07:09 18/07/2012

Lý do Mỹ bảo trợ cuộc "đảo chính mềm" tại Paraguay

Đến nay chưa thể khẳng định cánh hữu ở Paraguay đã tự chớp cơ hội để hạ bệ Tổng thống thiên tả Fernando Lugo, hay cuộc "đảo chính mềm", được chính phủ Mỹ thúc đẩy.

Đến nay chưa thể khẳng định cánh hữu ở Paraguay đã tự chớp cơ hội để hạ bệ Tổng thống thiên tả Fernando Lugo, hay cuộc "đảo chính mềm", được chính phủ Mỹ thúc đẩy. Nhưng có thể chắc chắn rằng Washington đã tham gia vào việc lật đổ nhiều chính phủ tại Mỹ Latinh trong một nỗ lực để đảm bảo chắc chắn sự chi phối của nước Mỹ đối với khu vực.


Theo mạng tin "Nghiên cứu toàn cầu", gần đây nhất, năm 2009, Mỹ đã hỗ trợ một cuộc đảo chính để lật đổ Tổng thống dân cử của Honduras, Manuel Zelaya, bởi vì ông này đã quyết định tăng số lương tối thiểu mà các tập đoàn Mỹ phải trả cho công nhân Honduras trong ngành dệt và ngăn chặn các chương trình tư nhân hóa.

Người dân Paraguay tham gia cuộc biểu tình ngồi để ủng hộ Tổng thống bị phế truất Fernando Lugo ở thủ đô Asuncion ngày 26/6. Ảnh: AFP/ TTXVN

 

Trong thập kỷ qua, Mỹ cũng liên quan đến những nỗ lực đảo chính bất thành chống lại các chính phủ dân cử tại Venezuela, Bolivia và Ecuador.


Chính phủ và các tập đoàn Mỹ đang hoạt động thông qua các trung gian địa phương, trong trường hợp này là giới đầu sỏ cánh hữu Paraguay, và không thèm giấu giếm ý định sử dụng cuộc đảo chính vừa qua để thúc đẩy chương trình của họ. Cuộc đảo chính tại Paraguay đã cho Mỹ một cơ hội vàng để đảo ngược ảnh hưởng ngày càng suy giảm của họ tại khu vực và đưa ra một thông điệp rõ ràng với những người muốn thách thức các lợi ích của Mỹ.


Việc Paraguay nằm giữa hai nền kinh tế lớn nhất Nam Mỹ là Argentina và Brazil, cùng với việc họ là thành viên của những tổ chức như Liên minh các nước Nam Mỹ (UNASUR) và Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR) mang lại cho quốc gia nhỏ bé này tầm quan trọng chiến lược đối với những lợi ích của Mỹ. Bằng việc loại bỏ Tổng thống Lugo thông qua một cuộc đảo chính bất hợp pháp chỉ 9 tháng sau các cuộc bầu cử, Mỹ và các đồng minh của họ đã phát đi thông điệp rằng nếu bị mất khả năng duy trì kiểm soát thông qua các phương tiện dân chủ chính thức, Washington sẽ dùng các phương tiện khác.


Cuộc đảo chính tại Paraguay cũng cho Mỹ cơ hội leo thang sự có mặt quân sự của họ trong khu vực. Cùng ngày Tổng thống Lugo bị Quốc hội luận tội, một phái đoàn các chính trị gia Paraguay, do nghị sĩ đối lập kiêm Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng của Quốc hội, Jose Lopez Chavez dẫn đầu, đã gặp gỡ các nhà lãnh đạo quân sự Mỹ để thương lượng việc thành lập một căn cứ quân sự Mỹ tại khu vực Chaco. Ông Lopez Chavez cho biết, một chủ đề thảo luận khác là việc nối lại các chương trình "hỗ trợ nhân đạo" của quân đội Mỹ tại Paraguay, đã bị ông Lugo đình chỉ vào năm 2009.


Giới lãnh đạo cánh hữu ở Paraguay không giấu giếm ý định cho phép Mỹ biến nước này thành một căn cứ cho các hoạt động quân sự nhằm vào các chính phủ "cấp tiến" của Mỹ Latinh. Như ông Lopez Chavez đã giải thích sau cuộc gặp với 21 tướng lĩnh Mỹ, hy vọng là một căn cứ của Mỹ sẽ giúp Paraguay "giải phóng khỏi những sức ép và nguy cơ từ Bolivia và thậm chí cả những nguy cơ đang nổi lên từ Tổng thống Hugo Chavez của Venezuela". Tháng 6 vừa qua, Tướng Douglas M Fraser, người đứng đầu Bộ chỉ huy miền nam của Mỹ, cũng đã chỉ đích danh Venezuela và Bolivia là những điểm nóng tiềm tàng cho "những bất ổn địa chính trị" có thể ảnh hưởng đến các lợi ích của Mỹ tại khu vực Nam Mỹ.


Thanh Hoa