07:14 28/07/2011

Ma Hiêng - cô Thủ khoa sinh ra từ rừng sâu

Nhà nghèo, bạn bè trong vùng chưa có nhiều người học hết trung học cơ sở nhưng cô học trò người Churu tên Mơ U Ma Hiêng (tên khai sinh là Ma Hiêng) ở làng K’Lông Bông thuộc xã Tà Năng,(Lâm Đồng) lại lập được thành tích đáng nể, trở thành thủ khoa khối C và là á khoa của Trường đại học Đà Lạt.

Nhà nghèo, đồng tộc trong vùng chưa có truyền thống hiếu học nhưng cô học trò mồ côi cha người Churu - Mơ U Ma Hiêng (tên khai sinh là Ma Hiêng) ở làng K’Lông Bông thuộc xã Tà Năng, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) lại lập được thành tích đáng nể, trở thành thủ khoa khối C và á khoa của trường Đại học Đà Lạt trong kỳ tuyển sinh vừa qua. Chúng tôi rất vất vả khi nhiều ngày liền không thể liên lạc được với Ma Hiêng vì vừa thi đại học xong là em đã về ngay tận vùng rừng Ma Lâm thuộc xã vùng sâu Ma Nới (Ninh Sơn – Ninh Thuận) để hái đậu thuê cho người Rắc Lây kiếm tiền.

Trong 5 ngày qua, từ khi trường Đại học Đà Lạt công bố kết quả điểm tuyển sinh, người Churu ở vùng ba xã vùng Loan vốn từng chỉ nổi tiếng về nạn “vàng tặc” bỗng râm ran niềm vui vì lần đầu tiên trong truyền thống của họ, lần đầu tiên ở vùng đất này có một cô học trò đã trở thành thủ khoa với kết quả ba môn 23 điểm ở ngành sư phạm ngữ văn đại học Đà Lạt. Đêm đêm, bên những bếp lửa leo lét trong vùng rừng núi thâm u này, bà con đồng tộc Churu lại cùng nhau hoan hỷ: “Như nân là vuây thrây hu mnik dak xong” (thế là chúng ta đã có người giỏi. Vui lắm!). Từ “thủ khoa” gắn liền với tên gọi Ma Hiêng trở thành tâm điểm tại nhiều nơi có đông người tập trung như quán xá, chợ, tập thể của các thầy, cô giáo trường THCS Tà Năng...Còn tại trường Dân tộc Nội trú tỉnh Lâm Đồng, nơi Ma Hiêng theo học ba năm THPT, cô giáo Vũ Thị Thu Thủy – Phó Hiệu trưởng phấn khởi thông báo: “Ma Hiêng là người trở thành thủ khoa đầu tiên trong số hàng chục nghìn học sinh của chúng tôi trong suốt 21 năm thành lập trường. Ban Giám hiệu và các thầy cô giáo rất tự hào em!”.

Niềm tự hào của dòng tộc, gia đình, nhà trường được Ma Hiêng hiện thực hóa bằng kết quả cụ thể của 3 môn thi: Ngữ văn 7,25; Lịch sử 7,0 và Địa lý là 8,75. Nhiều người bất ngờ về kết quả thi của người con Churu vì mãi đến tận bây giờ tộc danh Churu vẫn còn khá lạc hậu nhưng với Ma Hiêng thì đó là kết quả tất yếu. Trong ba năm bậc học THPT ở trường Dân tộc Nội trú Lâm Đồng, cô học trò Mơ U Ma Hiêng đã tích lũy cho bản thân đủ niềm tự tin. Hồ sơ lưu lại của nhà trường thể hiện suốt ba năm học tại đây, Ma Hiêng luôn là học sinh khá, giỏi. Trong kỳ Festival các trường Dân tộc Nội trú toàn quốc (tháng 8/2010), Ma Hiêng đã đạt giải khuyến khích môn Ngữ văn.

Với hệ thống Dân tộc Nội trú, giải này được xem như là giải Học sinh giỏi Quốc gia. Cũng trong năm học 2010 – 2011, Ma Hiêng còn ngoạn mục dành giải 3 học sinh giỏi cấp tỉnh ở môn Lịch sử. Khác với nhiều học sinh dân tộc thiểu số, dù xuất thân ở vùng quê rừng núi, hoang vắng ra phố thị đi học nhưng Mơ U Ma Hiêng luôn là người tích cực tham gia đầy đủ các hoạt động ngoại khóa, cộng đồng. Suốt thời kỳ THPT, em luôn là người gương mẫu và được bầu làm bí thư chi đoàn lớp, ủy viên Ban Chấp hành Đoàn trường. Cũng trong năm học lớp 12, Ma Hiêng vinh dự nhận học bổng ODON – VALET (một học bổng của Pháp, chỉ trao cho học sinh giỏi các trường Dân tộc Nội trú trên toàn quốc - PV)...Thành tích của Ma Hiêng hôm nay, trong hoàn cảnh khó khăn của cá nhân và gia đình em quả là một kết quả “biết nói” nhiều điều, những điều đáng suy ngẫm.

Chúng tôi phải thông qua một người Rắc Lây để gặp Ma Hiêng trong vùng rừng Ma Lâm. Trong tình trạng sóng di động ngắt quãng, Mơ U Ma Hiêng cho biết: em đi hái đậu thuê đã gần 20 ngày, tiền công mỗi ngày được trả 60.000 đồng. “Phải làm để có tiền mua sắm vài bộ quần áo và đồ dùng học tập, sách vở cho ngày nhập học sắp tới” – Ma Hiêng tâm sự. Trong khi con gái đang đi xa hàng trăm km để làm thuê, ông bà Ya Thi (bố dượng), Ma Thúy là mẹ Hiêng vẫn đang chật vật làm thuê kiếm cơm nuôi 4 người con ở vùng rừng Tà Năng. Nói với phóng viên báo Tin Tức, bà Ma Thúy cho biết: “Nhà tôi chỉ có 3.000 mét vuông đất trồng ngô và khoảng 1.000 mét vuông trồng cà phê, không thể đủ lương thực mà nuôi con. Ngày còn học cấp 2 ở xã nhà, Ma Hiêng cũng đã phải tranh thủ những ngày nghỉ để đi làm thuê ở rẫy cà phê cho người trong vùng”. Vùng Tà Năng vốn nghèo, những người Chru ở đây càng nghèo hơn. Gia đình Ma Hiêng không là ngoại lệ. Bố mẹ em sinh tất cả 6 người con, nhưng anh trai đầu của Ma Hiêng đã chết từ nhỏ vì ốm đau, bệnh tật không có tiền chạy chữa. Các em của Ma Hiêng hiện đang theo học THCS tại xã nhà nhưng rất nhiều hôm phải bỏ bữa ăn sáng vì bố mẹ không có tiền mua được gạo nấu cơm. Mỗi năm gia đình chỉ có vài tấn ngô và khoảng 5 tạ cà phê nhưng năm nào nhà Ma Hiêng cũng phải ứng tiền trước của các thương lái để nuôi sống bảy miệng ăn...Khó khăn chồng lên khó khăn đến mức khắc nghiệt nhưng điều đáng mừng là bố, mẹ Ma Hiêng luôn cố gắng động viên các con đến trường và họ đã “gặt hái”. Kết quả của Ma Hiêng là biểu hiện sinh động nhất cho sự quyết tâm, tinh thần phấn đấu, vượt thoát vì con chữ nơi vùng rừng sâu.

Rời vùng Tà Năng khi hoàng hôn đã bao trùm rừng núi nhưng ngoái đầu nhìn lại thấy nhiều ánh sáng ấm áp hơn. Không có hoàn cảnh nào có thể đẩy người ta vào con đường cùng khi người ta có đủ ý chí phấn đấu, vươn lên. Mơ U Ma Hiêng là một biểu hiện sinh động cho điều đó.

Sơn Tùng