07:10 28/07/2011

Lương thực bị lãng phí có thể nuôi sống 1,3 tỷ người

Thế giới đang phải đối diện với quá nhiều vấn đề, kinh tế khó khăn, bất ổn xã hội, dịch bệnh tràn lan… nhưng có lẽ không có áp lực nào lớn hơn nguy cơ cuộc khủng hoảng lương thực hiện hữu đe dọa hàng trăm triệu sinh mạng trên toàn cầu.

Thế giới đang phải đối diện với quá nhiều vấn đề, kinh tế khó khăn, bất ổn xã hội, dịch bệnh tràn lan… nhưng có lẽ không có áp lực nào lớn hơn nguy cơ cuộc khủng hoảng lương thực hiện hữu đe dọa hàng trăm triệu sinh mạng trên toàn cầu.

Người ta đã không thể giải thích nổi vì sao giá lương thực thế giới leo thang chóng mặt trong suốt thời gian qua. Có quá nhiều nguyên nhân đưa ra để lý giải cho hiện tượng giá lương thực tăng đe dọa an sinh xã hội, song hiện nay “cung - cầu” lại chưa được xem là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng này. Theo báo cáo của Tổ chức Lương Nông LHQ (FAO) công bố tháng 5 vừa qua, nhờ thời tiết thuận lợi, hiện tượng thời tiết La Nina không còn tác động trong vài tháng tới, sản lượng gạo toàn cầu năm 2011 được dự báo sẽ đạt 720 triệu tấn, tăng 3% so với mức 699 triệu tấn năm 2010, trong đó châu Á sẽ là khu vực bội thu với sản lượng dự báo tăng 3%, lên tới 651 triệu tấn (chủ yếu nhờ sản lượng tăng ở Trung Quốc, Ấn Độ, Pakixtan, Inđônêxia, Bănglađét, Campuchia, Philíppin và Việt Nam). Hội đồng ngũ cốc quốc tế cũng khẳng định, dù sản lượng lúa mì năm 2010 giảm còn 651 triệu tấn, thế giới vẫn không thiếu lương thực nhờ lượng dự trữ kỷ lục trong năm 2009 là 197 triệu tấn. Cùng với lượng lúa mì của hai vụ thu hoạch góp lại, thế giới vẫn đủ sức thỏa mãn nhu cầu tiêu thụ 655 triệu tấn/năm.

1,3 tỷ tấn lương thực bị vứt bỏ mỗi năm, trong khi hàng trăm triệu người trên thế giới bị đói) Ảnh: Internet

Những nguyên nhân gần nhất như nạn hạn hán kéo dài tại châu Phi, sản lượng giảm tại một số nước như Nga, Ucraina, Cadắcxtan… tuy quan trọng, nhưng cũng chưa đủ lớn để giải thích cho sự lạm phát giá lương thực trên toàn thế giới. Hiện tượng biến đổi khí hậu, diện tích canh tác bị thu hẹp cũng chỉ được xem là những yếu tố dài hạn. Song, một nhân tố mà ít ai để ý đến, đó là sự “lãng phí”, lại đang trở thành nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất an ninh lương thực và đẩy giá mặt hàng này tăng cao. Sự vô tình, thậm chí vô trách nhiệm của một bộ phận xã hội giàu có, đã đẩy hàng trăm triệu người vào tình trạng thiếu lương thực trầm trọng.

Theo báo cáo mới nhất của FAO, mỗi năm thế giới đã lãng phí 1,3 tỷ tấn lương thực, một lượng đủ để nuôi sống 1,3 tỷ người. Ước tính, mỗi năm, người tiêu dùng ở những nước giàu lãng phí khoảng 222 triệu tấn lương thực, gần bằng sản lượng lương thực của cả khu vực châu Phi (230 triệu tấn). Như vậy, trung bình mỗi năm một người tiêu dùng ở châu Âu và Bắc Mỹ vứt vào thùng rác khoảng 95-115 kg lương thực, còn người tiêu dùng khu vực châu Phi, Nam và Đông Nam Á vứt bỏ khoảng 6-11 kg. Rau, củ, quả là loại lương thực bị lãng phí nhiều nhất. Tổng lượng lương thực bị thất thoát và lãng phí mỗi năm bằng nửa tổng sản lượng ngũ cốc toàn cầu (sản lượng mùa 2009 - 2010 là 2,3 tỷ tấn). FAO cho rằng, thất thoát lương thực tại các nước đang phát triển là do cơ sở hạ tầng yếu kém, công nghệ lạc hậu trong quá trình sản xuất, thu hoạch và xử lý sau thu hoạch. Còn lãng phí lương thực ở các nước công nghiệp, chủ yếu do khâu chế biến, do các nhà bán lẻ và người tiêu dùng gây ra khi họ vứt bỏ các loại lương thực còn tốt vào thùng rác.

Ngoài những yếu tố khách quan và chủ quan tác động đến giá lương thực thế giới, một thực trạng đang làm trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng giá lương thực chính là sản xuất nhiên liệu sinh học. Ở một góc độ nhất định, nhiên liệu sinh học đang là một đề tài được thế giới hưởng ứng, nó đem lại nguồn lợi lớn về một nguồn năng lượng sạch, giúp giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Song để sản xuất được nhiên liệu sinh học ethanol đủ cho nhu cầu tối thiểu, thế giới phải mất đi một lượng lương thực khá lớn. Trong bối cảnh hiện nay, lượng lương thực hao hụt này đang tác động tiêu cực đến giá cả, thậm chí đe dọa gây mất cân bằng an ninh lương thực.

Trong năm tài chính 2011 kết thúc vào ngày 31/8 tới, chỉ tính riêng Mỹ, nước sản xuất nhiên liệu sinh học hàng đầu thế giới, các nhà sản xuất ethanol đã sử dụng gần 130 triệu tấn ngô (tăng hơn 40% so với tài khóa trước), bằng nhu cầu tiêu thụ của cả nước Mỹ trong tài khóa và chiếm tới 1/5 nhu cầu tiêu thụ ngô toàn cầu dự kiến trong tài khóa 2012. Đây là lượng ngô cho sản xuất nhiên liệu sinh học lớn nhất từ trước đến nay và là nguyên nhân không nhỏ đẩy giá lương thực trên thế giới tăng cao.

Các cơ quan hoạch định chính sách thế giới nhận định giá lương thực tăng cao kể từ năm 2000 không phải là do các nhân tố tạm thời mà đã trở thành một xu hướng trong nền kinh tế thế giới và những dự báo về một cuộc khủng hoảng giá lương thực toàn cầu mới trong bối cảnh hiện nay có thể vẫn là "võ đoán" và "gây hoảng loạn". Những nghiên cứu sau cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu năm 2007 - 2008 và đặc biệt sau cuộc khủng hoảng kinh tế 2008 - 2009 đều cho thấy giá lương thực toàn cầu sẽ tiếp tục tăng, nhưng không phải là dấu hiệu cho thấy cuộc khủng hoảng lương thực mới sắp diễn ra và thực tế này là hoàn toàn hợp lý.

Phương Hoa