03:10 22/03/2015

Lực lượng Phòng không – Không quân trong Đại thắng mùa Xuân 1975

Bốn mươi năm trước, “Sức mạnh của ý chí thống nhất Tổ quốc và khát vọng hòa bình” của cả dân tộc ta, trong đó có lực lượng Phòng không - Không quân, đã làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975.

Nhân kỷ 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Báo Tin tức trân trọng giới thiệu bài viết của Trung tướng, Tiến sĩ Phương Minh Hòa, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân với nhan đề: “Lực lượng Phòng không – Không quân trong Đại thắng mùa Xuân 1975”.

Bốn mươi năm trước, “Sức mạnh của ý chí thống nhất Tổ quốc và khát vọng hòa bình” của cả dân tộc ta, trong đó có lực lượng Phòng không - Không quân, đã làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975, thống nhất non sông, đất nước hòa bình.

Bộ đội hành quân vào chiến trường trong chiến dịch Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN


Lực lượng Phòng không - Không quân đã cùng với các quân đoàn chủ lực và lực lượng vũ trang miền Nam tiến công thần tốc, quyết thắng trên toàn chiến trường miền Nam; đã khống chế hiệu quả các hoạt động tác chiến của không quân ngụy, làm tan rã hoàn toàn hy vọng cuối cùng của Mỹ là xây dựng không quân ngụy làm chỗ dựa chủ yếu cho chính quyền Nguyễn Văn Thiệu để ủy thác nhiệm vụ thôn tính miền Nam, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ bộ đội binh chủng hợp thành trong các chiến dịch phản công, tiến công.

Bị thất bại nặng nề trong cuộc tập kích đường không chiến lược bằng B-52 mang mật danh Linebacker II miền Bắc Việt Nam (18-29/12/1972), Mỹ buộc phải xuống thang, ký Hiệp định Paris và rút quân về nước.

Đầu năm 1973, mặc dù quân Mỹ và các nước chư hầu rút khỏi miền Nam nhưng âm mưu chia cắt lâu dài nước ta của Mỹ vẫn không thay đổi.

Mỹ đã để lại cho quân ngụy một lượng vật chất và phương tiện chiến tranh khổng lồ; đồng thời gấp rút tăng cường 652 máy bay, 500 khẩu pháo, 400 xe tăng thiết giáp,… nâng tổng số máy bay của quân ngụy lên 1850 chiếc; trong đó có nhiều máy bay rất hiện đại (30 chiếc F-5E, 32 chiếc C-130).

Vì vậy, trong 2 năm 1973 và 1974, Mỹ - ngụy đã xây dựng được 6 sư đoàn không quân hỗn hợp với 66 phi đoàn, có trên 6 vạn quân (bằng 242% so với trước năm 1973), trong đó có gần 7.000 người làm nhiệm vụ trong các tổ lái. Không quân ngụy đã nhanh chóng trở thành lực lượng không quân đứng thứ 3 thế giới về số lượng. Hệ thống tổ chức chỉ huy được kiện toàn cho phép chỉ huy thống nhất từ Bộ Tư lệnh không quân đến cấp phi đoàn.

Mặt khác, nhằm hù dọa quân và dân ta, nâng đỡ tinh thần cho chính quyền Sài Gòn, Mỹ thực hiện chính sách “ngăn đe thực tế”: Duy trì lực lượng lớn không quân trên đất Thái Lan (đến tháng 12/1974 vẫn còn 190 máy bay chiến thuật, 20 chiếc B-52); bố trí 2 tàu sân bay hoạt động ở Biển Đông; đồng thời thường xuyên cho máy bay trinh sát hoạt động, sẵn sàng hỗ trợ nếu quân ngụy lâm nguy.

Việc củng cố lực lượng của quân ngụy là cơ sở để chính quyền Nguyễn Văn Thiệu thực hiện mưu đồ “tràn ngập lãnh thổ”. Ngay trong ngày ký Hiệp định Paris (27/1/1973), địch tiến công ta ở Cửa Việt (Quảng Trị); sau đó liên tiếp gây chiến ở duyên hải miền Trung, đồng bằng sông Cửu Long, miền Đông Nam Bộ,…

Không quân ngụy điên cuồng hoạt động yểm hộ lục quân hành quân bình định, lấn chiếm và đối phó các cuộc tiến công của ta; thường xuyên trinh sát vùng kiểm soát của Mặt trận giải phóng, đánh phá mục tiêu quan trọng trong vùng giải phóng, ngăn chặn tuyến vận chuyển chiến lược.

Quy mô và cường độ hoạt động của không quân ngụy phát triển (năm 1974 tăng 56,6% số lần chiếc đánh phá). Với sức mạnh tạm thời về quân sự và chính là quân ta ở một số nơi trên chiến trường còn thụ động, ảo tưởng, trông chờ hòa bình,… nên địch đã thực hiện được một phần mục đích đề ra.

Nắm rõ bản chất, âm mưu của Mỹ và các thế lực phản cách mạng, ta đã kịp thời tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm, đề ra chủ trương củng cố, nâng cao sức chiến đấu của các lực lượng vũ trang, trong đó có lực lượng Phòng không - Không quân. Vì vậy, sau 2 năm đấu tranh, ta đã tạo lập được thế chiến lược liên hoàn và xây dựng các binh đoàn chủ lực cơ động...

Lực lượng Phòng không - Không quân trên phạm vi cả nước vừa chiến đấu vừa khẩn trương xây dựng phát triển lực lượng và tập trung thực hiện các nội dung: Tích cực, kịp thời xây dựng và điều chỉnh lực lượng trên phạm vi cả nước, mỗi quân đoàn được thành lập đều có 1 sư đoàn pháo cao xạ; tăng cường lực lượng phòng không cho miền Nam cả về số lượng (50% đơn vị pháo cao xạ, 100% lực lượng A72) và chất lượng; tạo lập thế trận phòng không có lợi trên từng chiến trường và trong cả nước; thực hiện phương châm “mạnh phía trước, vững phía sau”.

Thường xuyên sẵn sàng chiến đấu, diệt nhiều máy bay địch bảo vệ đội hình bộ đội binh chủng hợp thành phản công và tiến công trên các chiến trường, bảo vệ vững chắc vùng giải phóng ở miền Nam và hậu phương chiến lược miền Bắc.

Chú trọng nâng cao chất lượng toàn diện cho bộ đội, tích cực chuẩn bị cơ sở vật chất kỹ thuật bảo đảm chiến đấu liên tục, dài ngày, quy mô ngày càng lớn. Do làm tốt công tác chuẩn bị, lực lượng phòng không - không quân đã sẵn sàng tác chiến theo quyết tâm sử dụng lực lượng của Bộ Tổng tư lệnh.

Đến tháng 10/1974, so sánh lực lượng thay đổi cơ bản, quân ngụy suy yếu toàn diện và Mỹ cũng gặp nhiều khó khăn, thời cơ chiến lược xuất hiện. Bộ Chính trị đã ra quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 diễn ra trong vòng 58 ngày (từ 4/3/1975 đến 30/4/1975), hoạt động tác chiến của lực lượng phòng không - không quân được chia thành các giai đoạn sau:

Thứ nhất, bảo vệ đội hình bộ đội binh chủng hợp thành tiến hành thắng lợi Chiến dịch Tây Nguyên (từ 4/3/1975 đến 3/4/1975), phá vỡ thế phòng ngự chiến lược của địch ở Quân khu 2, làm thay đổi cục diện trên chiến trường chiến lược để tạo nên thời cơ chiến lược mới.

Lực lượng phòng không tham gia Chiến dịch Tây Nguyên (không kể súng máy phòng không ở các trung đoàn, tiểu đoàn bộ binh) có 19 tiểu đoàn pháo cao xạ 57 mm, 37mm, 23mm, súng máy phòng không và 1 đại đội A72.

Đây là lần đầu tiên các lực lượng phòng không trên chiến trường Tây Nguyên tham gia chiến dịch hiệp đồng binh chủng quy mô lớn, địa bàn rộng, nhiệm vụ đặt ra liên tục thay đổi, công tác chuẩn bị khẩn trương, chiến đấu và cơ động liên tục, vận dụng nhiều hình thức chiến thuật phức tạp trong khi hầu hết các đơn vị tham gia đều ít kinh nghiệm.

Nhưng với sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Đảng ủy, thủ trưởng các cấp, cán bộ, chiến sỹ phòng không tham gia chiến dịch đã nêu cao ý chí quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; tất cả đồng lòng khắc phục khó khăn, chiến đấu anh dũng, bắn rơi nhiều máy bay địch và hoàn thành tốt nhiệm vụ của Bộ Tư lệnh Chiến dịch giao cho, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của Chiến dịch.

Trong quá trình chuẩn bị và thực hành chiến dịch, lực lượng phòng không đã tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:

- Triển khai lực lượng bảo vệ đội hình bộ đội binh chủng hợp thành hành quân tập kết, bao vây, chia cắt chiến dịch, nghi binh, thu hút địch trên các hướng.

Đặc biệt, trong trận đánh Đức Lập, ngày 9/3, không quân địch tập trung 60 lần chiếc đánh chủ yếu vào 6 trận địa cao xạ của Trung đoàn 234, với sự chuẩn bị chu đáo, đơn vị đã chiến đấu quyết liệt và bắn rơi 3 chiếc; vừa bảo vệ mình và vừa bảo vệ các đơn vị binh chủng hợp thành chiến đấu giành thắng lợi trận đầu giòn giã.

- Tập trung lực lượng phong không bảo vệ đội hình bộ đội binh chủng hợp thành đánh thắng giòn giã trận then chốt mở đầu chiến dịch, giải phóng thị xã Buôn Mê Thuột (10-11/3). Ta huy động 70% lực lượng phòng không của chiến dịch vào trận đánh này.

Ngoài lực lượng phòng không trên ba hướng phát triển bám sát yểm hộ bộ đội binh chủng hợp thành tiến công, thế trận phòng không của trận đánh càng thêm hiểm hóc, bất ngờ khi ta tổ chức bộ phận “đặc nhiệm” phòng không gồm 12 cơ cấu A72 cùng với đặc công luồn sâu tiến sát vào sân bay thị xã, sân bay Hòa Bình, những vị trí địch có thể tiếp tế, bốc, đổ quân bằng đường không.

Không quân địch đã đối phó rất quyết liệt, chúng huy động toàn bộ A-37 của 2 sư đoàn không quân ở Pleiku, Phù Cát, Nha Trang và điều động máy bay F-5 từ Biên Hòa chi viện, ban đêm dùng máy bay C-119 bắn phá. Trong hai ngày đêm, địch dùng đến 196 lần chiếc máy bay tập trung đánh vào đội hình tiến công của ta, ác liệt nhất là ngăn chặn ta tiến công Sư đoàn 23 ngụy từ phía Tây và Nam thị xã.

Các đơn vị phòng không đã đánh 83 trận trên không, 2 trận mặt đất, hạn chế thấp nhất tổn thất do không quân địch gây ra. Trong trận đánh này, lần đầu tiên ta thực hiện cách đánh mới của pháo cao xạ: Sử dụng tiểu đoàn cao xạ cơ giới hành tiến yểm hộ mũi thọc sâu của bộ đội binh chủng hợp thành đánh thẳng vào trung tâm.

Với cách đánh mới, công tác chỉ huy, hiệp đồng chưa thích hợp nên chưa phát huy triệt để hiệu quả nhưng đã chứng minh được giá trị thực tế: Đây là cách đánh phù hợp để bảo vệ đội hình bộ binh cơ giới của ta đánh địch trong hành tiến. Ngay sau đó, cách đánh này được rút kinh nghiệm để vận dụng rộng rãi. Ngày 13/3, lực lượng A72 luồn sâu vào sân bay Hòa Bình tiêu diệt 3 trong 5 trực thăng địch hoạt động ở khu vực sân bay.

- Bảo vệ đội hình Sư đoàn BB 10 đánh thắng trận then chốt thứ 2 của chiến dịch, chiếm lại Buôn Mê Thuột của địch, tiêu diệt hoàn toàn Sư đoàn 23 ngụy (14-18/3). Trong trận đánh này, ta đã sử dụng A72 hành tiến trong đội hình tăng thiết giáp, bộ binh cơ giới, chiến sỹ A72 đứng bắn trên xe đã yểm hộ rất kịp thời, hiệu quả.

- Bảo vệ đội hình Sư đoàn 320 đánh trận then chốt thứ 3 tiêu diệt quân địch ở Tây Nguyên rút chạy (17-24/3). Trung đoàn 593 đã yểm hộ cho lực lượng chủ yếu của Sư đoàn 320 tiêu diệt quân địch đang co cụm lớn ở thị xã Cheo Reo, nơi không quân địch còn hoạt động khá mạnh.

Bị thất bại ở Cheo Reo, địch tăng cường đánh phá cầu cống ngăn chặn quân ta phát triển để địch có cơ hội tháo chạy khỏi Tây Nguyên. Trong đội hình bảo vệ Đoàn 559, Sư đoàn 377 - lực lượng phòng không dự bị chiến dịch đã hiệp đồng cùng Sư đoàn BB 968 tiến công giải phóng Kon Tum, Pleiku và bảo vệ tuyến giao thông chiến lược Đường 14.

Phát triển thế tiến công, từ 25/3 đến 3/4, lực lượng phòng không - không quân tiếp tục bảo vệ đội hình bộ đội binh chủng hợp thành giải phóng các tỉnh duyên hải miền Trung (Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa).

Các hoạt động phối hợp tham gia đánh máy bay địch của lực lượng Phòng không - Không quân trên các chiến trường khác đã tạo điều kiện thuận lợi cho chiến dịch Tây Nguyên giành thắng lợi to lớn.

Thứ hai, bảo vệ đội hình bộ đội binh chủng hợp thành nhanh chóng phát triển tiến công, tiêu diệt và làm tan rã Quân khu 1 ngụy, giải phóng Huế và Đà Nẵng, giải phóng hoàn toàn Quân khu 1.

Ngay từ đầu chiến dịch, ta đã hình thành hệ thống phòng không ba thứ quân, nhất là ở Trị - Thiên có lực lượng phòng không của bộ đội chủ lực tương đối mạnh kết hợp với lực lượng phòng không của địa phương luồn sâu sau lưng địch, tạo thành lưới lửa phòng không cả phía trước và phía sau.

Lúc đầu, không quân địch đối phó quyết liệt, các đơn vị đã tích cực chiến đấu, bắn rơi máy bay, bảo vệ đội hình tiến công của bộ đội binh chủng hợp thành. Mặt khác, ta sử dụng rộng rãi pháo cao xạ kết hợp súng máy phòng không để tiêu diệt bộ binh, đánh xe tăng, công sự, vật cản của địch để chi viện kịp thời cho bộ binh và rút ra nhiều kinh nghiệm sử dụng phòng không đánh địch mặt đất.

Ta hình thành 2 mũi tiến công: Mũi thứ nhất, tiến công làm tan rã Sư đoàn 1 ngụy, giải phóng Huế, uy hiếp Đà Nẵng từ hướng Bắc. Mũi thứ hai, tiến công làm tan rã Sư đoàn 2 ngụy, giải phóng Quảng Nam, Quảng Ngãi, uy hiếp Đà Nẵng từ hướng Nam.

Lực lượng phòng không của Quân đoàn 2 và Quân khu 5 đã bảo vệ đội hình bộ đội binh chủng hợp thành phát triển tiến công giải phóng Đà Nẵng - căn cứ quân sự liên hợp Hải - Lục - không quân của Mỹ - ngụy, tiêu diệt và làm tan rã Quân đoàn 1 ngụy, giải phóng hoàn toàn Quân khu 1.

Thứ ba, bảo vệ đội hình bộ đội binh chủng hợp thành tiến hành thắng lợi Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Lực lượng Phòng không - Không quân trong chiến dịch Hồ Chí Minh là lực lượng tổng hợp của cả nước được huy động tới mức cao nhất: 5 sư đoàn và 1 lữ đoàn pháo cao xạ; 2 trung đoàn tên lửa; 2 tiểu đoàn A72; 1 trung đoàn pháo ZSU-23; 1 đơn vị không quân chiến đấu; 1 đơn vị không quân vận tải; 1 tiểu đoàn rađa trinh sát.

Để chuẩn bị cho chiến dịch, không quân ta thực hiện 163 chuyến bay vận tải từ Bắc vào Nam để chở 120 tấn vũ khí trang bị và 4.250 cán bộ Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng cùng với cán bộ, chiến sỹ của Quân đoàn 1 đáp ứng yêu cầu “thần tốc”, bổ sung quân tinh nhuệ cho chiến dịch.

Chính vì vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, ta đã huy động được lực lượng Phòng không - Không quân tổng hợp rất lớn với đủ các binh chủng, đã cơ động thần tốc triển khai bí mật, an toàn, đúng địa điểm theo thời gian quy định, tạo thành sức mạnh chiến đấu tổng hợp áp đảo không quân địch.

Trong giai đoạn chuẩn bị chiến dịch, lực lượng phòng không Nam Bộ và Quân đoàn 2 bảo vệ đội hình bộ đội binh chủng hợp thành tiến công mở rộng bàn đạp, hành lang, phá vỡ hệ thống phòng ngự từ xa, thực hiện chia cắt, bao vây Sài Gòn - Gia Định.

Đồng thời nhanh chóng cơ động lực lượng Phòng không - Không quân tham gia chiến dịch, triển khai đội hình phòng không chiến dịch và điều chỉnh lực lượng bảo vệ giao thông chiến lược, bảo vệ yếu địa lớn trong vùng mới giải phóng.

Quân chủng Phòng không - Không quân sẵn sàng đánh bại các cuộc tiến công đường không từ bên ngoài; Bộ đội Không quân, Tên lửa phòng không là lực lượng chủ yếu bảo vệ miền Bắc.

Tích cực nghiên cứu xây dựng phương án sử dụng không quân chiến đấu tham gia chiến dịch, ta chọn được phương án tối ưu là dùng máy bay A-37 của địch đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất, theo đúng chỉ thị của Tư lệnh chiến dịch “Chỉ có một ngày, chỉ có một lần”, đó là ngày 28/4 giữa chiến dịch.

Quán triệt phương châm chiến dịch “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, lực lượng phòng không - không quân đã sáng tạo và phát triển nhiều cách đánh hay, phát huy tính năng vũ khí trang bị, hiệp đồng chặt chẽ với bộ binh, hải quân phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của địch ở trên không, mặt đất và mặt nước, góp phần đưa trình độ tác chiến hiệp đồng của quân đội ta phát triển lên một trình độ mới.

Ngoài lực lượng phòng không dã chiến tích cực theo sát, bảo vệ đội hình các đơn vị bộ binh, các lực lượng do Quân chủng Phòng không - Không quân trực tiếp chỉ huy đã không quản ngại khó khăn, nhiều đơn vị hành quân hàng nghìn km với vũ khí trang bị, xe máy cồng kềnh, đội hình lớn, việc đảm bảo hậu cần kỹ thuật phức tạp, nhưng các đơn vị đều chủ động, tích cực lập thành tích, trong đó:

- Bộ đội Radar có Tiểu đoàn 8 mới được tổ chức (gồm 4 đại đội) đã hành quân liên tục dọc Trường Sơn, đến đêm ngày 24/4 triển khai xong đội hình, quản lý không gian tác chiến chiến dịch, phát hiện thông báo hoạt động của không quân địch trên hướng chủ yếu.

Trong ba ngày cuối chiến dịch, Tiểu đoàn đã phát hiện hơn hai trăm tốp máy bay địch, trong đó có khoảng 50% tốp máy bay di tản. Đây là những thông tin quyết định để chúng ta không đánh lầm vào các mục tiêu “dân sự”, thể hiện thiện chí hòa bình của dân tộc ta trong mỗi cuộc chiến tranh giải phóng.

- Khi quân ta khép chặp vòng vây, địch mở cầu hàng không tháo chạy, với trí thông minh, trên cơ sở nắm chắc hoạt động của địch, ngày 28/4/1975, Bộ đội không quân sử dụng 1 phi đội với 5 máy bay A-37 cùng 10 tấn bom đã táo bạo, bất ngờ, chọn đúng thời cơ, đúng thời điểm quyết định của chiến dịch, thực hành đánh sâu, đánh hiểm vào nơi tập trung nhiều máy bay của địch ở Tân Sơn Nhất.

Sau khi bom dội trúng mục tiêu, địch không kịp phản ứng, bàng hoàng không ngờ chính máy bay của chúng do các phi công không quân nhân dân Việt Nam chỉ sau ít ngày chuyển loại máy bay Mỹ với hình thức tác chiến mới (từ phòng ngự sang tiến công trong chiến dịch) làm nên một kỳ tích trong lịch sử hàng không thế giới.

Đòn đánh trúng mục tiêu có chọn lọc đã tác động mạnh, làm tê liệt hoàn toàn hệ thống sân bay của địch, buộc Mỹ phải tổ chức chiến dịch “Người liều mạng” đầy hoảng loạn chưa từng thấy trong lịch sử, di tản bằng trực thăng từ các nóc nhà cao tầng.

Trận đánh với lực lượng nhỏ, hiệu suất chiến đấu cao, uy lực lớn, có ý nghĩa chiến lược đã giáng đòn mạnh mẽ vào tinh thần đối với chính quyền, quân đội ngụy đã hoang mang, càng trở nên hoảng loạn và đẩy nhanh quá trình tan rã.

- Trung đoàn tên lửa 263 hành quân theo đường Trường Sơn vượt bao khó khăn, gian khổ đến Lộc Ninh - Đồng Xoài, khí tài và đạn hỏng hóc nhiều, mất hơn mười ngày dồn lắp, sửa chữa và hiệu chỉnh, đến ngày 24/4 được 1 tiểu đoàn đồng bộ tốt.

Ngày 26/4, Tiểu đoàn tên lửa 43 triển khai chiến đấu ở Bắc Bến Bầu, đã 4 lần phát hiện mục tiêu nhưng là máy bay di tản nên đã không bắn.

Bộ đội Phòng không - Không quân đã cùng với lực lượng nổi dậy tại các địa phương tiếp quản nhanh chóng các sân bay, cơ sở vật chất, phương tiện chiến tranh của địch để đưa vào phục vụ ngay hoạt động tác chiến, vận chuyển đường không và phục vụ dân sinh của ta rất có ý nghĩa, tạo nên sức mạnh lớn trong thắng lợi chung của dân tộc.

Ngoại trừ một bộ phận hiếu chiến, ngoan cố theo gót quan thầy hòng thực hiện mô hình thực dân kiểu mới ở miền Nam, còn tuyệt đại đa số đồng bào con Lạc cháu Hồng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam đều chung một ý chí thống nhất Tổ quốc với khát vọng hòa bình cháy bỏng của một dân tộc đã chịu nhiều chiến tranh.

Sự sụp đổ nhanh chóng của chế độ Sài Gòn là minh chứng khẳng định nhân dân miền Nam và một bộ phận lớn sỹ quan, binh lính quân đội cộng hòa đã ủng hộ cách mạng, mang đến thắng lợi cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975.

Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung và lực lượng Phòng không - Không quân nói riêng vì nhân dân mà chiến đấu, đã thực hiện khát vọng vì hòa bình thống nhất trên cả hai miền Nam - Bắc, để nước ta có được độc lập, tự do bền vững.

Sau Chiến dịch Hồ Chí Minh, lực lượng không quân tiếp tục sử dụng máy bay thu được của địch, cùng bộ đội Quân khu 9 tiến công bọn tàn quân ngoan cố giữ các đảo Thổ Chu, Phú Quốc,… với âm mưu làm bàn đạp để quay lại chống phá nước ta.

Để bảo vệ miền Nam vừa hoàn toàn giải phóng; bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc vừa thống nhất, giữ vững thành quả cách mạng trong Đại thắng mùa Xuân 1975, Quân chủng phòng không - không quân tiếp tục tổ chức, điều chỉnh đội hình, xây dựng thế trận, nhanh chóng triển khai lực lượng sẵn sàng chiến đấu trên phạm vi cả nước.

Những chiến công mà Bộ đội Phòng không - Không quân lập nên trong Đại thắng mùa Xuân 1975 là thành quả của quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của một Quân chủng được trang bị vũ khí kỹ thuật chiến đấu hiện đại hàng đầu của Quân đội ta.

Ý chí vượt lên mọi khó khăn gian khổ, hy sinh để hoàn thành các nhiệm vụ được giao đã giúp cán bộ, chiến sỹ Bộ đội Phòng không - Không quân nhanh chóng trưởng thành về mọi mặt.

Ngày nay, tình hình thế giới, khu vực và trong nước đã có nhiều thay đổi, yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc đã có nhiều phát triển; đòi hỏi lực lượng Phòng không - Không quân phải kế thừa truyền thống anh hùng trong kháng chiến giải phóng dân tộc, phát huy sáng tạo và vận dụng hiệu quả các bài học kinh nghiệm quý báu về xây dựng, tổ chức lực lượng, huấn luyện chuyển loại khí tài, xây dựng cách đánh sáng tạo, độc đáo,… trong chiến tranh nói chung, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 nói riêng để hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ trong tình hình mới.


TTXVN/Tin tức