03:19 13/03/2012

Lưỡng hội Trung Quốc chú trọng phát triển bền vững, cải thiện dân sinh

Theo thông lệ hàng năm, Trung Quốc vừa tổ chức mùa họp lưỡng hội 2012, gồm kỳ họp thứ 5 khóa XI của Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc (Quốc hội) và kỳ họp thứ 5 khóa XI Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân (Chính Hiệp-Mặt trận thống nhất) toàn quốc.

Theo thông lệ hàng năm, Trung Quốc vừa tổ chức mùa họp lưỡng hội 2012, gồm kỳ họp thứ 5 khóa XI của Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc (Quốc hội) và kỳ họp thứ 5 khóa XI Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân (Chính Hiệp-Mặt trận thống nhất) toàn quốc.

Toàn cảnh phiên bế mạc kỳ họp thứ 5 khóa XI Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh ngày 13/3. Ảnh: THX-TTXVN


Đây là mùa lưỡng hội đầu tiên trong 8 năm qua Trung Quốc quyết tâm hạ mục tiêu tăng trưởng GDP xuống dưới mức 8% (xác định 7,5%), nói lên ý chí quyết tâm chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế tập trung vào chất lượng sau một thời gian dài ưu tiên phát triển quá nóng, kéo theo nhiều vấn đề nan giải và mất cân bằng trong nhiều lĩnh vực. Vì vậy, Trung Quốc sẽ phải xử lý đúng đắn, ổn thỏa mối quan hệ chiến lược giữa 3 yếu tố: Giữ cho kinh tế tăng trưởng ổn định, tương đối nhanh – chuyển đổi kết cấu – kiềm chế lạm phát trên cơ sở “tiến lên trong ổn định”.

Một số năm trước đây, khi đề cập đến tỉ lệ tăng trưởng GDP dưới 8%, dư luận Trung Quốc tỏ ra lo ngại về bất ổn xã hội do thiếu việc làm, nhưng với quyết sách lớn theo quan điểm phát triển khoa học đã được vận dụng trong Quy hoạch 5 năm lần thứ 12 (2011-2015), tỉ lệ tăng trưởng kinh tế sẽ được kiềm chế ở mức 7% trong giai đoạn này. Mục tiêu 7.5% vừa được đề ra cho năm 2012 là gắn với mục tiêu 7% dài hạn nói trên, hướng cho các mặt công tác phải đặt trọng tâm vào việc chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế, từ phát triển quảng canh nặng về số lượng sang tập trung chất lượng, lấy khoa học công nghệ và chất lượng lao động thay cho mở rộng quy mô, từ chỗ dựa vào xuất khẩu chuyển sang dựa vào kích cầu trong nước, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường.... Rất nhiều vấn đề vừa là mục tiêu vừa là động lực đã được đặt ra như, tăng cường xây dựng hệ thống an sinh xã hội, kiểm soát thị trường bất động sản, điều chỉnh lại quan hệ phân phối thu nhập, kiểm soát giá cả tiêu dùng...

Theo Báo cáo công tác chính phủ do Thủ tướng Ôn Gia Bảo trình bày trước hội nghị ngày 5/3, tỉ lệ đô thị hóa ở Trung Quốc năm 2011 đã đạt 50,27% ngay sau năm đầu tiên của giai đoạn 5 năm lần thứ 12, trong khi mục tiêu đạt trên 50% được đề ra cho cả giai đoạn và lần đầu tiên trong lịch sử, dân số thành thị nhiều hơn dân số nông thôn, Trung Quốc bước vào thời kỳ thay đổi cơ cấu xã hội.

Tuy nhiên, hiện thực nói trên cũng đòi hỏi Trung Quốc phải thực sự chuyển được bộ phận dân số tương ứng từ nông dân trở thành thị dân. Đó là cả một vấn đề lớn đầy khó khăn nhưng phải giải quyết, đồng thời cũng sẽ tạo ra quá trình thay đổi to lớn và sâu sắc về phương thức sống của con người cũng như thay đổi kết cấu kinh tế - xã hội.

Mặt khác, Báo cáo công tác cũng cho biết, năm 2011 Trung Quốc có 253 triệu lao động nông dân làm công vì không còn gắn liền với đất, tăng 4,4% so với năm trước đó. Trong bối cảnh ấy, vấn đề đặt ra là phải tạo ra được mô hình nông thôn mới áp dụng khoa học công nghệ cao, nâng cao năng suất lao động, phù hợp với điều kiện lực lượng lao động đã giảm thiểu trên cơ sở cải thiện, nâng cao chất lượng và cơ cấu lại lực lượng lao động hiện có.

Một chỉ tiêu nữa cho thấy quyết tâm điều chỉnh phương thức tăng trưởng kinh tế đã đi đúng hướng là xu hướng xuất siêu đang trên đà giảm xuống: Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá năm 2011 của Trung Quốc đạt 3.640 tỷ USD, tăng 22,5%, trong đó xuất khẩu tăng 20,3%, nhập khẩu tăng 24,9%, cho thấy xuất siêu đang tiếp tục giảm.

Tình hình quản lý xã hội tuy có rất nhiều khó khăn phức tạp, thậm chí có cả những biểu hiện mới phức tạp hơn, nhưng đã được đề cập đến trong mối quan hệ cải cách tổng thể, đan xen giữa nhiều yếu tố mang tính toàn diện và cơ bản hơn, đòi hỏi phải đi sâu cải cách đồng bộ trong tất cả các lĩnh vực.

Ý kiến rộng rãi của các đại biểu Quốc hội và ủy viên Chính Hiệp cũng như dư luận xã hội đều tán thành với nhận thức chung, theo đó chỉ có cải cách sáng tạo mới có thể phát triển và đem lại tiến bộ xã hội. Báo cáo công tác chính phủ cũng phát đi một thông điệp rằng “cải cách nhất định không thể dừng lại, hơn nữa cải cách cần phải có dũng khí”, đặc biệt khi tất cả đứng trước quá trình “điều chỉnh lại cục diện lợi ích” xã hội.

Trần Huy Cậy (P/v TTXVN tại Trung Quốc)