08:07 06/08/2014

Luật Đấu thầu mới tạo cơ hội cho nhà thầu nội

Luật Đấu thầu mới năm 2013 (Thay thế cho Luật Đấu thầu cũ năm 2005) gồm 13 chương, 96 điều đã được Quốc hội Khóa XIII thông qua tại kỳ họp lần thứ 6 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2014.

Luật Đấu thầu mới năm 2013 (Thay thế cho Luật Đấu thầu cũ năm 2005) gồm 13 chương, 96 điều đã được Quốc hội Khóa XIII thông qua tại kỳ họp lần thứ 6 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2014. Một câu hỏi được đặt ra là liệu những đổi mới căn bản trong Luật Đấu thầu mới có tạo thêm cơ hội cho nhà thầu nội thắng thầu?


Ưu tiên cho nhà thầu nội


Theo Điều 14 Luật Đấu thầu mới năm 2013 quy định ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu: “Nhà thầu được hưởng ưu đãi khi tham gia đấu thầu trong nước hoặc đấu thầu quốc tế để cung cấp hàng hóa mà hàng hóa đó có chi phí sản xuất trong nước chiếm tỷ lệ từ 25% trở lên”. Đối tượng được hưởng ưu đãi khi tham gia đấu thầu quốc tế để cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, xây lắp bao gồm: Nhà thầu trong nước tham dự thầu với tư cách độc lập hoặc liên danh; Nhà thầu nước ngoài liên danh với nhà thầu trong nước mà nhà thầu trong nước đảm nhận từ 25% trở lên giá trị công việc của gói thầu. Đối tượng được hưởng ưu đãi khi tham gia đấu thầu trong nước để cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, xây lắp bao gồm: Nhà thầu có từ 25% trở lên số lượng lao động là nữ giới; Nhà thầu có từ 25% trở lên số lượng lao động là thương binh, người khuyết tật; Nhà thầu là doanh nghiệp nhỏ.

 

Nhà máy Thủy điện Sơn La là một trong số những dự án lớn do nhà thầu Việt Nam đảm nhiệm. Ảnh: Điêu Chính Tới - TTXVN


Vài năm gần đây có hiện tượng Nhà thầu nước ngoài khi trúng thầu mang toàn bộ nhân lực, máy móc, vật tư, thiết bị từ cái đinh, ốc vít sang Việt Nam để thực hiện gói thầu. Trước bất cập này, Luật Đấu thầu mới cũng có quy định ưu tiên phát triển nguồn lực trong nước, tạo cơ hội cho nhà thầu trong nước trúng thầu để tạo việc làm cho lao động. Theo đó, điều kiện để các nhà thầu ngoại tham gia đấu thầu quốc tế tại Việt Nam được quy định chặt chẽ hơn, trong đó gói thầu tư vấn, xây lắp, hỗn hợp phải liên danh hoặc ký hợp đồng với nhà thầu phụ Việt Nam.


Luật quy định: Giá trị khối lượng công việc dành cho nhà thầu Việt Nam không thấp hơn 30% giá dự thầu trong trường hợp nhà thầu Việt Nam đủ khả năng thực hiện. Nhà thầu nước ngoài chỉ được phép sử dụng lao động nước ngoài khi lao động trong nước không đủ khả năng thực hiện và đáp ứng yêu cầu của gói thầu.


Như vậy, Luật Đấu thầu mới sẽ bảo đảm cho các nhà thầu trong nước cơ hội cạnh tranh, công bằng, minh bạch. Chính sách ưu đãi dành riêng cho hàng hóa sản xuất trong nước và chính sách ưu đãi dành riêng cho nhà thầu trong nước khi tham gia đấu thầu trong nước hay đấu thầu quốc tế đã được quy định rất rõ ràng.


Không chọn giá trúng thầu rẻ nhất


Trong nhiều năm nay, các nhà thầu nội đang phải chịu nhiều bất lợi trong công tác đấu thầu như: Chỉ lựa chọn nhà thầu bỏ giá rẻ nhất, không cho phép bỏ giá vượt trần, không quy định giá sàn, công bố nhà thầu trúng thầu trước, sau đó mới tiến hành thương thảo hay không có một ràng buộc nào về pháp chế để chống phá giá, bảo hiểm, bảo hành công trình... Tất cả những điều này khiến cho cơ chế, chính sách trong đầu tư xây dựng trở nên phức tạp và hình thức đấu thầu đôi khi không phản ánh đúng thực chất.


Các gói thầu giá trị lên đến cả ngàn tỷ đồng nhưng chậm tiến độ do các tập đoàn nước ngoài làm thầu chính nhưng không đủ năng lực thực hiện đã là một thực tế nhức nhối thể hiện điểm hạn chế lớn nhất của Luật Đấu thầu cũ. Nhà thầu nội dù có đủ năng lực về thi công xây lắp nhưng vẫn luôn bị gạt ra ngay từ đầu bằng do quy định chọn thầu giá rẻ. Soi vào các gói thầu giá rẻ do tổng thầu Trung Quốc được chọn, quá trình thực tế cho thấy khi thực hiện luôn luôn bị điều chỉnh, giá lại đội lên cao hơn nhiều so với khi đấu thầu mà chất lượng và tiến độ cũng như công tác bảo hành vòng đời công trình không đạt yêu cầu. Trong khi đó, nhà thầu nội è cổ tìm mọi cách khắc phục khó khăn, chấp nhận làm thầu phụ, trách nhiệm thì cao, công nhân thì khổ nhưng lợi nhuận lại nộp phần lớn cho tổng thầu ngoại chỉ việc “ngồi mát ăn bát vàng”.


Để khắc phục tình trạng bỏ thầu giá rẻ nhưng không đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện gói thầu, Luật Đấu thầu mới quy định rõ phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu theo từng lĩnh vực cụ thể như lựa chọn nhà thầu, lựa chọn nhà đầu tư. Bên cạnh đó, luật cũng bổ sung thêm một số phương pháp mới trong đánh giá hồ sơ dự thầu nhằm đa dạng hóa phương pháp đánh giá để phù hợp hơn với từng loại hình và quy mô của gói thầu. Hồ sơ dự thầu bắt buộc phải làm riêng hai túi hồ sơ kỹ thuật và hồ sơ tài chính. Hai túi này được nộp cùng lúc, nhưng khi đấu thầu chỉ mở túi kỹ thuật. Nhà thầu nào được chọn mới tiếp tục mở túi tài chính. Như vậy sẽ bảo đảm nhà thầu có đủ năng lực kỹ thuật được ưu tiên lựa chọn trước. Ngoài ra Luật lần này bổ sung thêm phương pháp chấm thầu. Trước đây với mua sắm hàng hóa xây lắp, dịch vụ tư vấn thì chỉ đánh giá trực tiếp dựa trên các tiêu chí kỹ thuật, giá sản phẩm. Còn hiện nay, phương pháp này cho phép tính toán, đưa ra chi phí sản phẩm trong cả một vòng đời dự án. Khi đánh giá hàng hóa phải cộng cả chi phí vận hành. Phương pháp này kết hợp được cả tiêu chí kỹ thuật và giá, do đó nhà thầu nào có kỹ thuật cao hơn thì sẽ được chọn.


Ninh Toàn