12:13 21/12/2010

Mai một loại hình hát Soọng cô

Là tỉnh miền núi có 22 dân tộc cùng sinh sống và mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa riêng, tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, bản sắc văn hóa các dân tộc ở tỉnh Tuyên Quang đang có nguy cơ bị mai một.

Là tỉnh miền núi có 22 dân tộc cùng sinh sống và mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa riêng, tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, bản sắc văn hóa các dân tộc ở tỉnh Tuyên Quang đang có nguy cơ bị mai một.

Mai một

Người dân Sán Dìu, xã Ninh Lai, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) vốn rất tự hào về hát Soọng cô - một loại hình xướng ca truyền thống có làn điệu dặt dìu, thiết tha say đắm lòng người.


Nhưng hiện nay, khi hỏi những người trẻ tuổi ở đây có biết hát Soọng cô không, thì chỉ nhận được những cái lắc đầu. Thậm chí có em còn hồn nhiên trả lời: “Đến tiếng nói dân tộc mình, bọn em còn không biết, nói gì đến hát Soọng cô”.

Hát Soọng cô của dân tộc Sán Dìu (Tuyên Quang) ngày càng bị mai một. Ảnh: Quang Đán


Phải hỏi mãi, chúng tôi mới tìm gặp được ông Đỗ Văn Hương, dân tộc Sán Dìu, 66 tuổi, thôn Ninh Bình, xã Ninh Lai - một trong những người "hiếm hoi" ở đây còn hát được làn điệu truyền thống của dân tộc mình.


Ông Hương bắt đầu câu chuyện với chúng tôi về kỷ niệm ông và vợ ông là bà Hoàng Thị Sửu, nên duyên vợ chồng từ những đêm đi hát Soọng cô. Ông Hương cho biết, trước đây con trai không biết hát Soọng cô thì khó mà lấy được vợ! Vào dịp mùa xuân, thời điểm nông nhàn, lễ hội hay các đám cưới, hỏi…, thanh niên nam nữ người dân tộc Sán Dìu thường rủ nhau đi hát Soọng cô.


Qua mỗi làng, họ dừng lại hát một đêm, hôm sau cùng rủ thanh niên nơi đó nhập vào đám hát đến các làng khác. Có khi đám hát có tới vài chục người và thường kéo dài cả chục ngày rất sôi nổi.

Bà Lê Thị Long, 61 tuổi, thôn Ninh Lai (xã Ninh Lai) giải thích: Lời hát Soọng cô là những câu chữ rất mộc mạc, giản dị nhưng giàu nhạc điệu, khi trầm bổng, khi ngân nga, lúc tha thiết, khi lại như thầm thì.


Người Sán Dìu ở đây mê hát bởi qua làn điệu hát Soọng cô, họ nói lên được tình cảm, ước vọng của mình. Trai gái hát Soọng cô để tìm duyên chồng vợ. Người già hát Soọng cô để răn dạy con cháu về công ơn nuôi dưỡng, sinh thành của cha mẹ, kinh nghiệm đối nhân xử thế… Soọng cô còn được hát giao lưu giữa các bên nam nữ khi lao động để xua tan mệt nhọc.

Được biết, xã Ninh Lai có hơn 70% dân số là người dân tộc Sán Dìu. Nhưng điều ông Hương và bà Long đang rất lo lắng là chưa biết làm thế nào để gìn giữ và phát triển hát Soọng cô, bởi thế hệ trẻ hiện nay chỉ quan tâm đến nhạc trẻ...

Mất dần bản sắc

Không chỉ làn điệu hát Soọng cô của người Sán Dìu, những lễ hội Lồng tồng (dân tộc Tày), lễ Cấp sắc, lễ Tết nhảy (dân tộc Dao), múa Nhảy lửa (dân tộc Pà Thẻn), những làn điệu Sình ca của người Cao Lan… cũng đang đứng trước nguy cơ bị mai một.

Đem việc bản sắc văn hóa các dân tộc đang bị mai một, chúng tôi trao đổi với ông Nguyễn Việt Thanh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang, ông Thanh thừa nhận: Thanh, thiếu niên các dân tộc không còn mặc trang phục truyền thống, không biết nói tiếng của dân tộc mình; kiến trúc nhà ở cũng không còn giữ được bản sắc riêng.


Các dân tộc có số lượng người ít bị ảnh hưởng nhiều về phong tục, tập quán và sinh hoạt văn hóa của các dân tộc có số lượng người đông… là có thật.

Cũng theo ông Thanh, để gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, tỉnh Tuyên Quang đang thực hiện Dự án "Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Tuyên Quang", với tổng kinh phí đầu tư gần 3,8 tỷ đồng.

Dự án thực hiện khảo sát, điều tra, nghiên cứu, sưu tầm di sản văn hóa của 7 dân tộc thiểu số và nhóm người Thủy, hiện cư trú theo cộng đồng tại 45 thôn, bản thuộc 5 huyện: Nà Hang, Sơn Dương, Chiêm Hóa, Yên Sơn, Hàm Yên; lựa chọn các di sản văn hóa tiêu biểu để bảo tồn; khai thác và phát huy các di sản văn hóa truyền thống phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển du lịch...


Đồng thời, phục dựng một số lễ hội đặc trưng của các dân tộc như: Lễ hội Lồng tồng của dân tộc Tày ở Chiêm Hóa, múa Nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn, thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang (Chiêm Hóa), Lễ hội làng Minh Cầm, xã Đội Bình (Yên Sơn)...

Quang Đán