địa bàn tỉnh, phát hiện có 6 trường vi phạm các khoản thu đầu năm học và đã phạt hành chính mỗi trường 10 triệu đồng, buộc phải hoàn trả lại số tiền đã thu cho học sinh.

Cần rạch ròi giữa xã hội hóa và lạm thu

Nhiều phụ huynh cho rằng, hầu hết đều muốn con em được học hành tử tế và không muốn phản ứng với nhà trường. Tuy nhiên, những quy định trái khoáy như: Học sinh bắt buộc phải mua đồng phục do trường quy định, bắt buộc mua quần áo thể dục, bút chì, sách vở… của trường, mà không chấp nhận cho mua ở ngoài; là điều “không thể chấp nhận”. Chị Nguyễn Thị Thảo (Trực Ninh, Nam Định) cho biết: “Những vật dụng bình thường như bút chì, sách vở, chúng tôi hoàn toàn có thể mua ở ngoài cho con, thậm chí với giá rẻ hơn so với mua ở trường, nhưng lại không được phép. Đây là những khoản bị “ép” chứ không phải là “tự nguyện”.

Để “lý giải” cho những khoản thu vô lý này, lãnh đạo trường cho rằng, hiện kinh phí Nhà nước cấp cho còn eo hẹp, không đủ chi tiêu nên phải huy động nguồn xã hội hóa và dựa vào các khoản đóng góp tự nguyện của phụ huynh học sinh.

Tuy nhiên, lời “biện hộ” của những lãnh đạo trường này đều không hợp lý. Ông Bùi Hồng Quang, Phó Vụ trưởng Vụ kế hoạch Tài chính, Bộ GD - ĐT cho biết: Ngân sách bố trí cho các cấp học là trách nhiệm của địa phương. Ngân sách này phải đảm bảo tối đa 80% chi thường xuyên để chi trả lương và các khoản chi có tính chất lương, còn lại 20% chi cho công tác giảng dạy và học tập. Nhưng nhiều nơi không đảm bảo được cơ cấu quy định, đa số chi tới 90% cho lương, nên đã dẫn tới thiếu hụt trong khoản chi cho học tập và công tác quản lý nhà trường. “Nhưng nếu dựa vào lý do này để thu của học sinh là không đúng. Không thể vì tăng thêm nguồn thu, mà đặt ra những khoản thu vô lý, rồi dán mác tự nguyện, xã hội hóa như vậy được”.

Cũng theo ông Bùi Hồng Quang, cần phân biệt rõ giữa xã hội hóa và lạm thu. Xã hội hóa là chủ trương đúng đắn của Đảng và Chính phủ là việc kêu gọi phát huy tiềm năng vật chất, trí tuệ cho phát triển giáo dục đào tạo. Và việc vận động đóng góp phải đảm bảo nguyên tắc cơ bản là tự nguyện thực chất. Còn lạm thu là vì đây là khoản không có trong quy định, do một nhóm ban đại diện phụ huynh đứng ra huy động và không có nội dung chi phục vụ trực tiếp cho học sinh.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội:

Chưa thực hiện tốt dân chủ trong nhà trường

Hiện nay, trong điều kiện Nhà nước chưa thể cung cấp kinh phí cho nhà trường phát triển, thì theo chính sách xã hội hóa, việc đóng góp theo điều kiện từng trường, lớp là đúng. Tuy nhiên, qua phản ánh, thì có nhiều khoản không được sự đồng tình của phụ huynh, nên đã tạo nên sự bức xúc này. Hiện nay, các sở GD - ĐT, Bộ GD - ĐT đã có văn bản chỉ đạo về thực trạng này và trách nhiệm là các trường phải thực hiện. Tuy nhiên, vẫn có những nơi làm không đúng chỉ đạo, người dân không được bàn bạc. Đáng lý, cha mẹ học sinh phải được bàn bạc về những khoản thu, phải có sự dân chủ.

Theo đó, một trong những nguyên tắc đầu tiên là phải có bàn bạc, thỏa thuận, giải thích cho các phụ huynh, đồng thời trong quá trình chi tiêu phải minh bạch. Người dân đều muốn con học tốt và đều muốn chia sẻ. Và họ sẽ sẵn sàng đóng góp, nếu minh bạch và hợp lý. Nếu thực hiện dân chủ trong nhà trường, người dân được quyền tham gia, giám sát thì không có lạm thu. 


Anh Nguyễn Ngọc Nam (Thanh Trì, Hà Nội):

Tôi cần sự minh bạch

Nhà tôi có hai con, một học trường công lập, một học dân lập. Theo tôi nhận thấy, trường dân lập khoản đóng cao hơn hẳn, nhưng có buổi bàn bạc khá thẳng thắn trong phụ huynh. Đồng thời, 100% phụ huynh đều nhất trí với thái độ rất ủng hộ. Tuy nhiên, ở trường công lập thì có trường hợp, Hội cha mẹ học sinh đưa ra khoản như: bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể là bắt buộc mua tại trường, trong khi khoản này mua ở đâu cũng được. Con tôi dù đã được mua trước bảo hiểm rồi, nhưng không thể không nghe lời cô, nên vẫn phải mua bảo hiểm lần nữa. Tôi nghĩ cần có sự rõ ràng và minh bạch.


TS Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên trợ lý Bộ trưởng Bộ GD - ĐT:

Phải có chế tài cho Ban đại diện cha mẹ học sinh

Hiện nay có nhiều ý kiến bỏ Ban đại diện cha mẹ học sinh. Đây cũng phản ánh mặt trái hoạt động của hội này hiện nay. Nếu Hội cha mẹ học sinh duy trì cần phải xem xét lại và có cơ chế nào đó để kiểm soát hoạt động của hội. Trước đó, Bộ GD - ĐT đã ban hành thông tư 55/2011 quy định điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh, trong đó có quy định kinh phí hoạt động ban đại diện cha mẹ học sinh gồm kinh phí ủng hộ của cha mẹ học sinh và từ nguồn tài trợ khác. Đây là khoản ủng hộ tự nguyện của cha mẹ học sinh. Chi khoản kinh phí này, ban đại diện thực hiện nguyên tắc công khai, dân chủ, chi tiêu phải báo cáo trước toàn thể Ban đại diện học sinh lớp. Ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp những khoản đóng góp mua đồ dùng dạy học, xây dựng sửa chữa công trình cho nhà trường… Theo tôi, bên cạnh quy định này cần có cơ chế giám sát, chế tài để hoạt động.


L.V