11:22 30/11/2011

“Mài” trong hội họa

Người ta có thể sử dụng nhiều kiểu bút pháp. Tuy nhiên, với sơn mài thì bắt buộc phải coi mài là chủ đạo, phải thấy được hiệu quả của mài, không khí mài. Dù đó là đậm nhạt, sáng tối, tả cảnh, tả tình, tả chất hay gì đi nữa thì vẫn phải được tạo ra từ mài.

Sơn mài được coi là một trong các chất liệu hội họa ở Việt Nam. Đây là kết quả của sự tìm tòi và phát triển kỹ thuật nghề sơn thủ công truyền thống Việt Nam thành kỹ thuật sơn mài riêng. Hiện nay đang có sự nhầm lẫn giữa sơn mài trong thủ công mỹ nghệ và sơn mài trong hội họa. Kỹ thuật mài là điểm khác biệt lớn nhất giữa đồ thủ công sơn mỹ nghệ và tranh sơn mài.

Họa sĩ Dương Quý Dương tại triển lãm của mình.


Tranh sơn mài sử dụng các vật liệu màu truyền thống của nghề sơn như sơn then, sơn cánh gián làm chất kết dính, cùng các loại son, bạc thếp, vàng thếp, vỏ trai vẽ trên nền vóc màu đen. Đầu thập niên 30 của thế kỉ trước, những họa sĩ Việt Nam đầu tiên học tại trường Mỹ thuật Đông Dương đã phát hiện thêm các vật liệu màu khác như vỏ trứng, ốc, cật tre và đặc biệt đưa kỹ thuật mài vào để sáng tác những bức tranh sơn mài thực sự.
Sơn mài có những điểm "ngược đời": Muốn lớp sơn vừa vẽ khô, tranh phải ủ trong tủ kín gió và có độ ẩm cao. Muốn nhìn thấy tranh lại phải mài mòn đi mới thấy hình. Hầu hết họa sĩ đồng ý rằng: Kỹ thuật vẽ sơn mài khó và có tính ngẫu nhiên nên nhiều khi các họa sĩ dày dạn kinh nghiệm cũng bất ngờ trước một hiệu quả đạt được sau khi mài tranh.

Cuối tháng 11 vừa qua, triển lãm tranh cá nhân “Mài” của họa sĩ sinh năm 1977, Dương Quý Dương đã diễn ra. 13 tác phẩm tại triển lãm được họa sĩ trẻ vẽ từ năm 2009 cho thấy quan niệm về sơn mài của anh. Dương Quý Dương đưa ra một lập luận riêng khi cho rằng: “Mài là moi ra, làm cho bong ra, làm cho nó tróc lở ra, làm nó lộ ra những gì mà mình đã bồi đắp lên. Mài là làm cho nó mòn đi, bỏ đi. Mài là phá đi, hủy đi, vứt đi, “làm hỏng” đi”. Đây là một quan niệm khá mạnh bạo trong hội họa sơn mài.

Một tác phẩm “mài” của Dương.


Họa sĩ Lê Thiết Cương, người rất quan tâm đến triển lãm này nói: “Khi Dương Quý Dương đặt tên triển lãm cá nhân đầu tiên của mình là “Mài” thì tôi hiểu đây không chỉ là chơi chữ, không chỉ đơn thuần là tên của cuộc triển lãm. Đây chính là quan niệm về chất liệu, quan niệm về sơn mài của Dương”.

Điều tưởng chừng như hiển nhiên, không mài thì không phải sơn mài, lại đang bị mất đi, đang bị hiểu sai đi. Sơn mài là một chất liệu truyền thống của Á Đông, một chất liệu làm đồ mỹ nghệ. Còn sơn mài trong mỹ thuật mới có lịch sử khoảng 100 năm tại Việt Nam. Đã có nhiều thể nghiệm với sơn mài nhưng rất tiếc một số tác giả nổi lên hiện nay ở chất liệu này lại đang hiểu rất thật thà về mài. Với họ, mài là làm cho mặt tranh trở nên phẳng, nhẵn và bóng bẩy.

Người ta có thể sử dụng nhiều kiểu bút pháp. Tuy nhiên, với sơn mài thì bắt buộc phải coi mài là chủ đạo, phải thấy được hiệu quả của mài, không khí mài. Dù đó là đậm nhạt, sáng tối, tả cảnh, tả tình, tả chất hay gì đi nữa thì vẫn phải được tạo ra từ mài. Chất liệu nào ngôn ngữ đó, đây là một nguyên tắc, giống như là giới tính.

Theo họa sĩ Bằng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, tranh sơn mài phải đưa được hiện thực cuộc sống vào tranh, những trạng thái, cảm xúc, tình cảm của tác giả được thể hiện trong tranh, thông qua phương pháp mài. Sơn mài mỹ nghệ không làm được bởi nó đơn giản chỉ là sự phản ánh hình ảnh cuộc sống vào những vật dụng sơn mài. Xu hướng nghệ thuật mới hiện nay là mài tranh sần sùi, thô ráp thay vì mài cho bóng bẩy. Có thể coi đó là những thử nghiệm của lớp các họa sĩ trẻ hiện đại.

Trong một bức tranh, họa sĩ Dương Quý Dương vẽ một người đàn ông đang ngồi một mình, không phải trước gương mà trước một buổi chiều, buồn bã, đơn độc. Dáng vẻ của nhân vật ấy đầy trăn trở, trằn trọc, băn khoăn, muốn nói mà không nói được, không nói với ai được, không có ai để nói. Tất cả những trạng thái đó: Sáng hay chiều, vui hay buồn, nói hay im lặng đều được Dương “mài” cho người ta thấy. Nói cách khác, người ta cảm thấy những điều đó là do hiệu quả của mài. Mài là vẽ, vẽ là mài. Mài là nghệ thuật, sơn mài là nghệ thuật của mài.

Trên cơ sở bút pháp chủ đạo là mài, Dương thêm vào một số yếu tố “phản sơn mài” như cào xước, róc, khoét (đối lập với những mảng phẳng, nhẵn), khi thì bằng cách khắc vạch, khi thì bằng cách mài. Cách đi nét của Dương cũng rất mài, chỉ có mài mới làm được như vậy, nét không liền mạch mà bong tróc đứt quãng, có nhiều lớp, đậm nhạt khác nhau, màu khác nhau. Những nét son, bạc, vàng lấp ló, nhấp nhô, đuổi bắt, ẩn hiện, được mất.

Bao nhiêu thế hệ họa sĩ Việt Nam đã đưa được sơn mài từ mỹ nghệ sang mỹ thuật, thì có một vài họa sĩ sơn mài hôm nay lại đang giật lùi về mỹ nghệ. Sơn ta, sơn mài (với ngôn ngữ mài) là một truyền thống. Nó không những đủ mà còn thừa để cho bất cứ ai tìm kiếm thể nghiệm, hiện đại và làm mới.

Tìm được chất liệu hợp với mình và quan niệm đúng về chất liệu mới chỉ là bước đầu. Nhận xét về triển lãm “Mài” của Dương Quý Dương, họa sĩ Lê Thiết Cương cho rằng, Dương đã chớm có lối tạo hình riêng và bắt đầu hình thành một bút pháp của mình. “Chỉ mong rằng Dương tự tin vào những cái mầm nhỏ nhoi ấy, những tia sáng ban đầu mong manh ấy để đi tiếp”, họa sĩ Cương tâm sự.

Hoàng Dương