12:16 31/12/2011

Mái ấm cho người nghèo đón Tết

Về Hà Lĩnh (Hà Trung, Thanh Hóa) những ngày cuối năm thấy hai bên đường, lẫn trong sương núi lẩn khuất là những nụ đào phai chớm nở. Màu mái ngói đỏ tươi của những ngôi nhà Đại đoàn kết mới hoàn thành chưa lâu làm ấm lòng người trong tiết trời se lạnh cuối đông.

Về Hà Lĩnh (Hà Trung, Thanh Hóa) những ngày cuối năm thấy hai bên đường, lẫn trong sương núi lẩn khuất là những nụ đào phai chớm nở. Màu mái ngói đỏ tươi của những ngôi nhà Đại đoàn kết mới hoàn thành chưa lâu làm ấm lòng người trong tiết trời se lạnh cuối đông. Những ngôi nhà được xây bởi nguồn hỗ trợ của Nhà nước, từ Quỹ Vì người nghèo và từ tình tương thân tương ái của anh em, làng xóm.

Tết ấm trong nhà mới

Những ngày đầu tháng 12 là khoảng thời gian ấm áp đặc biệt đối với bà Hoàng Thị Dục, khi căn nhà Đại đoàn kết dành cho bà chính thức xây xong. Lần đầu tiên trong đời, bà Dục được chuyển từ một ngôi nhà lụp xụp, ẩm thấp lên ở trong căn nhà khang trang được xây kiên cố.

”Trên 4 triệu đồng tiền ngói đấy!” - ông Hoàng Văn Tài hồ hởi giới thiệu với khách đến thăm ngôi nhà mới của người chị họ.


Ngồi chuyện trò với khách trên chiếc chiếu đã xỉn màu đặt giữa căn nhà mới hãy còn vương mùi vữa, nhìn chị mình đang ngồi trầm ngâm trên chiếc giường đơn ở góc căn nhà mới, ông Hoàng Văn Tài - em họ của bà Dục bùi ngùi: “Bà ấy khổ lắm. Từ xưa đến giờ toàn phải ở nhà tranh vách nát. Chưa biết đến mùi nhà mới là gì. Đã bao giờ xây nhà đâu! Tôi đi bộ đội về từ năm 1978, thấy tội nghiệp hai mẹ con bà nên dựng cho hơn 1 gian nhà mẹ con ở tạm”.

Bà Dục sinh năm 1956, ở thôn 1 của xã Hà Lĩnh, là một trong những hộ hoàn cảnh neo đơn của xã này. Bố mất sớm, mẹ mất cách đây hơn 10 năm, bà Dục không lấy chồng. Cứ ở vậy một thân một mình. Cách đây hai năm, bà bị tai biến mạch máu não, không làm việc đồng áng được, chỉ trông vào trợ cấp 180.000 đồng/tháng của Nhà nước cho hoàn cảnh neo đơn. “Đi vô đi ra thì được, cơm nước tự nấu nhưng đi làm việc thì không làm được. Có đau ốm chi thì kêu” - bà Dục nói như đếm từng tiếng một.

“3 sào ruộng của bà, trước khỏe còn làm được, giờ chuyển cho nhà tui làm hết. Trợ cấp được mấy đồng có khi còn không đủ để thuốc thang lúc ốm đau. Cũng may, đợt nằm viện, nhờ có bảo hiểm nên đỡ được nhiều”, ông Hoàng Văn Tài phân trần. “Còn gạo, chăn màn là gia đình tui lo cho hết. Khi có công to việc bé, giỗ chạp, nhà tui đều làm cỗ bàn hết từ ở nhà rồi bê sang đây đặt lên ban thờ cho bà thôi” - vợ ông Tài tiếp lời chồng.

Từ khi bà Dục được xã xét vào diện được hỗ trợ xây nhà theo Chương trình 167, cả nhà ông Tài phấn khởi thay cho bà chị họ. Hai vợ chồng ông giúp đỡ từ xây móng trở đi. Phần làm móng, san nền, đắp nền may mà có hàng xóm giúp đỡ. Các khâu còn lại, ông Tài khoán thợ làm. Từ khi làm đến khi ở được mất khoảng hơn 1 tháng. Nguyên vật liệu toàn bộ là do một tay ông Tài lo lắng tìm mua.

Từ khi sinh ra đến giờ, đây là lần đầu tiên bà Dục biết thế nào là cảm giác được sống trong một ngôi nhà mới. “Được ở nhà mới, bà thấy vui không” - chúng tôi ướm hỏi. Bà rơm rớm nước mắt, nói: “Tui mừng lắm. Không có Nhà nước, không có anh em làng xóm... thì không biết đến lúc mô tui mới có nhà mới”.

Để có căn nhà này, Mặt trận Tổ quốc huyện đã hỗ trợ 7 triệu đồng, Quỹ Vì người nghèo của xã hỗ trợ 5 triệu, bà Dục được vay thêm 8 triệu (5 năm đầu không tính lãi suất), thuộc đối tượng của Chương trình 167 nên bà Dục cũng được hỗ trợ thêm 7 triệu đồng.

Ông Tài bấm tay nhẩm tính, tổng kinh phí xây căn nhà hết khoảng trên 45 triệu đồng. “Tui đang cố gắng từ giờ đến Tết mỗi bữa mỗi ít để xây cho xong phần sân và làm nốt phần bếp nữa. Khi đó trông sẽ tươm tất ngay thôi. Có cái nhà này cho bà chị ở, tui yên tâm, nhất là những hôm trái gió trở trời”, ông Tài phấn khởi nói.

Anh em, xóm giềng góp sức

Hà Lĩnh là một trong 4 xã miền núi của huyện Hà Trung (tỉnh Thanh Hóa), diện tích trên 2.000 ha. Cả xã có 15 thôn, xã có tới 70% dân số làm nông nghiệp nhưng địa hình bán sơn địa, 2/3 diện tích xã là đồi núi, chỉ 1/3 là diện tích đất canh tác nên sản xuất nông nghiệp khó khăn.

Bà Hoàng Thị Dục (giữa) và vợ chồng cậu em họ trước thềm ngôi nhà mới.


Bên cạnh khó khăn đó, theo đại diện chính quyền xã, địa phương vẫn có những thuận lợi nhất định bởi mấy năm gần đây, Nhà nước đã tăng đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn thông qua rất nhiều chương trình: kích cầu xây dựng kênh mương, đường bê tông liên thôn, hỗ trợ tưới tiêu cho bà con sản xuất.

Đặc biệt, Hà Lĩnh được đánh giá là một trong những điểm sáng về thực hiện xây nhà Đại đoàn kết cho những hộ nghèo. Theo ông Vũ Thanh Sơn, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã, Hà Lĩnh xác định rằng việc thực hiện phát động của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc tỉnh, xóa nhà xuống cấp là chính sách rất tốt để lo an sinh cho nhân dân nên Đảng ủy đã tập trung triển khai sâu rộng trong cán bộ Đảng về chủ trương này. Khi phát động chương trình, mỗi người dân ý thức sâu sắc tinh thần lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều, tương thân tương ái.

Năm 2008, Mặt trận Tổ quốc xã được giao nhiệm vụ chủ trì việc rà soát các hộ có đủ tiêu chí trường hợp nghèo, nhà chưa kiên cố để xây dựng. Kết quả khảo sát có 86 nhà đủ tiêu chuẩn được hỗ trợ. Sau giai đoạn thứ nhất là xóa nhà tranh tre, nứa lá, tiếp tục khắc phục nhà xuống cấp.

Theo đại diện Đảng ủy Hà Lĩnh, bài học kinh nghiệm của Hà Lĩnh là, trên cơ sở chính sách kích cầu của Nhà nước: Một nhà được vay bao nhiêu tiền, sau đó, căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, nếu gia đình nào có nhiều anh em trong dòng họ thì chúng tôi lấy đó làm gốc để vận động anh em dòng họ đóng góp thêm. Nếu dòng họ ít người, trong các cuộc họp thôn, đưa vấn đề này ra bàn và kêu gọi tinh thần tương thân tương ái của bà con xóm giềng, của các đoàn thể. Chẳng hạn, nếu chủ hộ là nông dân, Mặt trận Tổ quốc sẽ giao cho Hội Nông dân chủ trì việc huy động đóng góp hỗ trợ cho hộ đó xây nhà; nếu chủ hộ này là thành viên của Hội Cựu chiến binh, chúng tôi giao Hội Cựu chiến binh đứng ra hỗ trợ; nếu là thành viên Hội Phụ nữ thì lại giao cho Hội Phụ nữ... Như vậy, bên cạnh sự giúp đỡ của dòng họ, Mặt trận Tổ quốc đã làm tốt việc phát huy tinh thần đóng góp của các hội, đoàn thể. Trong quá trình huy động, cùng với việc vận động gia đình anh em, chòm xóm, Quỹ Vì người nghèo của xã đã trích ra hỗ trợ mỗi gia đình 5 triệu đồng. “Nhà có tiền giúp tiền, nhà có lúa giúp lúa, nhà có vật liệu thì giúp vật liệu, có gạch thì hỗ trợ gạch, người biết nghề mộc thì hỗ trợ việc mộc, người biết xây thì xây giúp... Riêng Mặt trận Tổ quốc xã đứng ra bảo đảm cho các gia đình được mua chịu vật liệu xây dựng”, ông Vũ Thanh Sơn cho biết. Nhờ vận động tốt, việc hỗ trợ người nghèo xây nhà đã thành phong trào, có những thời điểm, nơi đang xây nhà Đại đoàn kết như một công trường vui vẻ.

Mong điều chỉnh mức hỗ trợ

Theo ông Vũ Ngọc Sơn, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện, mục tiêu đặt ra của Chương trình 167 là đến năm 2013 sẽ hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo. Riêng trong năm 2011, đã hỗ trợ sửa chữa 1 nhà, làm mới 6 nhà cho người nghèo với tổng số tiền hỗ trợ là 59 triệu đồng. “Tháng 10 đến tháng 12/2011 là cao điểm hoàn thiện việc sửa và làm nhà Đại đoàn kết”, ông Sơn cho biết.

Khẳng định ý nghĩa tích cực của chính sách giúp người nghèo xóa nhà tạm, nhà xuống cấp, tuy nhiên, sau 3 năm triển khai tại Hà Lĩnh, vị Phó Bí thư Đảng ủy xã cho rằng vẫn còn những bất cập trong quá trình hỗ trợ. “Điều chúng tôi băn khoăn là ở chỗ tại sao người nghèo của năm 2008 được diện trợ cấp làm nhà; mà những người nghèo theo tiêu chí mới của 2009, 2010 lại không được?”.

Người dân mong muốn việc hỗ trợ cần kịp thời hơn, nhanh hơn. “Hiện nay, việc hỗ trợ còn chậm. Nhiều nhà đã làm xong và ở được mấy tháng rồi nhưng nguồn hỗ trợ vẫn chưa về. Chúng tôi nghĩ rằng, khi đối tượng đã có kế hoạch xây nhà rồi, cũng nên triển khai kế hoạch để giải ngân luôn. Làm tới đâu được giải ngân tới đó”, đại diện Đảng ủy xã đề xuất.

Bên cạnh đó, mỗi giai đoạn một khác. Nếu như trước kia, chỉ cần nhà cứng hóa để ở là được thì đến giai đoạn này, nên quan tâm hơn một mức. Theo đại diện Đảng ủy xã Hà Lĩnh, điều chỉnh như thế vì để phù hợp với giai đoạn xây dựng nông thôn mới mà Đảng và Nhà nước ta đang triển khai hiện nay, cơ sở vật chất của các gia đình cũng phải được nâng cấp hơn lên một bước nữa. Vì vậy, để đạt được điều này, chính sách nên tăng mức hỗ trợ lên. Mức hỗ trợ hiện nay đối với mỗi trường hợp thuộc diện hỗ trợ của Chương trình 167 nếu ở miền núi là 8 triệu đồng, còn ở đồng bằng được hỗ trợ 7 triệu đồng. Đại diện địa phương cho rằng, do giá cả vật liệu hiện nay đã cao hơn nhiều rồi, nên đề nghị Nhà nước nghiên cứu hỗ trợ thêm cho các đối tượng: Nâng cả mức vay và cả mức hỗ trợ nếu năm 2013 Nhà nước tiếp tục thực hiện chính sách này.

“Nếu được như thế, kết quả thực hiện chương trình sẽ tốt hơn, thời gian thực hiện được rút ngắn hơn, từng bước cải thiện điều kiện kinh tế xã hội cho các vùng khó khăn và đời sống người nghèo”, đại diện Đảng ủy xã Hà Lĩnh ngỏ ý.

Bài và ảnh: Mạnh Minh