03:11 14/03/2015

Lý giải chuyện tăng giá xăng dầu

Câu chuyện muôn thủa về tính minh bạch của thị trường xăng dầu vẫn được người dân bàn luận vì cho rằng “giá xăng tăng thì nhiều mà giảm chả bao nhiêu”.

Ngay khi thông tin giá xăng dầu được công bố tăng thêm hơn 1.600 đồng/lít từ 3 giờ chiều ngày 11/3, nhiều ý kiến quan tâm đặt câu hỏi: Tại sao xăng dầu lại tăng giá với tỷ lệ phần trăm cao như vậy (khoảng 10% so với mức giá niêm yết trên thị trường ở kỳ công bố liền kề trước đó) ?

Liên Bộ Công Thương – Tài chính cũng như doanh nghiệp căn cứ vào đâu để tính chênh lệch và quyết định tăng giá xăng dầu?

Người dân mua xăng tại cây xăng số 9 Trần Hưng Đạo, Hà Nội. Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN


Câu chuyện muôn thủa về tính minh bạch của thị trường xăng dầu vẫn được người dân bàn luận vì cho rằng “giá xăng tăng thì nhiều mà giảm chả bao nhiêu”.

Thực tế của lần tăng giá này, xăng RON95 và RON92 đều tăng thêm 1.610 đồng/lít, lần lượt từ 16.270 đồng và 15.670 đồng/lít lên mức 17.880 đồng và 17.280 đồng/lít.

Xăng sinh học E5 tăng 1.600 đồng/lít, từ 15.350 đồng/lít lên mức 16.950 đồng/lít. Dầu các loại tăng ít hơn từ 700 đồng đến 910 đồng/lít. Và người dân đang phải trả tiền mua xăng dầu cao hơn 10% so với thời điểm trước ngày 11/3.

Tuy nhiên, theo lập luận của đại diện Vụ Thị trường Trong nước, Bộ Công Thương, Nghị định 83/2014 ban hành ngày 3/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu quy định rõ nguyên tắc điều chỉnh tăng giá bán lẻ xăng dầu.

Theo đó, các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trong phạm vi 3% so với giá cơ sở liền kề trước thì thương nhân đầu mối có quyền tăng giá; trong phạm vi trên 3% đến dưới 7% sẽ do Liên Bộ Công thương – Tài chính quyết định điều chỉnh giá và từ 7% trở lên thì Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét cho ý kiến cùng các biện pháp điều hành cụ thể.

Như vậy giá cơ sở mới là căn cứ để tính và điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu chứ không phải giá niêm yết mà các doanh nghiệp bán ra trên thị trường.

Theo văn bản số 2374/BCT-TTTN của Liên Bộ Công Thương – Tài chính ban hành ngày 11/3, chênh lệch giữa giá cơ sở kỳ công bố với giá cơ sở kỳ liền kề là 1.004 đồng/lít đối với xăng các loại, tương đương tăng khoảng từ 5,5% đến 5,6%; dầu Điêzen tăng 238 đồng/lít, tương đương với 1,4%. Như vậy là phù hợp với diễn biến tăng giá xăng dầu của thế giới ở thời điểm điều chỉnh giá.

Vì đến hết ngày 10/3, thị trường xăng dầu thế giới ấn định xăng RON92 tăng giá 6,8%, tương đương khoảng 4,584 USD/thùng; dầu Điêzen 0.05S tăng khoảng 1,6%, tương đương khoảng 1,183 USD/thùng…

Ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam thông tin: “Đáng lý giá xăng dầu trong nước phải được điều chỉnh nữa mới phù hợp với xu hướng tăng của giá xăng dầu thế giới. Nhưng vì Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã cho xả Quỹ bình ổn giá xăng dầu nên mức độ tăng giá đã giảm gần 600 đồng/lít đối với xăng các loại và gần 500 đồng/lít với dầu Điêzen".

"Như vậy thấy rõ quan điểm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và nỗ lực của các bộ, ngành trong việc điều hành kinh doanh xăng dầu tránh việc tăng giá quá sốc”, ông Ruệ nhận định.

Nhiều doanh nghiệp – thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu cho biết, trong 6 tháng vừa qua, do giá xăng dầu thế giới và trong nước liên tục giảm sâu với biên độ lớn đã tác động tiêu cực tới kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, nên đã qua 3 chu kỳ tính giá (theo quy định là 15 ngày/kỳ) từ 21/1/2015 đến nay, mặc dù giá xăng dầu thế giới trải qua nhiều lần điều chỉnh tăng, nhưng giá xăng dầu trong nước vẫn được “kìm” và giữ nguyên ở mức 16.270 đồng/lít với RON95; 15.670 đồng/lít với RON92 và E5; 15.170 đồng/lít với dầu Điêzen… để đến ngày 11/3 mới bắt đầu tăng giá trở lại. Như vậy, không có chuyện xăng dầu tăng giá cao để bù đắp lỗ cho doanh nghiệp.

Lý giải băn khoăn của người tiêu dùng và dư luận xã hội, hễ khi tăng giá xăng dầu là “phản ứng”, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, để có được lòng tin của người dân vào thị trường xăng dầu và các cơ chế chính sách điều hành của cơ quan quản lý Nhà nước thì phải hướng tới xây dựng một thị trường cạnh tranh hoàn hảo.

Ở đó mọi yếu tố, mọi thông tin cần được minh bạch và công khai hóa. Ở đó người dân có thể được sẵn sàng đáp ứng thông tin về cách tính toán để xây dựng giá cơ sở như thế nào. Người dân có thể tiếp cận được diễn biến giá cả xăng dầu thế giới ở nhiều thị trường khác nhau qua các phân tích, đánh giá và tổng hợp từ những cơ quan, ban ngành chức năng.

Người dân cũng có thể nắm được thông tin về đầu mối nhập khẩu xăng dầu của các thương nhân phân phối… Điều này, gần đây dường như bị xem nhẹ.

Quả thực, nếu mọi việc đều rõ ràng, sẽ tránh được những câu hỏi của người dân và thái độ “phản ứng” của dư luận xã hội khi mỗi lần tăng giá xăng dầu.


Thạch Huê (TTXVN)