01:22 17/01/2016

Luống Nọi gìn giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống

Xóm Luống Nọi, xã Phù Ngọc, huyện Hà Quảng (Cao Bằng) là địa phương duy nhất còn lưu giữ nghề dệt thổ cẩm thủ công truyền thống. Bà Hoàng Thị Bường, 80 tuổi, xóm Luống Nọi, tâm sự: “Nghề dệt thổ cẩm có từ hàng trăm năm nay và giữ một vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần và tình cảm của người Tày nơi đây.

Những năm 80 của thế kỷ trước, nhà nào cũng có 1 - 2 khung dệt. Sản phẩm dệt được người dân đem đi bán tại các chợ phiên trong tỉnh. Tôi cũng như nhiều người con gái trong xóm đều phải học và biết dệt. Con gái ở xóm khác đến làm dâu trong xóm cũng được học nghề dệt. Trước đây, người Tày dệt các sản phẩm để sử dụng trong gia đình, làm của hồi môn cho con gái khi về nhà chồng, để trao đổi theo phương thức vật đổi vật, phụ thêm cho kinh tế gia đình và phục vụ nhu cầu sử dụng trong gia đình như: Quần áo, vỏ chăn, gối, mặt địu, túi đeo...”.

Nghệ nhân Chu Thị Thược dệt thổ cẩm.

Từ xa xưa, hình ảnh người phụ nữ ngồi bên khung cửi dệt vải đã rất quen thuộc, gần gũi trong đời sống của người Tày. Vì nhiều nguyên nhân, nghề dệt thủ công truyền thống vẫn tồn tại, nhưng không còn phát triển mạnh và có một số thay đổi trong nguyên liệu dệt. Trước đây, phần lớn các gia đình đều tự trồng bông, kéo sợi, dệt vải. Ngày nay, sợi bông được thay thế bằng sợi công nghiệp như len, tơ tằm vì dễ dệt hơn, giá cả không cao, cũng không tốn nhiều thời gian, công đoạn, người phụ nữ đỡ vất vả hơn.

Sản phẩm thổ cẩm của đồng bào Tày ở Luống Nọi.

Để cho chúng tôi hiểu hơn về nghề dệt thổ cẩm, bà Chu Thị Thược, nghệ nhân làng nghề ở xóm, dẫn chúng tôi ra chiếc khung cửi trước cửa nhà và bắt đầu mắc khung rồi dệt. Đôi tay nhanh nhẹn cầm con thoi đưa qua đưa lại thoăn thoắt chỉ một lúc đã tạo thành những hoa văn cầu kỳ và đẹp mắt. Vừa làm, bà Thược vừa cho biết: “Dệt thổ cẩm trải qua nhiều công đoạn, như: Quay sợi, mắc khung, tạo hoa văn, dệt. Sản phẩm dệt hiện nay vẫn chủ yếu là mặt gối, vỏ chăn, mặt địu, túi xách... với giá từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn đồng/sản phẩm. Các họa tiết thường được người Tày đưa vào sản phẩm thổ cẩm rất đa dạng, chủ yếu là hình ảnh của những loài cây, hoa, động vật gắn bó với đời sống hằng ngày. Để giữ gìn nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc, tôi thành lập một tổ dệt thổ cẩm trong xóm, với gần 10 chị em và bao tiêu hết các sản phẩm. Thời điểm gần Tết này, khách hàng đặt nhiều sản phẩm hơn, nhưng chúng tôi sản xuất không kịp vì còn đang bận mùa vụ trồng thuốc lá. Mặt hàng dệt thổ cẩm hiện nay chủ yếu phục vụ du khách đến du lịch tại tỉnh. Hàng năm, tôi đều mang sản phẩm đi tham dự nhiều hội chợ, triển lãm, Festival Trà ở Thái Nguyên, Bảo tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam... được nhiều khách hàng chọn lựa, đánh giá cao”.

Ông Hoàng Văn Tín, Trưởng xóm Luống Nọi cho biết: Cả xóm hiện chỉ còn khoảng 20 hộ còn duy trì nghề dệt truyền thống. Nhiều năm qua cán bộ xóm vẫn luôn tuyên truyền bà con tập trung phát triển kinh tế, đồng thời giữ gìn nghề dệt thổ cẩm truyền thống của địa phương. Mong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền và các cơ quan chức năng ở địa phương quan tâm hỗ trợ làng nghề, mở thêm các lớp đào tạo nghề dệt thổ cẩm; tích cực tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm dệt tới du khách trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua các cuộc trưng bày, triển lãm; tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức về giá trị văn hóa truyền thống quý báu của nghề dệt thủ công truyền thống cho thế hệ trẻ.

Bài và ảnh: Công Hải