07:09 19/07/2014

Lũng Chinh không còn đám ma trăm triệu

Những năm qua, nhờ việc đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền vận động, nhiều nếp nghĩ, cách làm của đồng bào Mông được thay đổi, trong đó có những hủ tục được xóa bỏ dần dần, nên diện mạo của xã Lũng Chinh ngày càng khởi sắc.

Những năm qua, nhờ việc đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền vận động, nhiều nếp nghĩ, cách làm của đồng bào Mông được thay đổi, trong đó có những hủ tục được xóa bỏ dần dần, nên diện mạo của xã Lũng Chinh ngày càng khởi sắc.


Là xã vùng cao núi đá cửa ngõ phía tây của huyện Mèo Vạc, Lũng Chinh có 697 hộ với 3.571 nhân khẩu được phân bố sinh sống ở 7 thôn, trong đó 88% dân số là người Mông sống rải rác ở các sườn núi. Trình độ dân trí thấp, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Ngoài những nét văn hóa mang đậm bản sắc truyền thống, trong đồng bào vẫn còn tồn tại nhiều hủ tục ma chay, cưới xin rườm rà, tốn kém vốn đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân. Ngoài ra, nhiều phụ nữ vẫn sinh con thứ 3 nên tỷ lệ đói nghèo vẫn ở mức cao với năm 2012 chiếm 47,06%, năm 2013 còn 42,23%, tác động xấu đến phát triển kinh tế của mỗi gia đình. 


Nhức nhối nhất vẫn là hủ tục để người chết lâu ngày trong nhà và không cho vào áo quan. Việc tang là nỗi lo đè nặng lên tang chủ, nếu không có nhiều gia súc, gia cầm làm ma thì linh hồn người chết không được siêu thoát. Người chết thường được chôn ven rừng, trên sườn núi hoặc trên nương ngô gần nhà ở chưa được quy hoạch, làm ảnh hưởng đến sức khỏe và vệ sinh môi trường.


Lũng Chinh đã tổ chức nhiều hoạt động văn hoá nhằm nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân.


Xác định cùng với phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo thì làm thay đổi thay đổi cách nghĩ, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu trong tổ chức ma chay được cấp ủy, chính quyền xã Lũng Chinh coi là “cuộc cách mạng” lâu dài, bền bỉ đòi hỏi phải có sự đồng thuận tham gia của các cấp, các ngành và đông đảo nhân dân. Trong đó, đội ngũ cán bộ, đảng viên phải là người gương mẫu đi đầu.


Vì vậy, cùng với nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động, xã cũng đã chủ động mời các thầy mo, thầy cúng, người có uy tín, trưởng thôn và người đứng đầu các dòng họ để vận động các hộ gia đình từng bước thay đổi cách tổ chức tang ma. Thời gian rút ngắn hơn từ 4- 5 ngày xuống còn 3 ngày. Nhờ sự nỗ lực của các cấp, ngành và sự đồng lòng của nhân dân, đến nay trên địa bàn xã không còn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.


Gia đình có người mất đều đưa vào áo quan và chôn cất theo thời gian quy định, tiết kiệm trong tổ chức tang ma, bỏ dần các hủ tục ăn uống linh đình. Những hủ tục ở xã Lũng Chinh đã bước đầu được đẩy lùi, bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc trong xã được phát huy. Xã cũng đã tổ chức các hội thi, các trò chơi dân gian như kéo co, bắn nỏ, bịt mắt bắt dê, đổ nước vào chai, chọi dê,…mỗi khi Tết đến, xuân về nhằm nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, tham gia vui chơi lành mạnh.


Trao đổi với tôi, ông Sùng Chứ Mua, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Lũng Chinh cho biết: Những năm trước, mỗi khi có người mất thì việc tổ chức tang lễ tốn kém lắm, có gia đình thịt đến 6 con bò và nhiều lợn, dê do anh em họ hành mang đến để làm ma trong một tuần lễ, chi phí hàng trăm triệu đồng mà ảnh hưởng rất lớn đến công việc sản xuất. Đến nay, xã cũng từng bước đưa việc tổ chức cưới xin, ma chay vào quy ước của thôn để nhân dân cùng cam kết thực hiện, nhằm giảm bớt dần các thủ tục lạc hậu.


Bên cạnh đó, cấp ủy đảng, chính quyền xã còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, khai thông tư tưởng trong nhân dân, xóa bỏ hủ tục, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, xây dựng cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc. Người dân đã biết áp dụng tiến bộ kỹ thuật khoa học vào sản xuất, chuyển đổi 50% diện tích trồng ngô địa phương năng suất thấp sang trồng ngô lai năng suất cao, đẩy mạnh chăn nuôi lợn đen, gà đen, trồng rau an toàn và phát triển trồng cỏ chăn nuôi bò theo hướng hàng hóa. Các chương trình, dự án, chương trình xây dựng nông thôn mới triển khai có hiệu quả.


Nhân dân đã quan tâm và tạo điều kiện cho con em đến trường. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào trong xã ngày càng được cải thiện, an ninh trật tự giữ vững, các hủ tục được đẩy lùi, không còn hộ đói, hộ nghèo giảm hẳn. Đây có thể coi là thành công bước đầu của xã trong việc “xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” theo nếp sống mới.


Có được kết quả bước đầu như vậy là do sự quyết tâm vào cuộc của cấp ủy, chính quyền xã và sự đồng thuận của nhân dân. Đây chính là điều kiện để xã Lũng Chinh từng bước khẳng định mình, tập trung phát triển kinh tế - xã hội và xoá đói giảm nghèo một cách bền vững.



Quỳnh Lưu