04:09 23/04/2011

Lương chưa tăng, giá cả đã “nhảy”

Mặc dù ngày 1/5 tới, lương của cán bộ công nhân viên mới chính thức được điều chỉnh, nhưng từ đầu năm đến nay, giá cả hàng hóa, nhất là hàng tiêu dùng thiết yếu đã tăng “chóng mặt”.

Mặc dù ngày 1/5 tới, lương của cán bộ công nhân viên mới chính thức được điều chỉnh, nhưng từ đầu năm đến nay, giá cả hàng hóa, nhất là hàng tiêu dùng thiết yếu đã tăng “chóng mặt”.

Hệ quả của việc tăng giá, một phần do giá các mặt hàng nhạy cảm (xăng dầu, điện, nước, gas, ngoại tệ…) biến động mạnh, một phần do tâm lý “té nước theo mưa” của tiểu thương, các nhà cung cấp, các nhà phân phối. Giá cả biến động không chỉ ảnh hưởng đối với đời sống kinh tế xã hội mà còn ảnh hưởng đến tâm lý người dân và đối tượng gánh chịu nặng nề nhất là người thu nhập thấp.

“Giật mình” với giá cả

Nếu thường xuyên đóng vai trò là người nội trợ, người ta mới hiểu hết được sức ép của giá cả đối với đời sống hàng ngày. Một mớ rau, một cân thịt có thể tháng trước ở mức giá này, tháng sau đã ở mức giá kia. Ông Nguyễn Văn Thế, Giám đốc Công ty CP Chợ Bưởi (quận Tây Hồ) cho biết: “Đa phần hàng hóa kinh doanh tại chợ đều biến động, nhất là hàng phục vụ cuộc sống hàng ngày của người dân, kể cả thứ rẻ nhất là rau xanh cũng tăng giá. Hiện tại, chi phí cho mỗi bữa ăn của người dân đắt gấp rưỡi so với trước, dẫn tới khả năng tiêu dùng gặp rất nhiều khó khăn”.

Chị Mai Hương, giáo viên một trường tiểu học tại quận Tây Hồ phàn nàn rằng: “Nếu lương của tôi được tăng thêm chưa được 500.000 mỗi tháng thì chi phí gia đình đội lên 1 - 2 triệu đồng”. Chồng chị cũng là công nhân, lại nuôi hai con nhỏ đang tuổi ăn tuổi học nên ngay buổi đi chợ hàng ngày cũng phải tính toán thật cẩn thận. Và để cho cuộc sống thoải mái hơn, sau mỗi ngày dạy trên trường, chị phải “lăn” vào làm thêm.

Giá cả tăng cao, người tiêu dùng chi tiêu dè sẻn. Ảnh: Lê Phú


Cũng như chị Hương, anh Ngô Ngọc Tiến, hiện đang công tác tại Công ty Giải pháp và Công nghệ Toàn Cầu cho biết: Nếu như trước đây, mỗi năm gia đình anh tổ chức đi du lịch xa một vài chuyến thì nay phải chọn điểm gần hoặc giãn thời gian đi để tiết kiệm chi phí. Ngay trong sinh hoạt hàng ngày, gia đình anh cũng có kế hoạch chi tiêu phù hợp.

Đẩy mạnh chương trình bình ổn giá

Chưa khi nào chương trình bình ổn giá được thành phố Hà Nội đặt ra cấp thiết như hiện nay. Và cũng mới đây, Chủ tịch UBND thành phố chủ trì cuộc họp bàn về việc bình ổn giá với những sách lược mới nhằm đưa chương trình bình ổn giá đi vào thực chất và phát huy hiệu quả thực sự.

Theo đó, thành phố sẽ chi gần 500 tỷ đồng cho công tác bình ổn giá năm 2011 phục vụ bình ổn 9 mặt hàng thiết yếu và dự kiến tăng số điểm bán hàng bình ổn lên 600, trải rộng từ nội thành đến các chợ, khu vực nông thôn… Ngoài những doanh nghiệp được vay vốn dự trữ hàng hóa, thành phố cũng khuyến khích các doanh nghiệp thương mại khác tham gia bình ổn mà không hưởng hỗ trợ vay vốn. Thành phố cũng đề nghị các doanh nghiệp thương mại đẩy mạnh tổ chức các phiên chợ hàng Việt tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Để ngăn chặn những hành vi bán hàng bình ổn nhưng bán giá cao, Sở Công Thương Hà Nội sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra hoạt động sản xuất kinh doanh, dự trữ hàng hóa, thực hiện cam kết bình ổn thị trường. Thành phố cũng hy vọng chương trình bình ổn giá năm nay tăng cả về quy mô, chất lượng.

Giải quyết bài toán cung - cầu

Không phải lý giải nhiều, ai cũng hiểu lợi ích của chương trình bình ổn giá mà thành phố Hà Nội đang thực hiện. Tuy nhiên, khi nhìn rộng hơn, chương trình bình ổn giá mới chỉ thực hiện được ở các doanh nghiệp thương mại có hệ thống phân phối hiện đại và một số doanh nghiệp sản xuất hàng thiết yếu. Trong khi cả hệ thống thương mại hiện đại của Hà Nội (siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích) mới chiếm 20 - 22% tổng mức lưu chuyển hàng hóa trên thị trường. Bên cạnh đó, lượng hàng bình ổn giá lại chiếm tỷ trọng nhỏ. Những người làm thương mại tính toán rằng, nếu hàng bình ổn giá phục vụ cho nhu cầu của cả người dân Hà Nội thì chỉ đủ bán trong vài ngày. Có nghĩa, khả năng cung - cầu hàng hóa vẫn phụ thuộc phần lớn vào các chợ dân sinh, cửa hàng đường phố. Khu vực này mới có tính quyết định và ảnh hưởng mạnh đến chỉ số giá tiêu dùng và tình hình lạm phát.

Vấn đề khác, Hà Nội (mặc dù địa bàn mở rộng là vùng nông nghiệp rộng lớn) vẫn phụ thuộc vào 50% hàng lương thực, thực phẩm từ các tỉnh, thành khác. Có nghĩa, gốc của vấn đề này phải giải quyết tốt bài toán cung cầu, đảm bảo cho nguồn cung dồi dào, giảm bớt các chi phí trung gian ảnh hưởng tới giá sản phẩm. Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, một người có hàng chục năm gắn bó với ngành thương mại Thủ đô khẳng định: “Muốn bình ổn giá, phải lấy cung quyết định cầu và trong kinh tế thương mại không thể buông lỏng bán buôn để hàng hóa có thể giao từ gốc đến ngọn, giảm bớt các chi phí trung gian”. Như vậy, giá hàng tiêu dùng thiết yếu mới có thể bớt “sốt” như hiện nay.

Đinh Thị Thuận